Phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Bình Thuận tầm nhìn đến 2050

Tại Quyết định số 348/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Bình Thuận tầm nhìn đến 2050 ảnh 1Một góc khu dân cư mới xây dựng phát triển tại phường Xuân An, thành phố Phan Thiết, Bình Thuận. (Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN)

Tại Quyết định số 348/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quyết định nêu rõ, việc lập "Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050" phải phù hợp với các nội dung định hướng chiến lược phát triển đất nước thời kỳ 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 của cả nước, quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, các quy hoạch ngành quốc gia, các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành và các quy hoạch đã được phê duyệt liên quan đến địa bàn tỉnh; đồng thời đảm bảo phù hợp với nội lực của tỉnh và khả năng huy động các nguồn lực bên ngoài cho phát triển kinh tế-xã hội một cách đồng bộ, bền vững trên tất cả các lĩnh vực, các vùng của tỉnh.

Về mục tiêu lập quy hoạch, Quyết định nêu rõ quy hoạch là căn cứ khoa học và công cụ pháp lý quan trọng để chính quyền các cấp của tỉnh Bình Thuận sử dụng trong hoạch định chính sách và kiến tạo động lực phát triển; tổ chức không gian phát triển kinh tế-xã hội đảm bảo tính kết nối đồng bộ giữa quy hoạch quốc gia với quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh nhằm phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững.

Quy hoạch tỉnh đưa ra các định hướng, nhiệm vụ và giải pháp đẩy nhanh thực hiện các đột phá phát triển; đồng thời loại bỏ các quy hoạch chồng chéo, cản trở đầu tư phát triển trên địa bàn; bảo đảm công khai minh bạch, công bằng trong huy động, tiếp cận cũng như phát huy tối đa các nguồn lực trong hoạt động đầu tư phát triển kinh tế-xã hội-môi trường; đồng thời là cơ sở để xây dựng và triển khai các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, đầu tư công trung hạn trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, đảm bảo tính khách quan, khoa học.

Một trong những yêu cầu về nội dung của quy hoạch cần phân tích, đánh giá các yếu tố, điều kiện, nguồn lực phát triển và dự báo khả năng khai thác các nguồn lực cho phát triển trong thời kỳ quy hoạch; đánh giá thực trạng phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2011-2020, rút ra những thành tựu, những hạn chế, tồn tại và nguyên nhân; đánh giá sự hiệu quả, tính hợp lý về thực trạng tổ chức không gian phát triển kinh tế-xã hội.

Cùng với đó, xác định mục tiêu, quan điểm và phương án phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và cụ thể hóa cho giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn 2026-2030. Xây dựng các phương án phát triển kết cấu hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật và tổ chức không gian lãnh thổ cho các hoạt động kinh tế-xã hội của tỉnh.

Nội dung chính của quy hoạch cần đánh giá các yếu tố, điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội; đánh giá hiện trạng phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2020 và bối cảnh phát triển của tỉnh Bình Thuận; phân tích, đánh giá, dự báo về các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù của tỉnh Bình Thuận về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, xã hội, môi trường, tài nguyên thiên nhiên; đánh giá thực trạng phát triển kinh tế-xã hội, thực trạng phát triển hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, hiện trạng sử dụng đất...

Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cần xác định quan điểm về phát triển tỉnh trong thời kỳ quy hoạch; xây dựng các kịch bản phát triển và lựa chọn phương án phát triển của tỉnh; xác định các nhiệm vụ trọng tâm cần giải quyết và các khâu đột phá của tỉnh trong thời kỳ quy hoạch; phương hướng phát triển các ngành quan trọng trên địa bàn tỉnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục