Philippines muốn đẩy nhanh đàm phán thương mại ASEAN và 6 đối tác

Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Philippines Ramon Lopez hối thúc các bên tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực đẩy nhanh các cuộc thương lượng,
Philippines muốn đẩy nhanh đàm phán thương mại ASEAN và 6 đối tác ảnh 1

Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Philippines Ramon Lopez ngày 8/5 hối thúc các bên tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đẩy nhanh các cuộc thương lượng, đồng thời tái khẳng định sự cần thiết phải đạt được mục tiêu ký kết hiệp định thương mại tự do quan trọng này trong năm nay. 

Phát biểu khai mạc vòng đàm phán RCEP lần thứ 18 tại thủ đô Manila, ông Lopez cho rằng cần duy trì động lực đàm phán, đồng thời khuyến khích các bên xúc tiến các cuộc thương lượng nhằm hướng tới ký kết thỏa thuận “tin cậy và chất lượng cao” này trong năm 2017. 

Ông Lopez cho biết kể từ khi được khởi động vào năm 2012, đến nay RCEP đã đi qua được 17 vòng đàm phán. Ông Lopez nói rằng các cuộc đàm phán RCEP vẫn đang tiến triển bất chấp gặp phải nhiều thách thức. 

Kết thúc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 30 hồi tuần trước, các lãnh đạo ASEAN đã chỉ đạo các bộ trưởng cũng như các nhà đàm phán tăng cường nỗ lực đàm phán RCEP dựa trên những tiến triển đạt được, đồng thời tái khẳng định cam kết của các nước ASEAN cùng hợp tác theo các nguyên tắc chỉ đạo và mục tiêu đàm phán RCEP nhằm sớm thông qua thỏa thuận thương mại tự do này. 


[Cơ hội và thách thức của ASEAN sau 50 năm hình thành, phát triển]

RCEP là thỏa thuận thương mại quy mô lớn, được xây dựng nhằm mở rộng và tăng cường các cam kết giữa 10 quốc gia ASEAN và 6 đối tác đối thoại, trong đó có Trung Quốc. RCEP sẽ mở rộng thị trường ASEAN từ 600 triệu người lên 3,5 tỷ người vì sẽ bao gồm cả 6 đối tác đối thoại của ASEAN, chiếm gần 1/2 dân số thế giới, tạo ra nền tảng thị trường hội nhập lớn.

RCEP hướng tới việc tối ưu hóa các quy định về nguồn gốc bằng cách sử dụng một cách tiếp cận đơn giản hóa về định nghĩa nguồn gốc sản phẩm. RCEP tập trung dỡ bỏ các hàng rào phi thuế quan, tạo sự thông suốt và hài hòa của các quy định hải quan và làm cho các quy định này trở nên phù hợp hơn so với các thỏa thuận hiện nay. 

Quá trình đàm phán RCEP đã được khởi động từ tháng 11/2012 tại Phnom Penh (Campuchia) và đặt mục tiêu hoàn tất trước khi hết năm 2015. Tuy nhiên, hạn chót này đã bị bỏ lỡ và các cuộc đàm phán dự kiến sẽ được tăng cường trong năm 2017, hướng tới việc ký kết thỏa thuận trong năm nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.