Phiên trọng thể Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII

Đại hội XII Công đoàn Việt Nam xác định mục tiêu tổng quát trong nhiệm kỳ 2018-2023 là nâng cao hiệu quả đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi của đoàn viên và người lao động, vì việc làm bền vững.
Phiên trọng thể Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII ảnh 1Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Đại hội. (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN)

Phiên trọng thể Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII, nhiệm kỳ 2018-2023 đã được tổ chức sáng 25/9, tại Thủ đô Hà Nội.

Đại hội vinh dự được đón các lãnh đạo Đảng, Nhà nước: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Các nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Trương Tấn Sang; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng... dự Đại hội.

Cùng dự Đại hội còn có các lão thành cách mạng; nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể, các tỉnh, thành ủy; đại diện lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty; Chủ tịch, nguyên Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam các khóa và các đoàn đại biểu quốc tế, Tổng Thư ký Liên hiệp Công đoàn thế giới...

Nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng gửi lẵng hoa tới Đại hội.

[Chính phủ đồng hành cùng Công đoàn hỗ trợ người lao động]

Báo cáo của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XI trình Đại hội cho thấy Công đoàn Việt Nam đang ở thời điểm có tính bước ngoặt. Là một tổ chức chính trị-xã hội trong hệ thống chính trị Việt Nam, Công đoàn Việt Nam vừa thực hiện chức năng và hoàn thành sứ mệnh của một đoàn thể nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, vừa là tổ chức đại diện người lao động trong quan hệ lao động theo cơ chế hai bên và ba bên, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Công đoàn là đoàn thể chính trị-xã hội duy nhất tự thu kinh phí và tự chi kinh phí cho bộ máy và các hoạt động chuyên môn theo quy định của pháp luật, không lấy từ ngân sách nhà nước theo nguyên tắc và thông lệ quốc tế để đảm bảo tính độc lập với Chính phủ trong quan hệ ba bên (Chính phủ, đại diện giới chủ và Công đoàn); việc quản lý tài chính, tài sản công đoàn theo hệ thống dọc đang đặt ra nhiều yêu cầu và nhân lực đối với tổ chức Công đoàn.

Phát huy truyền thống Công đoàn Việt Nam gần 90 năm đồng hành cùng đất nước, với sự năng động, nhạy bén thích ứng với tình hình mới, 5 năm qua, nhất là ở nửa cuối nhiệm kỳ, Công đoàn Việt Nam đã đổi mới mạnh mẽ về nội dung, phương thức hoạt động, đạt nhiều kết quả và hoàn thành cơ bản các nhiệm vụ, chỉ tiêu chủ yếu do Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI đề ra.

Phiên trọng thể Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII ảnh 2Trong ảnh: Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường trình bày báo cáo của Ban Chấp hành khóa XI. (Ảnh: TTXVN)

Hoạt động chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động được tập trung đầu tư với nhận thức mới, tư duy mới, bước đầu tạo sự khác biệt giữa người lao động là đoàn viên công đoàn với người lao động chưa là đoàn viên công đoàn, tạo sự lan tỏa rộng và sức thu hút của tổ chức Công đoàn Việt Nam. Chương trình phúc lợi đoàn viên công đoàn, năm Vì lợi ích đoàn viên công đoàn lần đầu tiên được tổ chức, Tháng Công nhân, “Tết Sum vầy,” "Mái ấm Công đoàn” và nhiều hoạt động ý nghĩa khác được nâng tầm hiệu quả, đã góp phần thiết thực chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, người lao động.

Việc tham mưu, đề xuất với Đảng và Chính phủ về Đề án đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và tổ chức đầu tư, xây dựng các thiết chế tại những địa phương có nhiều bức xúc về nhà ở, nhà trẻ, nơi vui chơi, giải trí của công nhân; tham gia cùng chính quyền các địa phương và doanh nghiệp giải quyết các nhu cầu thiết yếu về đời sống của người lao động là những việc làm thực sự thiết thực, hiệu quả, chăm lo thực chất hơn cho đoàn viên, người lao động. Công đoàn đã tích cực tham gia xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động với 521 văn bản góp ý kiến, đề xuất; thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm đại diện người lao động trong Hội đồng tiền lương quốc gia, góp phần điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng tăng trên 55% trong 5 năm qua.

Công tác thương lượng, ký kết và giám sát việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể có chuyển biến mới. Đến nay, toàn hệ thống đã ký kết được 27.866 bản thỏa ước lao động tập thể, tăng 5% so với đầu nhiệm kỳ. Công đoàn chủ động phối hợp với chính quyền, chuyên môn tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Tiến hành các cuộc đối thoại định kỳ và đột xuất. Trong 3 năm liên tiếp từ tháng 5/2016 đến 2018, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tham mưu, đề xuất để Thủ tướng Chính phủ 3 lần gặp gỡ, đối thoại với công nhân, lao động, góp phần giải quyết kịp thời nhiều khó khăn, vướng mắc, tạo hiệu ứng để lãnh đạo các địa phương, đơn vị gặp gỡ, đối thoại, giải quyết kịp thời các kiến nghị, đề xuất chính đáng của người lao động.

Hoạt động tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cấp công đoàn có chuyển biến tốt. Công tác tư vấn pháp luật được quan tâm thực hiện, nhiều nơi hoạt động hiệu quả. Việc đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ, cải thiện điều kiện và môi trường làm việc cho người lao động được các cấp công đoàn quan tâm thường xuyên, có nhiều đổi mới, góp phần giảm thiểu tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Công đoàn đã phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành và người sử dụng lao động tham gia giải quyết có hiệu quả các tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể và đình công, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại doanh nghiệp.

Công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động tiếp tục tạo sức lan tỏa trong toàn hệ thống. Phong trào thi đua yêu nước và công tác thi đua, khen thưởng có chuyển biến tích cực. Các cấp công đoàn đã cụ thể hóa phong trào thi đua “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”; phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”; phong trào “Xanh- Sạch- Đẹp, Bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”, phong trào “văn hóa, thể thao”; động viên, cổ vũ đoàn viên, người lao động đăng ký hoàn thành trên 77.700 đề tài nghiên cứu khoa học với giá trị làm lợi gần 336,8 nghìn tỷ đồng; phát huy hơn 1,17 triệu sáng kiến với giá trị làm lợi 203,6 nghìn tỷ đồng…, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XI Bùi Văn Cường cho biết, tính đến hết tháng 11/2017, cả nước có 10,05 triệu đoàn viên, tăng 2,1 triệu so với đầu nhiệm kỳ, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra. Trong nhiệm kỳ, 63/63 liên đoàn lao động địa phương hoàn thành việc sắp xếp lại, giải thể 631 công đoàn giáo dục cấp huyện, 83 công đoàn ngành địa phương có dưới 2.000 đoàn viên. Công tác xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh có một số chuyển biến mới. Việc tham gia giám sát, phản biện, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền đạt một số kết quả; giới thiệu 387.380 đoàn viên công đoàn ưu tú cho Đảng xem xét kết nạp, trong đó đã có 276.192 đồng chí được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Các hoạt động này đã góp phần tham gia xây dựng Đảng và chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Hoạt động kiểm tra được chú trọng hơn và ngày càng đi vào nền nếp. Công tác tài chính công đoàn có sự chuyển biến mới về tư duy, căn bản, toàn diện, theo hướng công khai, minh bạch và hiệu quả. Hoạt động đối ngoại của Công đoàn Việt Nam đã bám sát chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước, đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần tăng cường vị thế của Công đoàn Việt Nam trong phong trào công nhân và công đoàn quốc tế; tranh thủ được sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế trong lĩnh vực lao động, công đoàn.

Tuy nhiên, chất lượng hoạt động công đoàn chưa đồng đều, ở một số lĩnh vực, cơ quan, đơn vị; hiệu quả hoạt động đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động chưa cao. Phát triển đoàn viên và xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh còn một số hạn chế; mô hình tổ chức, nhiệm vụ của từng cấp công đoàn còn tình trạng chồng chéo, dồn áp lực về cơ sở. Công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động đoàn viên, người lao động chưa theo kịp tình hình; việc tổ chức phong trào thi đua ở một số nơi còn hình thức, kém hiệu quả. Năng lực, trình độ, bản lĩnh của đội ngũ cán bộ công đoàn, khả năng thích ứng với tình hình mới nhiều nơi còn yếu, còn biểu hiện hành chính hóa...

Đại hội XII Công đoàn Việt Nam xác định mục tiêu tổng quát trong nhiệm kỳ 2018-2023 là nâng cao hiệu quả đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi của đoàn viên và người lao động, vì việc làm bền vững, đời sống ngày càng cao; tuyên truyền, giáo dục, nâng cao giác ngộ giai cấp, bản lĩnh chính trị, tinh thần yêu nước, hiểu biết pháp luật, trách nhiệm cao, tay nghề giỏi, góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam lớn mạnh; hoàn thiện mô hình tổ chức, đổi mới phương thức hoạt động, xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn bản lĩnh, trí tuệ, chuyên nghiệp; tập hợp, thu hút đông đảo người lao động vào tổ chức Công đoàn Việt Nam; xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh; tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục