Phim kinh dị: Mỏ vàng hốt bạc nhưng vẫn cách xa tượng Oscar

Nhiều tác phẩm kinh dị kinh điển nhưng chưa bao giờ được Viện Hàn lâm Điện ảnh tôn vinh vì cho rằng dòng phim này chỉ đơn thuần giải trí bằng hiệu ứng gây sốc, chứ không có giá trị về nghệ thuật.

Trong khi các bom tấn hành động, giả tưởng hay thậm chí cả phim hoạt hình dần đi vào lối mòn với nội dung lặp đi lặp lại thì phim kinh dị đang bước vào một kỷ nguyên rực rỡ với nhiều tác phẩm thành công cả về chất lượng lẫn doanh thu phòng vé. Tuy nhiên, Viện Hàn lâm dường như vẫn rất thờ ơ với thể loại này.

Phim kinh dị gây sốt phòng vé

Tháng Một năm nay, bộ phim kinh dị đề tài đa nhân cách ''Split'' đã gây ra cơn sốt không nhỏ với khán giả trên toàn cầu. Phim đánh dấu sự trở lại của đạo diễn gốc Ấn Độ M. Night Shyamalan (từng nổi tiếng với phim ''Giác quan thứ sáu,'' năm 1999), cùng sự tham gia của tài tử James McAvoy.

Khi mới ra mắt, ''Split'' đã nhận được kha khá lời khen với điểm số trung bình 7,5/10 trên các trang phê bình uy tín như IMDb hay Rotten Tomatoes. Với kinh phí vỏn vẹn 9 triệu USD, doanh thu phòng vé của ''Split'' là hơn 248 triệu USD trên toàn cầu, gấp 30 lần chi phí sản xuất.

Phim kinh dị: Mỏ vàng hốt bạc nhưng vẫn cách xa tượng Oscar ảnh 1Poster phim “Split.”

Cuối tháng Hai, ''Get Out'' - bộ phim kinh dị với chủ đề lạm dụng tình dục người da màu, tiếp tục gây chú ý mạnh mẽ ngay sau mùa Oscar.

Đưa nạn phân biệt chủng tộc lên màn ảnh, với thủ pháp gây sốc, đẫm máu, ''Get Out'' có tới 99% nhận xét tích cực trên trang Rotten Tomatoes. Nhiều nhà phê bình còn không ngần ngại chấm điểm tối đa cho bộ phim kinh dị này.

Thú vị hơn, đây lại là phim đầu tay của đạo diễn da màu Jordan Peele, với kinh phí đầu tư khiêm tốn 4,5 triệu USD, ''Get Out'' đang đem lại tới hơn 115 triệu USD và con số này chắc chắn sẽ còn tăng do phim hiện vẫn chưa công chiếu ở nhiều thị trường quốc tế.

Năm 2016 cũng có nhiều bộ phim kinh dị gây sốt như ''The Conjuring 2,'' ''The Witch,'' ''10 Cloverfield Lane'' hay ''Green Room'' nhưng không tác phẩm nào được các giải thưởng điện ảnh như Oscar, Quả cầu vàng hay BAFTA để mắt tới.

Phim kinh dị bị ''ghẻ lạnh'' ở các giải thưởng lớn

Trong lịch sử Oscar, chỉ có ''The Silence of the Lambs'' (Sự im lặng của bầy cừu) là một phim hiếm hoi có yếu tố kinh dị được xướng tên ở các hạng mục lớn như Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc, Kịch bản chuyển thể hay nhất và Nam/nữ diễn viên chính xuất sắc. Tuy nhiên, đây lại là một tác phẩm kinh dị pha tâm lý, hình sự.

Những phim thuần kinh dị như ''The Exorcist'' (1973), ''The Omen'' (1976) cũng từng được vinh danh nhưng chỉ nằm ở những hạng mục phụ như âm thanh hay âm nhạc.

Ra đời cuối thế kỷ 19 với bộ phim đầu tiên ''The Haunted Castle'' (1896) của nhà làm phim người Pháp Georges Méliès, hơn 100 năm sau, phim kinh dị vẫn luôn là dòng phim số một hút khán giả tới rạp, hơn cả phim tình cảm hay tâm lý, chiến tranh, hình sự. Hãy tưởng tượng cảm giác bước vào rạp chiếu, mọi thứ xung quanh đều tối đen, từ màn hình một thân ma xuất hiện, mái tóc xõa và đôi mắt đen sâu hoắm, khán giả la hét, sợ hãi nhưng không thể ngừng theo dõi, họ sẽ ngồi lại cho đến phút cuối.

Phim kinh dị: Mỏ vàng hốt bạc nhưng vẫn cách xa tượng Oscar ảnh 2Một cảnh kinh điển trong bộ phim ''Psycho'' (năm 1960) của nhà làm phim lừng danh Alfred Hitchcock.

Không chỉ mang lại cảm giác mạnh, nhiều bộ phim kinh dị còn ảnh hưởng tới cuộc sống ngoài rạp chiếu. ''Psycho'' (năm 1960) của nhà làm phim lừng danh Alfred Hitchcock là một ví dụ. Ông từng khiến hàng triệu phụ nữ trên khắp thế giới sợ tắm vòi hoa sen suốt một thời gian dài.

''The Shining'' của Stanley Kubrick thì vẫn ám ảnh người xem đến tận bây giờ, và được đánh giá là một trong những bộ phim kinh dị hay nhất mọi thời đại.

Stanley Kubrick, Roman Polanski hay Alfred Hitchcock là những nhà làm phim từng tạo nên nhiều tác phẩm kinh dị kinh điển nhưng chưa bao giờ được Viện Hàn lâm Điện ảnh tôn vinh. Lý giải cho điều này, các vị giám khảo tại các giải thưởng phim ảnh vẫn cho rằng dòng phim kinh dị chỉ đơn thuần giải trí bằng hiệu ứng gây sốc, chứ không có giá trị về nghệ thuật.

Gần đây nhất, có thêm một phim kinh dị lọt vào đề cử Oscar là ''Black Swan'' (năm 2011). Dù có tên ở hạng mục Phim hay nhất, nhưng cuối cùng chỉ giành được một giải duy nhất về diễn xuất dành cho Natalie Portman.

Trong vài năm trở lại đây, sau mỗi kỳ Oscar, các nhà phê bình lại tốn giấy mực phân tích lý do vì sao những bộ phim như ''Let the Right One In'' (2008), ''The Cabin in the Woods'' (2012), ''The Babadook'' (2014) hay ''It Follows'' (2015) lại không được xướng tên dù rất xứng đáng.

Phim kinh dị: Mỏ vàng hốt bạc nhưng vẫn cách xa tượng Oscar ảnh 3

Mỏ vàng hốt bạc

Nếu nhìn dưới con mắt nhà đầu tư, thì đến thời điểm này, thể loại kinh dị vẫn như một ''mỏ vàng.'' Các hãng phim không ngần ngại đầu tư để săn tìm các đạo diễn trẻ và kịch bản hay. Nếu các bom tấn hành động vẫn mải mê với siêu anh hùng hay lạc vào không gian vũ trụ từ năm này qua năm khác, tiêu tốn tới hàng trăm triệu USD, thì số tiền sản xuất cho một bộ phim kinh dị khiêm tốn hơn nhiều, mà vẫn thu về lợi nhuận gấp 10 hay 20 lần.

Mọi người hẳn còn nhớ bom tấn ''John Carter'' hay ''The Lone Ranger,'' hai bộ phim được đầu tư con số lên tới gần 200 triệu USD, nhưng hoàn toàn ''xịt'' ở phòng vé. Trong khi, ''The Conjuring 2'' của đạo diễn James Wan bỏ ra 40 triệu USD và đã thu lại hơn 320 triệu USD trên khắp toàn cầu.

Sau loạt phim ''Saw,'' ''Insidious,'' ''The Conjuring'', James Wan - nhà làm phim người Australia gốc Malaysia, đang trở thành cái tên đình đám nhất trong giới làm phim kinh dị. Các tác phẩm của anh dù khai thác những đề tài cũ rích (ngôi nhà ma, quỷ ám, ma búp bê) nhưng người xem vẫn tìm thấy những khía cạnh mới lạ trong cách kể, cách truyền tải thông điệp. James tạo được ''thương hiệu'' cho riêng mình khi những bộ phim kinh dị do anh đạo diễn hoặc sản xuất đều đem về doanh thu ''khủng.''

Phim kinh dị: Mỏ vàng hốt bạc nhưng vẫn cách xa tượng Oscar ảnh 4

Hơn thế nữa, trong nửa thập kỷ qua, những cái tên như ''It Follows,'' ''The Witch,'' ''The Cabin in the Woods,'' ''The Gift'' hay mới đây nhất là ''Get Out''… đã đưa thể loại phim kinh dị bước sang một kỷ nguyên mới đầy triển vọng. Khi ra mắt tại các liên hoan phim quốc tế, những bộ phim này gây xôn xao giới phê bình và được tranh luận sôi nổi trên các diễn đàn điện ảnh.

Dù hốt bạc bằng cách khai thác nỗi khiếp sợ của khán giả, song dòng phim kinh dị hiện nay cũng đưa vào cả những vấn đề thời sự, có thể kể đến ''Get Out'' với câu chuyện phân biệt sắc tộc, ''The Witch'' hay ''The Gift'' nói về sự kỳ thị của con người qua khác biệt ngoại hình.

Năm nay được coi là một năm tiếp tục bùng nổ của phim kinh dị. Sau ''Split'' ''Get Out,'' những bộ phim tiếp theo sẽ ra mắt như ''The Devil’s Candy,'' ''Raw,'' ''The Blackcoat’s Daughter''… đều được giới phê bình đánh giá với điểm số cao chót vót khi ra mắt tại các liên hoan phim.

Năm nay cũng đánh dấu sự trở lại của một trong những thương hiệu phim kinh dị kinh điển nhất - quái vật không gian, trong tập phim mới nhất có tên ''Alien: Covenant'' sẽ ra mắt giữa tháng Năm. Mùa Halloween năm nay, loạt phim ''Saw'' cũng dự kiến trở lại với một khởi đầu mới.

Với phong độ ổn định và càng lúc càng có nhiều tác phẩm hay, phim kinh dị tự tin hốt bạc, và liên tiếp nhận những cơn mưa lời khen từ giới chuyên môn. Trong tương lai gần, hẳn Viện Hàn lâm Điện ảnh sẽ không thể tiếp tục ngoảnh mặt làm ngơ được nữa./.

(Đẹp/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục