Nhận lời mời của Thủ tướng Narendra Modi, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ thăm chính thức Cộng hòa Ấn Độ từ ngày 27-29/10.
Nằm ở khu vực Nam Á, đất nước Ấn Độ là một trong những cái nôi văn minh của loài người, với lịch sử trên 5.000 năm.
Quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời giữa Việt Nam và Ấn Độ hình thành từ những thập niên đầu thế kỷ 20, được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Jawaharlan Nehru đặt nền móng, các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp.
Hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 7/1/1972. Ấn Độ tích cực ủng hộ Việt Nam trong các cuộc kháng chiến giành độc lập, thống nhất đất nước trước đây, cũng như trong sự nghiệp đổi mới và phát triển hiện nay.
Quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam-Ấn Độ phát triển tốt đẹp, hai nước thường xuyên trao đổi nhiều đoàn cấp cao; trong đó phía Việt Nam sang thăm Ấn Độ có Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (tháng 10/2011); Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 20 năm quan hệ đối thoại ASEAN-Ấn Độ tại Ấn Độ (tháng 12/2012); Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 11/2013).
Về phía Ấn Độ sang thăm Việt Nam có Phó Tổng thống Hamid Ansari (tháng 1/2013); Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Sushma Swaraj (tháng 8/2014); Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee (tháng 9/2014) và mới đây Thủ tướng Narendra Modi đã thăm Việt Nam.
Hai nước cũng thường tổ chức họp định kỳ các cơ chế hợp tác như Ủy ban Liên Chính phủ Việt Nam-Ấn Độ, Tiểu ban hỗn hợp thương mại...
Quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Ấn Độ phát triển ngày càng sâu rộng, đặc biệt là trên năm lĩnh vực: chính trị, kinh tế, an ninh-quốc phòng, khoa học-công nghệ và văn hóa-giáo dục.
Ấn Độ coi trọng phát triển quan hệ với Việt Nam và coi Việt Nam là một trụ cột quan trọng trong chính sách hướng Đông của Ấn Độ.
Trên cơ sở quan hệ chính trị tốt đẹp, hợp tác giữa hai nước ở nhiều lĩnh vực khác cũng phát triển mạnh mẽ. Kim ngạch thương mại hai chiều tăng qua các năm kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2007.
Hai nước đã trở thành đối tác thương mại quan trọng của nhau, kim ngạch thương mại song phương năm 2013 đạt 5,23 tỷ USD, tăng 32% so với năm 2012.
Hai nước đang phấn đấu thực hiện mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 15 tỷ USD vào năm 2020.
Việt Nam xuất khẩu chủ yếu các mặt hàng linh kiện, hóa chất, gỗ và sản phẩm gỗ, sắt thép, than đá, nông sản các loại, phương tiện vận tải và phụ tùng, hàng dệt may, giày dép...
Về đầu tư giữa hai nước, đã có những dấu hiệu khởi sắc và dự kiến tăng nhanh trong thời gian tới khi Tập đoàn TATA thực hiện dự án Nhiệt điện Long Phú II trị giá 1,8 tỷ USD tại tỉnh Sóc Trăng. Hiện Ấn Độ có 73 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký 273 triệu USD (tính đến tháng 5/2014).
Trong quan hệ hợp tác văn hóa, giáo dục, Ấn Độ đang giúp Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trên các lĩnh vực công nghệ thông tin, kinh tế, luật, tiếng Anh.
Hai nước thường xuyên phối hợp tổ chức các chương trình giao lưu văn hóa, nghệ thuật nhằm tăng cường sự hiểu biết giữa nhân dân hai nước. Ấn Độ đang xúc tiến để sớm mở Trung tâm Văn hóa Ấn Độ tại Hà Nội.
Việt Nam và Ấn Độ luôn phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế (Liên hợp quốc, ASEAN, ARF, ADMM+, RCEP). Ấn Độ ủng hộ Việt Nam ứng cử làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 -2021. Việt Nam ủng hộ Ấn Độ tham gia Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ tiếp theo và ủng hộ Ấn Độ là Ủy viên thường trực khi Hội đồng bảo an mở rộng.
Chuyến thăm chính thức Ấn Độ của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhằm tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước với trọng tâm là hợp tác kinh tế; đồng thời phát triển sâu rộng hơn quan hệ hợp tác trong các lĩnh vực khác nhau như khoa học công nghệ, văn hóa-giáo dục, du lịch, hàng không.
Nhân chuyến thăm, hai bên cũng sẽ thảo luận các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm./.