Phát triển thị trường carbon, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn

Phát triển thị trường carbon được coi là nguồn lực hữu hiệu và khả thi để giúp Việt Nam đạt được mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045 và đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.
Phát triển thị trường carbon, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn ảnh 1Phát triển điện Mặt Trời mái nhà tại Việt Nam. (Nguồn: TTXVN)

Để đạt được mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045 và đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 như cam kết tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), Việt Nam phải giải bài toán vừa hướng tới một nền kinh tế carbon thấp đồng thời có tốc độ phát triển vượt bậc.

Điều này cần huy động mọi nguồn lực, áp dụng các giải pháp sáng tạo, trong đó phát triển thị trường carbon được coi là nguồn lực hữu hiệu và khả thi.

Cơ sở pháp lý cho thị trường carbon

Thị trường carbon lần đầu tiên được đề cập trong Quyết định 1775/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ vào năm 2012, phê duyệt Đề án quản lý phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính; quản lý các hoạt động kinh doanh tín chỉ carbon ra thị trường thế giới.

Đề án rà soát, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật làm cơ sở cho tổ chức và hoạt động của thị trường tín chỉ carbon tự nguyện; xây dựng chính sách nhằm tạo điều kiện cho các địa phương, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đầu tư vào dự án kinh doanh tín chỉ carbon từ rừng theo hướng xã hội hóa công tác bảo vệ, phát triển rừng.

Sau đó, Nghị quyết 24-NQ/TW năm 2013 của Đảng về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đã đặt ra nhiệm vụ thúc đẩy các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện nước ta trên cơ sở hỗ trợ tài chính, công nghệ của các nước và tổ chức quốc tế; phát triển thị trường trao đổi tín chỉ carbon trong nước, tham gia thị trường carbon toàn cầu.

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 đã quy định việc tổ chức và thực hiện thị trường carbon. Thị trường carbon trong nước gồm các hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon thu được từ cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước, quốc tế, phù hợp với quy định của pháp luật, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

[Tăng cường năng lực kinh doanh tuần hoàn cho các doanh nghiệp]

Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định các cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính thuộc danh mục quy định, được phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính và có quyền trao đổi, mua bán trên thị trường carbon trong nước.

Cơ sở phát thải khí nhà kính chỉ được phát thải khí nhà kính trong hạn ngạch đã được phân bổ; trường hợp có nhu cầu phát thải vượt hạn ngạch được phân bổ thì mua hạn ngạch của đối tượng khác thông qua thị trường carbon trong nước.

Đồng thời, các cơ sở thực hiện giảm phát thải khí nhà kính hoặc không sử dụng hết hạn ngạch phát thải được phân bổ, được bán lại cho đối tượng khác có nhu cầu thông qua thị trường carbon trong nước... Các cơ quan liên quan thực hiện xây dựng và phát triển thị trường carbon.

Trong số đó, Bộ Tài chính có vai trò chủ trì thành lập thị trường carbon; Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức phân bổ hạn ngạch khí nhà kính, vận hành thị trường carbon trong nước, tham gia thị trường carbon thế giới.

Năm 2021, Nghị quyết 50-NQ/CP của Chính phủ đã xác định "thực hiện Đề án phát triển thị trường carbon tại Việt Nam" là một trong các nhiệm vụ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.

Gần đây nhất, ngày 7/1/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định chi tiết việc giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ozon và phát triển thị trường carbon.

Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động phát thải khí nhà kính, giảm nhẹ phát thải, hấp thụ khí nhà kính; tham gia phát triển thị trường carbon trong nước; sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, tiêu thụ và xử lý các chất làm suy giảm tầng ozon, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát theo Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozon.

Nghị định 06/2022/NĐ-CP xác định mục tiêu và lộ trình phát triển, thời điểm triển khai thị trường carbon trong nước được chia làm 2 giai đoạn từ nay đến hết năm 2027 và từ năm 2028 trở đi. Cụ thể, đến hết năm 2027, nước ta tập trung xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon; xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon; triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong các lĩnh vực tiềm năng và hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước, quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Đáng chú ý, Nghị định 06/2022/NĐ-CP đề ra mục tiêu thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon sẽ được thực kể từ năm 2025; đồng thời triển khai các hoạt động tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về phát triển thị trường carbon.

Theo mục tiêu, lộ trình của Nghị định 06/2022/NĐ-CP, từ năm 2028, Việt Nam sẽ tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức; đồng thời quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới.

Bộ Tài nguyên và Môi trường xác nhận tín chỉ carbon, hạn ngạch phát thải khí nhà kính được giao dịch trên sàn, bao gồm: lượng tín chỉ carbon thu được từ chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước, quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; hạn ngạch phát thải khí nhà kính được phân bổ.

Nguồn lực thúc đẩy kinh tế tuần hoàn

Tiến sỹ Trương An Hà, chuyên gia thuộc Tổ chức Sáng kiến về Chuyển dịch Năng lượng Việt Nam (VIETSE) cho biết với việc xây dựng và vận hành thị trường carbon trong nước, Việt Nam sẽ nắm bắt được những cơ hội trong giảm phát thải carbon một cách hiệu quả, tăng khả năng tương thích với các cơ chế định giá carbon quốc tế, tạo cơ hội liên kết với thị trường carbon trên thế giới, trong khu vực cũng như tăng tính cạnh tranh của các sản phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Phát triển thị trường carbon, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Hơn nữa, thị trường carbon còn là một cơ chế tạo nguồn lực để thúc đẩy phát triển và ứng dụng công nghệ phát thải thấp, hướng đến nền kinh tế trung hòa carbon.

Đánh giá về thị trường carbon, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thế Chinh, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng thị trường carbon về nguyên lý được xây dựng dựa trên những nguyên tắc vận hành của thị trường cạnh tranh "thuận mua, vừa bán," đôi bên cùng có lợi.

Nhằm phát triển thị triển thị trường carbon và sự chủ động tham gia của doanh nghiệp, các nhà quản lý cần hoàn thiện quy định của pháp luật về phát triển thị trường này.

Phát triển thị trường carbon với sự tham gia chủ động của doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26. Do đó, các doanh nghiệp cần nắm bắt được nguyên lý vận hành của thị trường carbon, các quy định của pháp luật liên quan đến thị trường carbon, từ đó chủ động trong việc cân đối với năng lực và khả năng sẵn sàng của doanh nghiệp để tham gia thị trường này khi đi vào vận hành, nhất là đăng ký tham gia trên sàn giao dịch tín chỉ carbon.

"Những quy định pháp luật về tổ chức và phát triển thị trường carbon đã có. Để doanh nghiệp hiểu và nắm bắt được những quy định này cần phải có thời gian, nâng cao dần cùng với những quy định pháp luật liên quan khác. Sự vào cuộc của các cấp chính quyền trong việc hỗ trợ doanh nghiệp chuẩn bị tham gia thị trường carbon có vai trò hết sức quan trọng, là động lực để thúc đẩy doanh nghiệp tham gia thị trường này từ cơ chế chính sách đến tổ chức thực hiện, hỗ trợ về hạ tầng và công tác hành chính" - Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thế Chinh nhận định.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng hiện nay, khi rất nhiều các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đang nỗ lực thực hiện các biện pháp cắt giảm phát thải khí nhà kính hướng tới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050, giảm phát thải đã trở thành yêu cầu bắt buộc đối với doanh nghiệp. Giảm phát thải không chỉ nhằm giảm thiểu tác hại tới môi trường và hướng tới phát triển bền vững mà còn để đáp ứng tiêu chuẩn xanh của quốc gia nhập khẩu.

Cơ hội chuyển đổi bền vững cho doanh nghiệp

Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Phạm Văn Tấn cho biết, chuyển đổi năng lượng, thực hiện phát thải ròng bằng "0" là lựa chọn mang tính chiến lược của Việt Nam.

Chính phủ đã và đang thực hiện các bước đi nhanh, chắc chắn. Điều này tạo ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp, góp phần tăng lợi thế cạnh tranh về dài hạn. Các doanh nghiệp cần sẵn sàng, trong đó cần chuẩn bị yếu tố về con người với đủ năng lực thực hiện kiểm kê khí nhà kính, xây dựng kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của doanh nghiệp.

Phát triển thị trường carbon, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn ảnh 3Các sản phẩm tái chế thân thiện với môi trường thay thế cho vật dụng nhựa. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

Để tham gia quá trình chuyển đổi này, các doanh nghiệp cần tránh hoặc rút nhanh ra khỏi các ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh sử dụng nhiều năng lượng, phát thải nhiều khí nhà kính; chuẩn bị sẵn sàng để tham gia thị trường carbon, tăng cường hợp tác với các cơ quan chính phủ để xây dựng và thực hiện các biện pháp giảm phát thải hoặc xây dựng tiêu chuẩn, hệ số phát thải đối với sản phẩm kinh doanh của mình.

Ông Tô Xuân Phúc, Giám đốc Chương trình Quản lý tài nguyên và Chính sách thương mại thuộc Tổ chức Forest Trends cho biết, nhiều Chính phủ và các quốc gia (bao gồm các quốc gia lớn nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam) đã cam kết đưa mức phát thải ròng khí nhà kính về "0" vào năm 2050.

Do đó, các cơ chế, chính sách trong thời gian tới sẽ tác động trực tiếp đến tất cả doanh nghiệp Việt Nam. Điều này tạo ra các cơ hội, thách thức đối với doanh nghiệp. Để giảm thách thức và tối đa cơ hội, các doanh nghiệp cần thay đổi theo hướng giảm phát thải, tăng cường các hoạt động hấp thụ khí nhà kính ngay từ bây giờ.

Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ đối mặt với các thách thức như các cơ sở phát thải cao hoạt động nội địa sẽ phải thực hiện kiểm kê và bắt buộc thay đổi để đáp ứng các yêu cầu về hạn ngạch phát thải của Chính phủ trong tương lai.

Các cơ sở phát thải cao có sản phẩm xuất khẩu như sắt, thép, ximăng, nhôm... phải thay đổi nếu muốn duy trì thị trường xuất khẩu trong tương lai. Ngược lại, cam kết giảm phát thải ròng về "0" vào năm 2050 cũng mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp, cơ sở có phát thải thấp, các nhà đầu tư cũng có thể có nguồn thu từ thị trường tín chỉ carbon.

Ông Tô Xuân Phúc cho rằng các doanh nghiệp cần xác định việc giảm phát thải là bắt buộc trong tương lai, phải thay đổi công nghệ, phương thức quản lý, cách tiếp cận... Việc giảm phát thải tạo ra cơ hội mới cho một số doanh nghiệp nếu thay đổi để tồn tại và phát triển phù hợp với xu thế, doanh nghiệp biết nắm bắt cơ hội, có nguồn thu mới từ tài chính carbon cùng các nguồn tài chính xanh.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, thị trường carbon ngày càng trở nên phổ biến vì đạt được kết quả giảm phát thải một cách hiệu quả và cho phép các doanh nghiệp được linh hoạt, chủ động trong lựa chọn biện pháp tuân thủ hạn ngạch phát thải, từ đó mang lại hiệu quả về chi phí trong cắt giảm phát thải./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.