Phiên 8/6, giá dầu thị trường thế giới cao nhất trong hơn hai năm

Chốt phiên này, giá dầu Brent tăng 73 xu Mỹ (1%) lên 72,22 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 5/2019, còn giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 82 xu Mỹ (1,2%) lên 70,05 USD/thùng.
Phiên 8/6, giá dầu thị trường thế giới cao nhất trong hơn hai năm ảnh 1Một cơ sở khai thác dầu trên đảo Khark. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong phiên giao dịch 8/6, giá dầu thế giới đã tăng lên mức cao nhất trong hơn hai năm sau khi diễn biến mới nhất cho thấy nguồn cung dầu bổ sung từ Iran sẽ không sớm trở lại thị trường.

Chốt phiên này, giá dầu Brent tăng 73 xu Mỹ (1%) lên 72,22 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 5/2019, còn giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 82 xu Mỹ (1,2%) lên 70,05 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 10/2018.

Trong một tuyên bố mới đây, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 8/6 cho biết dù Iran và Mỹ có quay trở lại tuân thủ thỏa thuận hạt nhân 2015 có tên gọi chính thức là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), Washington cũng vẫn duy trì các lệnh trừng phạt đối với Tehran.

[Giá dầu, giá vàng đều đi xuống trong phiên giao dịch chiều 8/6]

Nhà phân tích cấp cao Phil Flynn, tại Price Futures Group ở Chicago nhận định phát biểu của ông Blinken đã gây thất vọng cho những người chờ đợi một “trận lụt” dầu.

Mỹ ngày 8/6 tuyên bố, việc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) giám sát các hoạt động của Iran như đã thống nhất trong một thỏa thuận mới được gia hạn đến ngày 24/6 tới cần được cho phép tiếp tục thực hiện nếu không sẽ có thể ảnh hưởng tới các cuộc đàm phán nhằm khôi phục JCPOA.

Giá dầu đã tăng trong những tuần gần đây trước kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ sẽ gia tăng mạnh mẽ, nhờ chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 mở rộng tại một số quốc gia.

Bên cạnh đó, chính sách hạn chế nguồn cung của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh cũng đã góp phần hỗ trợ giá dầu.

Trong khi đó, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) ước tính sản lượng dầu thô của nước này trong năm 2021 dự kiến sẽ giảm 230.000 thùng/ngày xuống còn 11,08 triệu thùng/ngày./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.