Quản chặt tài nguyên biển, hải đảo: Cần loại bỏ các quy định cản trở

Phát triển tài nguyên biển, hải đảo: Cần loại bỏ các quy định cản trở

Theo Bộ TNMT, hiện một số quy định liên quan đến phát triển tài nguyên biển đã không còn phù hợp với thực tế; cần thiết phải rà soát, loại bỏ các quy định gây cản trở trong tình hình mới.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: TTXVN)
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: TTXVN)

Sau 6 năm thực hiện Nghị định số 40/2016/NĐ-CP và hơn 1 năm Nghị định số 11/2021/NĐ-CP liên quan đến quản lý tài nguyên biển và hải đảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết một số quy định không còn phù hợp với thực tế; cần thiết phải rà soát, loại bỏ các quy định gây cản trở cho sự phát triển trong tình hình mới.

Theo đó, tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của 2 Nghị định trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất các vấn đề cần nghiên cứu như: Điều chỉnh danh mục các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển; chấp thuận hoạt động nghiên cứu khoa học, điều tra tài nguyên trên biển; miễn, giảm tiền sử dụng khu vực biển.

Điều chỉnh danh mục lập hành lang bảo vệ bờ biển

Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh biển và hải đảo Việt Nam có vị trí và vai trò hết sức quan trọng đối với phát triển kinh tế-xã hội; có ý nghĩa chiến lược đặc biệt đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay cũng như về lâu dài.

Vì thế, ngày 15/5/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 40/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Tiếp đó, Chính phủ ban hành Nghị định số 11/2021/NĐ-CP quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, một số quy định tại Nghị định số 40/2016/NĐ-CP và Nghị định số 11/2021/NĐ-CP đã không còn phù hợp với các văn bản, quy định mới được ban hành; một số quy định chưa cụ thể đã gây ra vướng mắc khi triển khai.

Đơn cử như Nghị định số 40/2016/NĐ-CP, theo quan điểm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Nghị định này chưa có quy định về việc điều chỉnh danh mục các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển và trình tự, thủ tục điều chỉnh. Trong khi đó, trên thực tế có nhiều trường hợp cần xem xét, thay đổi các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển do là bởi yêu cầu về quốc phòng, an ninh.

[Bộ TN-MT: Việt Nam có lợi thế lớn phát triển ‘mỏ ánh sáng’ ngoài khơi]

Ngoài ra, nhiều trường hợp cũng cần xem xét, thay đổi các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển do tác động của thiên tai hoặc các trường hợp bất khả kháng mà hành lang bảo vệ bờ biển đã được thiết lập không còn đáp ứng các mục tiêu, yêu cầu quy định tại Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo…

Do vậy, dự thảo Nghị định của Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về các trường hợp điều chỉnh danh mục các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển vào Nghị định số 40/2016/NĐ-CP, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Phát triển tài nguyên biển, hải đảo: Cần loại bỏ các quy định cản trở ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+)

Cùng với đó, dự thảo cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định về hồ sơ cấp, cấp lại, cho phép trả lại giấy phép nhận chìm ở biển theo phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường giai đoạn 2020-2025.

Đổi mới toàn diện quy định về giao khu vực biển

Tương tự, dự thảo Nghị định của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề xuất sửa đổi toàn diện các nội dung giao khu vực biển trong Nghị định số 11/2021/NĐ-CP.

Lý do là Khoản 4 Điều 9 Nghị định trên đã có quy định về các trường hợp không phải thực hiện giao khu vực biển. Song, quy định còn chưa rõ ràng, dẫn đến cách hiểu chưa thống nhất; chưa có quy định cụ thể về thủ tục chấp thuận hoạt động nghiên cứu khoa học, quan trắc, điều tra, khảo sát, đánh giá tài nguyên trên biển.

Thực tế trên gây ra các vướng mắc, trong khi hiện nay đang có nhiều tổ chức, cá nhân quan tâm, đề xuất cho phép triển khai thực hiện các hoạt động điều tra, khảo sát, đánh giá tiềm năng năng lượng gió và các loại năng lượng tái tạo trên biển...

Từ đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất bổ sung các nội dung mới như: quy định cụ thể về các trường hợp không phải thực hiện giao khu vực biển; các trường hợp phải thực hiện thủ tục chấp thuận hoạt động nghiên cứu khoa học, quan trắc, điều tra, khảo sát, đánh giá tài nguyên trên biển.

Cùng với đó, dự thảo Nghị định của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng nhấn mạnh tới việc sửa đổi thẩm quyền giao, công nhận, cho phép trả lại khu vực biển; bổ sung quy định cho rõ ràng để thống nhất trong thực hiện, áp dụng về thẩm quyền giao khu vực biển đối với hoạt động nhận chìm ở biển.

Ngoài ra, dự thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về yêu cầu “phải lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức trong trường hợp xác định vị trí, diện tích các khu vực biển khi chưa có các quy hoạch” theo hướng “giảm cơ quan phải lấy ý kiến và quy định rõ việc lấy ý kiến này nằm trong quá trình thẩm định hồ sơ giao khu vực biển;” bỏ quy định uy ban nhân dân cấp huyện phải lấy ý kiến khi giao khu vực biển cho tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản để rút ngắn thời gian giải quyết về thủ tục./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục