Phát triển sâu rộng và hiệu quả quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam đi Lào tham dự và đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 40 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Lào từ ngày 4-5/2.
Phát triển sâu rộng và hiệu quả quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith. (Nguồn: TTXVN)

Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Thongloun Sisoulith, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam đi Lào tham dự và đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 40 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Lào từ ngày 4-5/2. 

Không ngừng vun đắp, phát triển quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào

Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng gần gũi, thân thiết, núi sông liền một dải, nhân dân hai nước có quan hệ truyền thống, thủy chung, gắn bó lâu đời. Đặc biệt, từ khi có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, sau này là Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, mối quan hệ đặc biệt Việt-Lào đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Kaysone Phomvihane và Chủ tịch Souphanouvong gây dựng, được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp.

Việc hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao (5/9/1962) và ký kết Hiệp ước hữu nghị và hợp tác (18/7/1977) là những sự kiện lịch sử trọng đại, dấu mốc quan trọng trong quan hệ song phương, khẳng định sự gắn bó vận mệnh của hai dân tộc Việt-Lào.

Thực hiện chủ trương của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai Nhà nước, Việt Nam và Lào đã phối hợp tổ chức hàng trăm hoạt động phong phú, sinh động trong “Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam 2017."

Các hoạt động này đã thu hút sự tham gia sâu rộng của các cấp, các ngành và đông đảo tầng lớp nhân dân hai nước. Đặc biệt, hai bên đã trao đổi gần 300 đoàn các cấp, trong đó có 12 đoàn cấp cao, qua đó làm sâu sắc hơn các mối quan hệ giữa hai nước. Trong các chuyến thăm, lãnh đạo cấp cao hai nước tiếp tục khẳng định quyết tâm gìn giữ và vun đắp, phát triển mối quan hệ đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào trên tinh thần độc lập, tự chủ và ý chí tự lực, tự cường, phát huy thế mạnh, khả năng của mỗi bên; đồng thời không ngừng nâng cao hiệu quả, chất lượng hợp tác vì lợi ích của nhân dân mỗi nước, góp phần vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Trong những năm qua, quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào đã phát triển liên tục, ngày càng sâu sắc và hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là quan hệ giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước, đem lại nhiều lợi ích to lớn, thiết thực cho cả hai bên.

Việt Nam và Lào duy trì tốt các cơ chế hợp tác song phương như: Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác song phương; thường xuyên trao đổi nhiều đoàn từ cấp cao cho đến cấp địa phương, tiếp tục tăng cường hợp tác về đối ngoại, lập mới cơ chế đối thoại thường niên cấp Bộ trưởng Ngoại giao từ tháng 12/2014, tham khảo chính trị cấp Thứ trưởng Ngoại giao.

Đến tháng 8/2017, Việt Nam là nhà đầu tư đứng thứ 3 trong số các nước đầu tư vào Lào, sau Trung Quốc và Thái Lan. Hai bên đã ký Hiệp định Thương mại mới và Hiệp định Thương mại biên giới. Một số dự án lớn của Việt Nam đầu tư sang Lào như: dự án thủy điện Xekamản3 của Công ty cổ phần Điện Việt-Lào đã đi vào hoạt động; dự án thủy điện Xekamản 1; dự án đường dây tải điện từ Xekamản về Pleiku...; các dự án trồng cây cao su và cây công nghiệp tại Lào, với tổng diện tích hiện đã lên tới 70.000 ha...

Các dự án đầu tư của Việt Nam đều được Chính phủ Lào đánh giá là dự án hiệu quả, góp phần làm thay đổi diện mạo kinh tế, xã hội, tạo thêm việc làm cho người dân, đồng thời tăng nguồn thu ngân sách cho Chính phủ Lào.

Thời gian vừa qua, nhiều cuộc tiếp xúc giữa người đứng đầu Chính phủ và lãnh đạo cấp cao hai nước với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang có hoạt động đầu tư tại Lào đã cho thấy rõ mong muốn, quyết tâm của hai Chính phủ trong việc nỗ lực tăng cường hơn nữa hiệu quả hợp tác hữu nghị, phát triển kinh tế, xã hội giữa hai nước làng giềng anh em.

Chính phủ Lào cũng tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh tại đây, nhưng các doanh nghiệp cũng phải đối mặt với không ít khó khăn như thiếu nguồn lao động hay trở ngại về ngôn ngữ, phong tục tập quán... Các doanh nghiệp Việt khẳng định Lào là một thị trường đầu tư tiềm năng.

Năm 2017, kim ngạch thương mại song phương Việt-Lào đã tăng trưởng trở lại, ước đạt hơn 900 triệu USD, tăng 10% so với năm 2016, đạt mục tiêu mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã đề ra... Hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang Lào chủ yếu gồm các mặt hàng như xăng dầu, sắt thép, phương tiện vận tải và phụ tùng... Cơ cấu mặt hàng nhập khẩu của Việt Nam từ thị trường Lào lại tập trung chủ yếu vào những nhóm mặt hàng chính là cao su, phân bón, quặng và khoáng sản.

Hợp tác ngày càng hiệu quả

Hai bên đẩy mạnh triển khai các dự án kết nối về giao thông vận tải trong khuôn khổ hợp tác song phương cũng như tiểu vùng; tiếp tục nghiên cứu, nhân rộng mô hình kiểm tra “một cửa, một lần dừng” của cửa khẩu Lao Bảo-Den Savanh sang các cặp cửa khẩu quốc tế khác giữa hai nước.

Giáo dục-đào tạo có thể xem là một lĩnh vực hợp tác thành công giữa hai nước. Mỗi năm, hàng trăm lưu học sinh Lào sang Việt Nam học tập và cũng có rất nhiều lưu học sinh Việt Nam nhận được học bổng của Chính phủ Lào.

Phát triển sâu rộng và hiệu quả quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào ảnh 2Hội chợ Thương mại Việt-Lào năm 2017. (Nguồn: Vietnam+)

Bên cạnh đó, hai nước cũng triển khai nhiều dự án nâng cao chất lượng các cơ sở giáo dục đào tạo ở khắp các tỉnh, thành phố của Lào. Hằng năm, Việt Nam tiếp tục dành cho Lào nhiều suất học bổng ở tất cả các cấp: cao đẳng, đại học, trên đại học.

Năm 2017, Việt Nam dành 1.246 suất học bổng cho lưu học sinh Lào sang đào tạo dài hạn và bồi dưỡng ngắn hạn tại Việt Nam (tăng 246 suất so với cam kết của hai Chính phủ); thực hiện hiệu quả chỉ thị của hai Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh, nâng cao chất lượng hợp tác về giáo dục-đào tạo.

Hiện nay, Bộ Giáo dục và Thể thao Lào đã tổ chức nhiều hoạt động để thu hút lưu học sinh Lào sang học tại các trường đại học của Việt Nam theo diện tự túc.

Hai bên tiếp tục phát triển hợp tác văn hóa-du lịch. Số du khách Lào đến Việt Nam và du khách Việt Nam sang Lào liên tục tăng trong vài năm trở lại đây. Quan hệ hợp tác về y tế tiếp tục phát triển, nhất là giữa các tỉnh giáp biên. Hai bên đã phối hợp tổ chức nhiều hội thảo, trao đổi kinh nghiệm nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn.

Hợp tác an ninh, quốc phòng giữa hai nước không ngừng được tăng cường và triển khai tốt trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt về huấn luyện, đào tạo. Hai bên tiếp tục phối hợp triển khai tốt các thỏa thuận hợp tác an ninh, quốc phòng; hoàn thành Dự án Tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam-Lào; ký Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới Việt Nam-Lào; hiệp định về quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới Việt Nam-Lào.

Hai bên tiếp tục đẩy mạnh triển khai Thỏa thuận giữa hai Chính phủ về giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú ở vùng biên giới Việt Nam-Lào. Công tác tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ, quân tình nguyện Việt Nam được triển khai tốt.

Hai bên phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn hợp tác khu vực và quốc tế; tiếp tục tăng cường hợp tác, phối hợp với các nước thành viên ASEAN khác trong việc xây dựng Cộng đồng ASEAN và duy trì đoàn kết, đồng thuận của ASEAN trong các vấn đề chiến lược ở khu vực. Nhiều hiệp định, thỏa thuận, bản ghi nhớ giữa hai nước đã được ký kết.

Tại Kỳ họp lần này, hai bên sẽ đánh giá tình hình thực hiện Thỏa thuận về kế hoạch hợp tác Việt Nam-Lào năm 2017, thống nhất phương hướng, nhiệm vụ hợp tác năm 2018 và ký các văn kiện hợp tác giữa hai nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục