Phát triển thị trường trong nước: Điểm tựa cho tăng trưởng

Bên cạnh động lực tăng trưởng nhờ vào xuất khẩu, Việt Nam ngày càng quan tâm đến phát triển thị trường trong nước, làm điểm tựa cho tăng trưởng nhanh và bền vững nền kinh tế.
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Trao đổi với phóng viên TTXVN chiều 8/1, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - cho biết bên cạnh động lực tăng trưởng nhờ vào xuất khẩu, Việt Nam ngày càng quan tâm đến phát triển thị trường trong nước, làm điểm tựa cho tăng trưởng nhanh và bền vững nền kinh tế.

Do vậy, nhằm thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019, đổi với lĩnh vực công thương sẽ tập trung vào chín nhiệm vụ cụ thể nhằm phát triển thị trường trong nước.

Theo ông Trần Duy Đông, năm 2018 tình hình thị trường trong nước tiếp tục được bảo đảm ổn định, nguồn cung hàng hóa dồi dào, giá cả cơ bản ổn định, không có tình trạng thiếu hàng, sốt giá.

Cùng với đó, đây là năm đầu tiên tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của cả nước đạt 4.395,7 nghìn tỷ đồng tăng 11,7% so với năm 2017, vượt kế hoạch đề ra năm 2018 là tăng 10-10,5% so với năm 2017.

[Cạnh tranh với hàng ngoại: Doanh nghiệp có dám đầu tư công nghệ?]

Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa năm 2018 đạt 3.306,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 75,21% tổng mức lưu chuyển hàng hóa và tăng 12,4% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Trần Duy Đông cũng phân tích thêm đây là năm thương mại nội địa giữ vững được đà tăng trưởng ổn định với tốc độ tăng tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ xã hội ở mức 2 con số, qua đó đã cùng với xuất khẩu và đầu tư là trụ đỡ quan trọng góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế chung của cả nước.

Hơn nữa, việc kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội được triển khai tích cực, thông qua việc thực hiện các Chương trình bình ổn thị trường, tập trung tại các tỉnh, thành phố lớn, nơi phát luồng hàng hóa và thường có biến động giá, ảnh hưởng lớn đến CPI chung của cả nước.

Đặc biệt, việc phối hợp chặt chẽ trong điều hành giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý, nhất là việc điều hành giá mặt hàng xăng dầu, quản lý giá sữa để hạn chế thấp nhất sự tác động cộng hưởng vào CPI chung khi các hàng hóa dịch vụ khác như phí giáo dục, phí y tế đang được điều chỉnh theo lộ trình giá thị trường trong thời gian vừa qua, bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát do Quốc hội giao (CPI dưới 4%).

Mặt khác, việc kiểm tra, kiểm soát thị trường được đẩy mạnh nhằm ngăn chặn các hành vi tăng giá bất hợp lý, buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đoàn thanh tra liên ngành kiểm tra an toàn thực phẩm tại cửa hàng kinh doanh trên địa bàn thành phố Phan Rang-Tháp Chàm. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Bộ Công Thương cũng chú trọng vào bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, quản lý hoạt động bán hàng đa cấp, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại... được đặc biệt quan tâm đẩy mạnh và đổi mới phương thức quản lý, góp phần bảo vệ và hỗ trợ thị trường trong nước phát triển lành mạnh.

Tuy nhiên, ông Trần Duy Đông cũng thẳng thắn thừa nhận việc cung cầu hàng hóa tuy được bảo đảm nhưng vẫn còn thiếu tính bền vững do thiếu sự liên kết giữa các bên trong chuỗi cung ứng hàng hóa (nhà sản xuất, nhà phân phối, nhà vận chuyển, người tiêu dùng), nhất là đối với hàng nông sản nên thị trường rất dễ bị các biến động cục bộ do tác động của tâm lý người tiêu dùng.

Không những thế, khi thị trường có biến động (dư cung hoặc cầu tăng đột biến), các cơ quan chức năng gặp khó khăn trong việc tiếp cận các công cụ điều tiết bình ổn thị trường.

Ngoài ra, tình hình kinh tế chính trị thế giới có nhiều nhân tố mới, đặc biệt là quan hệ giữa các nước lớn và quan điểm hợp tác thương mại của các nước này thường xuyên thay đổi ảnh hưởng đến cung cầu, giá cả hàng hóa thế giới.

Giá cả các nguyên liệu đầu vào và giá các hàng hóa thiết yếu trên thị trường thế giới có nhiều biến động bất thường, không tuân theo quy luật hàng năm do đó ảnh hưởng tới biến động giá nhiều hàng hóa thiết yếu trong nước nhất là nhóm hàng nhiên liệu năng lượng.

Đáng lưu ý, do còn hạn chế nguồn lực, cơ sở vật chất, tính đồng bộ về số liệu thống kê... nên việc dự báo còn hạn chế trong đánh giá tổng thể thị trường để chủ động đưa ra các biện pháp ứng phó kịp thời trước biến động khó lường của thị trường.

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới được dự báo sẽ tiếp tục đà tăng trưởng trong năm 2019, kinh tế trong nước được Chính phủ đặt mục tiêu giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP tăng từ 6,6-6,8% sẽ tạo niềm tin và kỳ vọng cho người dân vào sự ổn định của nền kinh tế, từ đó làm cơ sở để giữ vững đà tăng trưởng của tổng mức bán lẻ.

Tuy nhiên, để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng từ 10,5-11%, ông Trần Duy Đông khẳng định Bộ Công Thương sẽ triển khai mạnh mẽ các giải pháp phát triển thị trường trong nước, sớm hoàn thiện trình Chính phủ Chiến lược phát triển thị trường trong nước đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030 để tổ chức triển khai thực hiện.

Ngoài ra, tập trung rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về hạ tầng thương mại cho phù hợp với bối cảnh mới nhằm tạo môi trường thuận lợi và tạo sự đồng bộ trong phát triển. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về phát triển chợ đầu mối, xúc tiến các chương trình khuyến khích xã hội hóa, thu hút đầu tư trong và ngoài nước về xây dựng và phát triển chợ đầu mối.

Cùng với đó, đánh giá việc triển khai tiêu chí số 7 về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đề xuất giải pháp thực hiện hiệu quả phát triển chợ nông thôn theo mục tiêu đề ra; xây dựng tiêu chí điểm bán sản phẩm OCOP và các hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP, góp phần phát triển thương mại nông thôn.

Cũng theo ông Trần Duy Đông, đơn vị này sẽ chủ trì, phối hợp với các đơn vị, tổ chức liên quan đẩy mạnh các hoạt động thực hiện Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo phân công tại văn bản số 10050/BCT-TTTN ngày 11/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc hướng dẫn doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi phân phối sản phẩm Việt Nam tại thị trường trong nước.

Mặt khác, thực hiện có hiệu quả các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu, nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu về cung cầu các mặt hàng thiết yếu để phục vụ điều hành thị trường; chỉ đạo triển khai tích cực Chương trình bình ổn thị trường, đặc biệt vào các dịp lễ, Tết, mùa vụ; phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành trong việc điều hành giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý nhằm góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4%, bảo đảm an sinh xã hội.

Ông Trần Duy Đông nhấn mạnh thêm tới đây, Bộ Công Thương sẽ kiện toàn bộ máy và cơ chế hoạt động của Tổ Điều hành thị trường trong nước phù hợp với quy định hiện hành và theo hướng kết hợp các nguồn lực từ quản lý nhà nước của các Bộ, ngành và sử dụng hiệu quả năng lực can thiệp thị trường của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thiết yếu.

Đặc biệt, ngành đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm gắn kết giữa sản xuất với phân phối hàng hóa, tăng cường liên kết trong chuỗi giá trị hàng hóa gắn với thực hiện tốt các quy định về chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc nhằm khuyến khích, hỗ trợ nhà sản xuất nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh sản phẩm Việt Nam.

Hơn nữa, nâng cao hiệu quả kiểm tra, giám sát hoạt động của Sở giao dịch hàng hóa trong bối cảnh mới.

Đáng lưu ý, ngành sẽ tổ chức thực hiện Kế hoạch tăng cường triển khai Chương trình hàng động của Bộ Công Thương hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2019; trong đó, tập trung đẩy mạnh các hoạt động tổng kết 10 năm ngành công thương thực hiện Cuộc vận động theo Kế hoạch số 653/KH-MTTW-BCĐTWCVĐ ngày 19/10/2018 của Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục