Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Nam Định sẽ phát triển 4 trung tâm đô thị động lực chủ đạo và 5 hành lang kinh tế động lực; phát triển đột phá khu vực kinh tế biển, đưa khu vực ven biển trở thành một trọng tâm phát triển của tỉnh.

Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Nam Định tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2023. (Ảnh: Thái Thuần/TTXVN)
Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Nam Định tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2023. (Ảnh: Thái Thuần/TTXVN)

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định 1729/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phạm vi lập Quy hoạch tỉnh Nam Định bao gồm toàn tỉnh Nam Định với diện tích tự nhiên 1.668,8km2; 10 đơn vị hành chính cấp huyện gồm: 1 thành phố (thành phố Nam Định) và 9 huyện (Mỹ Lộc, Vụ Bản, Ý Yên, Nam Trực, Trực Ninh, Nghĩa Hưng, Xuân Trường, Giao Thủy, Hải Hậu). Phần không gian biển được xác định theo các quy định của pháp luật có liên quan.

Mục tiêu tổng quát của quy hoạch phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Nam Định trở thành tỉnh phát triển nhanh, toàn diện, bền vững; là tỉnh phát triển khá của cả nước, một trong những trung tâm phát triển quan trọng của vùng Nam Đồng bằng sông Hồng.

Tỉnh tiếp tục phát triển theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, bao gồm: công nghiệp, du lịch, nông nghiệp, đô thị và nông thôn; thúc đẩy phát triển khu vực biển, ven biển trở thành động lực tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Tỉnh định hướng Công nghiệp Xanh; du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử; đô thị thông minh và nông thôn mới kiểu mẫu là trọng tâm; khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành động lực tăng trưởng.

Tỉnh xây dựng hệ thống đô thị và các khu công nghiệp tập trung có quy mô lớn; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, kết nối thuận lợi với các trung tâm kinh tế-xã hội lớn của vùng Đồng bằng sông Hồng, cả nước và khu vực. Tỉnh phát triển bền vững về môi trường sinh thái, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, Nam Định phấn đấu tốc độ tăng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2030 khoảng 9,5%/năm.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đến năm 2030, tỷ trọng ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản chiếm khoảng 12%; công nghiệp-xây dựng chiếm khoảng 50%; dịch vụ chiếm khoảng 38%. GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt khoảng 160-180 triệu đồng.

Đẩy mạnh phát triển kinh tế biển

Về các nhiệm vụ trọng tâm, tỉnh tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp nhiều tuyến giao thông huyết mạch quan trọng kết nối trung tâm vùng, trọng điểm.

Tỉnh đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư vào khu kinh tế, các khu, cụm công nghiệp; đẩy mạnh phát triển kinh tế biển (công nghiệp biển, du lịch biển, vận tải biển, khai thác các nguồn lợi của biển,...).

vna-potal-thu-tuong-pham-minh-chinh-khao-sat-cac-du-an-trong-diem-tai-nam-dinh-6544571-8843.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát dự án cầu bắc qua sông Đào, thành phố Nam Định. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Tỉnh phát triển các ngành, lĩnh vực công nghiệp mới như luyện thép và sản phẩm sau thép, điện gió, điện khí, chế biến khí,… gắn với không gian vùng kinh tế biển.

Nam Định đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, trọng tâm là thực hiện tích tụ và tập trung ruộng đất theo quy hoạch để hình thành "cánh đồng lớn."

Tỉnh đẩy mạnh liên kết và tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng Nông thôn Mới gắn với thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); chú trọng sản xuất nông nghiệp sạch, công nghệ cao, sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị để phát triển bền vững.

Nam Định phát triển hệ thống đô thị theo hướng hình thành các đô thị lớn, có mối liên kết mạnh với nhau nhằm đẩy mạnh đô thị hóa, trong đó ưu tiên phát triển thành phố Nam Định (mở rộng) trở thành đô thị xanh, đô thị thông minh, đạt tiêu chí đô thị loại I vào giai đoạn năm 2030.

Tỉnh xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu gắn với đô thị hóa nông thôn; tăng cường công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học; chủ động thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Phát triển 4 trung tâm đô thị động lực chủ đạo và 5 hành lang kinh tế động lực

Về đột phá phát triển, Nam Định sẽ phát triển 4 trung tâm đô thị động lực chủ đạo và 5 hành lang kinh tế động lực; phát triển đột phá khu vực kinh tế biển và ven biển, đưa khu vực ven biển trở thành một trọng tâm phát triển của tỉnh.

Cụ thể, tỉnh đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.

Tỉnh thực hiện hiệu quả, toàn diện các mục tiêu chuyển đổi số trên cả 3 trụ cột là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh và phát triển các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Tỉnh phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trên toàn tỉnh để tạo điều kiện thu hút đầu tư vào khu kinh tế, các khu công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao và khu vực đô thị, nông thôn; quan tâm phát triển nguồn nhân lực địa phương, thu hút nhân lực chất lượng cao.

Tỉnh giữ gìn, bảo tồn và phát huy hiệu quả các di tích văn hóa-lịch sử, di sản văn hóa phi vật thể, các giá trị truyền thống lâu đời của Nam Định; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xây dựng môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp và người dân.

Tỉnh nâng cao kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ công chức, viên chức đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của nền hành chính hiện đại.

Trung tâm công nghiệp của vùng Nam Đồng bằng sông Hồng

Về phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng, trong đó, với ngành công nghiệp, Nam Định sẽ chú trọng phát triển công nghiệp trở thành ngành kinh tế động lực chủ đạo thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đưa Nam Định trở thành một trong những trung tâm công nghiệp của vùng Nam Đồng bằng sông Hồng.

Đến năm 2030, tỷ trọng công nghiệp-xây dựng trong GRDP của tỉnh Nam Định chiếm trên 50%.

Tỉnh tiếp tục phát triển các ngành công nghiệp truyền thống (dệt may, da giày; cơ khí, điện tử; hoá dược, dược phẩm,…) theo hướng tập trung vào các sản phẩm có đặc thù riêng, sản phẩm cao cấp, tham gia vào chuỗi giá trị.

Khuyến khích thu hút đầu tư phát triển một số ngành công nghiệp mới, có tiềm năng (như công nghiệp luyện thép và sản phẩm sau thép; năng lượng tái tạo; chế biến khí,...), công nghệ tiên tiến, tự động hóa cao, công nghệ xanh, thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng.

Về du lịch, tỉnh phát triển du lịch theo hướng bền vững và đa dạng hóa sản phẩm, phấn đấu đến năm 2030 trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh; là điểm đến an toàn, hấp dẫn của vùng Đồng bằng sông Hồng và Bắc Bộ.

Tỉnh xây dựng và từng bước khẳng định một số thương hiệu đặc thù của Nam Định như các khu du lịch biển (Quất Lâm, Thịnh Long, Rạng Đông,...); các khu di tích lịch sử-văn hóa (Khu di tích văn hóa thời Trần, Phủ Dầy…); du lịch văn hóa, tín ngưỡng, du lịch cộng đồng.

Tỉnh phát triển các tuyến du lịch nội tỉnh, liên tỉnh và quốc tế; phát triển các sản phẩm, dịch vụ thiết yếu phục vụ du lịch (lữ hành, vận tải, lưu trú, ẩm thực, giải trí,…), phát triển kinh tế ban đêm và xúc tiến quảng bá hình ảnh bản sắc văn hóa và con người Nam Định.

Tỉnh tập trung phát triển 5 loại hình du lịch: Sinh thái thiên nhiên; văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng; nghỉ dưỡng, giải trí; du lịch cộng đồng; du lịch chuyên đề.

Tỉnh phát triển vùng kinh tế biển, ven biển trở thành vùng kinh tế động lực của tỉnh; thúc đẩy dịch chuyển cơ cấu kinh tế vùng ven biển theo hướng tích cực, trọng tâm là phát triển công nghiệp, đô thị, thương mại dịch vụ, du lịch, kết hợp với phát triển ngành nông nghiệp, thủy sản.

Nam Định bảo vệ bền vững môi trường; bảo đảm vững chắc an ninh, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội.

Tỉnh phấn đấu đến năm 2030, vùng kinh tế ven biển là cực tăng trưởng phía Nam của tỉnh, đóng góp quan trọng để hoàn thành mục tiêu Nam Định là tỉnh phát triển khá của cả nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.