Philippines khó có thể hoàn thành mục tiêu tự cung cấp gạo

Mục tiêu đưa Philippines trở thành quốc gia tự cung cấp gạo vào năm 2015 nhiều khả năng bị chậm một năm do quốc gia này phải hứng chịu nhiều trận bão lớn, gây thiệt hại đáng kể cho mùa màng.

Tổng thống Benigno Aquino III đặt mục tiêu đưa Philippines trở thành quốc gia tự cung tự cấp gạo vào năm 2015. Tuy nhiên, Philippines bị chậm mất một năm để đạt được mục tiêu trên do phải hứng chịu nhiều trận bão lớn, gây thiệt hại đáng kể cho mùa màng.

Phát biểu với tờ Wall Street Journal, Thứ trưởng Nông nghiệp Philippines Dante de Lima nói rằng các chuyên gia kinh tế muốn nhập khẩu 800.000 tấn gạo để giữ giá trong nước, hiện đang cao hơn giá quốc tế, không tăng vọt lên.

Tuy nhiên, Cơ quan Lương thực Quốc gia Philippines (NFA) vẫn chưa có thông báo chính thức nào về việc nhập khẩu gạo trong năm nay, trong đó có cả thời hạn đấu thầu.

Trong khi đó, các quan chức e ngại rằng giá gạo ngày càng tăng có thể dẫn đến tình trạng lạm phát tăng vọt như đã từng xảy ra trong thời kỳ thiếu gạo năm 1995.

Ông Dante de Lima cho hay sản lượng thóc trong nước dự kiến sẽ đạt 19,06 triệu tấn trong năm nay, đảm bảo tới 98% nhu cầu. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế đang yêu cầu tăng nhập khẩu gạo vì họ muốn kho dự trữ đệm đủ khả năng đáp ứng nhu cầu trong vòng 90 ngày nhằm đảm bảo giá gạo ổn định, qua đó giúp kiềm chế lạm phát.

Philippines đã quyết định nhập khẩu khẩn cấp 500.000 tấn gạo sau khi siêu bão Haiyan tàn phá miền trung Philippines và nhiều tuần sau đó một cơn bão khác là Nari đã gây thiệt hại cho mùa màng tại đảo Luzon. Siêu bão Haiyan và Nari đã khiến sản lượng thóc giảm khoảng nửa triệu tấn.

Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) ước tính quốc gia Đông Nam Á này có thể nhập khẩu lên tới 1,2 triệu tấn gạo trong năm nay sau khi nhập khẩu tới 2,8 triệu tấn trong năm 2008 và 1 triệu tấn hồi năm ngoái.

''Kho dự trữ đệm'' - nguồn dự trữ gạo nhằm giúp nước này vượt qua những thời kỳ khó khăn - đã giảm xuống do sản lượng gạo giảm và NFA gia tăng lượng gạo xuất kho dự trữ nhằm hỗ trợ cho các vùng bị thiên tai tăng lên. Lý tưởng nhất là kho dự trữ đệm cần duy trì lượng gạo ở mức có thể đảm bảo nhu cầu trong ba tháng.

Trước năm 2013, Philippines chỉ được phép nhập khẩu 350.000 tấn gạo theo cam kết về khối lượng tiếp cận tối thiểu của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), với mức thuế nhập khẩu là 40%. Lượng gạo ngoài hạn ngạch đó sẽ phải chịu mức thuế nhập khẩu là 50%.

Tuần trước, Bộ trưởng Nông nghiệp Proceso Alcala cho biết các hoạt động nhập khẩu trong năm nay sẽ được thực hiện thông qua các thoả thuận liên chính phủ.

Việt Nam đã thắng trong đợt đấu thầu hồi tháng 11 năm ngoái để cung cấp 500.000 tấn gạo cho Philippines./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.