Trong phiên giao dịch 24/11, giá dầu thế giới tăng khoảng 4% và lên mức cao nhất kể từ tháng 3/2020 khi tiến triển trong sản xuất vắcxinngừa dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 làm gia tăng hy vọng về triển vọng phục hồi nhu cầu nhiên liệu.
Một nhân tố khác hỗ trợ giá dầu là quyết định chấp thuận việc phân bổ tiền viện trợ của chính phủ cho quá trình chuyển giao quyền lực của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Bước đi này được ông Joe Biden nhận định là rất quan trọng để tiến trình chuyển giao quyền lực diễn ra "suôn sẻ".
Chốt phiên này, giá dầu Brent tăng 1,80 USD (3,9%) lên 47,86 USD/thùng, còn giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 1,85 USD (4,3%) lên 44,91 USD/thùng. Giá của cả hai loại dầu đều đóng cửa ở mức cao nhất kể từ ngày 5/3.
[Tin vui về vắcxin đẩy giá dầu Brent lên mức cao nhất trong gần 9 tháng]
Hãng dược phẩm AstraZeneca của Anh ngày 23/11 cho biết vắcxinngừa COVID-19 do hãng này bào chế cho thấy hiệu quả 70% trong các thử nghiệm có tính quyết định và có thể hiệu quả tới 90%, hứa hẹn trở thành loại vắcxinthứ ba trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 của toàn cầu, sau vắcxin của Pfizer/BioNTech và Moderna.
Tuy nhiên, vắcxinngừa COVID-19 sẽ không có sẵn trong vài tháng tới. Điều này đồng nghĩa với việc người dân có thể sẽ hạn chế đi lại và các hoạt động khác trong năm tới để tránh nhiễm bệnh. Đại dịch COVID-19 cùng với sự thất bại của thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu do Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) dẫn đầu đã khiến giá dầu lao dốc vào tháng Ba.
Trước tình hình trên, OPEC và các đồng minh, còn gọi là là OPEC+, đã đồng ý một thỏa thuận mới về việc cắt giảm sản lượng dầu kỷ lục để hỗ trợ giá dầu. OPEC+ dự kiến sẽ hoàn tất thỏa thuận cắt giảm vào năm 2021 sau cuộc họp từ ngày 30/11- 1/12, sau các cuộc đàm phán trong tuần này./.