Trước yêu cầu bức thiết của xã hội về nguồn thực phẩm an toàn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tổ chức Phiên chợ nông sản, thực phẩm an toàn và vật tư nông nghiệp. Các Phiên chợ này được tổ chức định kỳ 2 lần/tháng, tại khu Hội chợ triển lãm giao dịch Kinh tế và thương mại (số 489, Hoàng Quốc Việt, Hà Nội).
Các phiên chợ đã và đang góp phần không nhỏ trong việc xây dựng lại niềm tin của người tiêu dùng vào một nền sản xuất nông nghiệp lành mạnh với những sản phẩm nông nghiệp an toàn. Đây được coi là điểm đến lý tưởng của bà con nội trợ thông minh, là điểm tập kết những “Địa chỉ xanh – Nông sản sạch” trong cả nước.
Yên tâm mua hàng
Chị Nguyễn Thị Hạnh (Cầu Giấy, Hà Nội), khách mua hàng tại Phiên chợ cho biết, mặc dù mỗi tháng chỉ có hai phiên chợ, thế nhưng cứ hễ có phiên chợ mở bán là chị lại đến đây để mua.
“Mua thực phẩm ở phiên chợ này mình thấy yên tâm hơn so với mua ở chợ. Mặc dù giá cả có nhỉnh hơn, song về chất lượng thì đảm bảo hơn hẳn,” chị Hạnh nói.
Chia sẻ về những mong muốn của mình, chị Hạnh cũng cho biết, chị rất mong có những phiên chợ nông sản an toàn như thế này để người tiêu dùng được mua những sản phẩm tin cậy. “Và không chỉ mỗi tháng 2 lần, mà mình mong mỗi tuần đều có phiên chợ để thuận tiện cho người tiêu dùng mua sắm,” chị Hạnh cười nói.
Đồng quan điểm, bà Trần Thị Nguyệt (Dịch Vọng, Cầu Giấy) cho hay, các sản phẩm bày bán ở phiên chợ này có bao bì, nhãn mác rất dễ để người tiêu dùng kiểm tra thông tin sản phẩm. Hơn nữa, các sản phẩm bày bán ở đây đều được cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra chặt chẽ nên người mua rất tin tưởng.
Ông Hoàng Văn Dự, Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại Nông nghiệp (Agrytrade-Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cũng khẳng định, ngoài việc đảm bảo chất lượng nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, ban tổ chức còn phối hợp với Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD), Chi Cục quản lý chất lượng nông lâm sản của thành phố Hà Nội để lấy mẫu thử tất cả các sản phẩm được bày bán ngay tại phiên chợ.
“Việc lấy mẫu nhằm giúp người tiêu dùng nâng cao hiểu biết về dư lượng thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng chất bảo quản và đồ uống… chất cấm trong trồng trọt và chăn nuôi. Từ đó định hướng tiêu dùng các sản phẩm chất lượng cao đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng,” ông Dự nói.
“Tẩy chay” thực phẩm bẩn
Phát biểu tại “Lễ phát động cán bộ công chức, viên chức người lao động ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hưởng ứng năm an toàn vệ sinh thực phẩm năm 2016” và khai mạc Phiên chợ nông sản, thực phẩm an toàn và vật tư nông nghiệp lần thứ ba diễn ra sáng nay (24/6), Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Công Tuấn cho rằng, đây là một hoạt động có ý nghĩa thiết thực và mang lại hiệu quả cao.
“Với ý nghĩa thiết thực, Phiên chợ nông sản, thực phẩm an toàn và Vật tư nông là điểm hẹn lý tưởng để những người sản xuất nông nghiệp chuẩn chỉnh có cơ hội đưa nông sản sạch từ các địa phương về với người dân Thủ đô và các tỉnh lân cận,” Thứ trưởng Hà Công Tuấn khẳng định.
Tại buổi lễ đại diện Công đoàn Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng phát động và kêu gọi toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành tích cực hưởng ứng Năm an toàn vệ sinh thực phẩm, vì sức khỏe cộng động “Nói không với thực phẩm bẩn.”
Theo đó, mỗi cá nhân phải kiên quyết đấu tranh, bài trừ các hành vi buôn bán, lưu hành sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm không rõ nguồn gốc. Đồng thời công đoàn cũng kêu gọi mọi người nếu phát hiện các dấu hiệu vi phạm cần mạnh dạn đấu tranh, “tẩy chay” thực phẩm bẩn và báo với cơ quan chức năng để kịp thời xử lý./.
Phiên chợ Nông sản thực phẩm an toàn và Vật tư nông nghiệp lần thứ ba diễn ra trong 3 ngày (từ 24/6 - 26/6) tại Khu Hội chợ triển lãm giao dịch kinh tế và thương mại (số 489, Hoàng Quốc Việt, Hà Nội).
Phiên chợ quy tụ gần 100 gian hàng với các mặt hàng nông sản, thực phẩm, đồ uống phong phú như rau, củ, quả, cá, trứng, đồ hộp, bánh kẹo, cà phê, chè, nước trái cây, sữa…
Cũng tại lễ phát động đã diễn ra lễ ký kết hợp đồng cung cấp sản phẩm tại các địa phương, các đầu mối tiêu thụ tại các khu công nghiệp tập trung, các chuỗi nhà hàng, siêu thị, hệ thống các nhà trường, bệnh viện trong khu vực có nhu cầu tiêu thụ thường xuyên các sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn theo chuỗi.