Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 21, diễn ra từ ngày 23-27/11 vừa qua tại Vũng Tàu, đã cho thấy một trong những xu hướng vận động tích cực của điện ảnh Việt trong thời gian vừa qua. Đó chính là sự khẳng định vị thế của dòng phim nghệ thuật và dấu ấn của những nghệ sỹ trẻ.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực với sự vào cuộc của đội ngũ làm phim trẻ, đổi mới góc tiếp cận, đa dạng hóa dòng phim…, thì điện ảnh Việt Nam vẫn tồn tại nhiều bất cập như đề tài chưa bao quát các phương diện của đời sống hay thiếu những bộ phim về đề tài đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực…
Tôn vinh bản sắc Việt
Nếu như tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 20 (năm 2017), Bông sen Vàng (hạng mục phim truyện điện ảnh) được trao cho “Em chưa 18” - một bộ phim đậm chất giải trí thì tại liên hoan lần này, giải thưởng cao nhất ấy vinh danh “Song lang” - một tác phẩm thuộc dòng phim nghệ thuật.
Như vậy, “Song lang” (đạo diễn Leon Quang Lê) đã vượt qua nhiều đối thủ “nặng ký” (là những “vua” phòng vé trong thời gian qua) như “Hai Phượng,” “Cua lại vợ bầu”… để giành ngôi vị cao nhất.
Tại liên hoan phim năm nay, số lượng phim giải trí vẫn áp đảo số lượng phim nghệ thuật. Dẫu vậy, giải thưởng quan trọng vẫn được trao cho bộ phim thuộc nhóm “thiểu số.” Kết quả này nhận được sự đồng thuận cao, thuyết phục được giới chuyên môn.
Ngoài ra, sự “đảo chiều” về xu hướng xét trao giải năm nay (so với kỳ liên hoan trước) cho thấy sự ghi nhận, ủng hộ và đánh giá cao của ban giám khảo đối với những thể nghiệm nghệ thuật mới của một đạo diễn trẻ.
[Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 21: Quảng bá bối cảnh quay phim]
“Song lang” lấy bối cảnh Sài Gòn thập niên 1980s, tái hiện thời kỳ vàng son của nghệ thuật cải lương Việt Nam. Chuyện phim bắt đầu từ cuộc gặp gỡ giữa kép hát Linh Phụng (Isaac thủ vai) và Dũng “Thiên lôi” (Liên Bỉnh Phát đóng) - gã đòi nợ thuê xuất thân từ gia đình có truyền thống về cải lương.
Khi ở cùng Linh Phụng, Dũng “Thiên lôi” dần bị cảm hóa và tìm lại tình yêu nghệ thuật mà anh cố chôn giấu. Cả hai đã cùng trải qua một hành trình đặc biệt để trở thành tri kỷ của nhau.
Ngay từ khi mới ra mắt, tác phẩm của đạo diễn Leon Quang Lê được đánh giá cao bởi những khung hình đẹp, cách kể chuyện lớp lang. Bên cạnh đó, bộ phim cũng cho thấy sự trưởng thành hơn về diễn xuất của Isaac và giới thiệu tới khán giả một gương mặt mới giàu tiềm năng của điện ảnh Việt - nam diễn viên Liên Bỉnh Phát.
Theo phó giáo sư-tiến sỹ Trần Luân Kim (nguyên Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam), “Song lang” đã khắc phục được một trong những điểm yếu hiện nay của điện ảnh Việt là kịch bản lỏng lẻo, hời hợt.
Cốt truyện của “Song lang” có chiều sâu. Bên cạnh câu chuyện nghề, êkíp làm phim đã khéo léo lồng ghép vào những câu chuyện đời để tạo ra sự đa nghĩa, cuốn hút người xem vào những chiêm nghiệm, suy ngẫm. Điều này được thể hiện ngay từ nhan đề của bộ phim. “Song lang” vừa là tên một loại nhạc cụ giữ nhịp trong nghệ thuật cải lương (có ý nghĩa gợi mở về chủ đề bộ phim) vừa là sự dẫn dắt, giới thiệu về chuyện đời của hai nhân vật chính trong phim.
Thực tế, chất lượng kịch bản của “Song lang” đã được các nhà làm phim quốc tế ghi nhận khi phim giành nhiều giải thưởng như giải Biên kịch xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Quốc tế ASEAN 2019 (diễn ra từ ngày 25-27/4) tại Malaysia...
“Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, việc sản xuất những bộ phim mang đậm màu sắc văn hóa Việt để quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam như ‘Song lang’ là điều vô cùng cần thiết. Điều đó cho thấy nỗ lực và hướng đi đúng đắn của các nhà làm phim hiện nay,” ông Trần Luân Kim bày tỏ.
Thế hệ nghệ sỹ mới
Bên cạnh việc khẳng định vị thế của phim nghệ thuật, Liên hoan phim Việt Nam 2019 cũng cho thấy diện mạo, dấu ấn của thế hệ nghệ sỹ trẻ.
Vượt qua nhiều gương mặt “đình đám” (như Ngô Thanh Vân, Hồng Đào, Ninh Dương Lan Ngọc, Hồng Ánh, Cát Phượng…), Hoàng Yến Chibi giành giải Nữ diễn viên chính xuất sắc với vai Hiểu Phương trong phim “Tháng năm rực rỡ.” Với gương mặt sáng và đôi mắt to tròn, nữ diễn viên sinh năm 1995 nhập vai một cách tự nhiên.
Hoàng Yến Chibi đã diễn tả ấn tượng tâm lý của một nữ sinh mới lớn sống với những mộng mơ của mối tình đầu cùng quá trình thay đổi tính cách (từ vẻ nhút nhát sang sự kiên cường, mạnh mẽ).
Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng cho rằng nếu như các diễn viên thuộc thế hệ “đàn chị” (Ngô Thanh Vân, Hồng Ánh…) duy trì tốt phong độ, diễn xuất thì những gương mặt trẻ (Hoàng Yến, Thúy Hằng…) đang mang đến làn gió mới cho màn ảnh Việt.
Từ “Cuộc đời của Yến” đến “Truyền thuyết về Quán Tiên” và từ “Cô gái đến từ hôm qua” tới “Tháng năm rực rỡ,” Thúy Hằng và Hoàng Yến đã cho thấy sự trưởng thành trong diễn xuất khi đảm nhận những vai chính đòi hỏi thể hiện chiều sâu tâm lý…
Về phía các đạo diễn, khán giả có thể thấy rõ sự dấn thân, sáng tạo của đạo diễn trẻ Đinh Tuấn Vũ khi thực hiện “Truyền thuyết về Quán Tiên” - một bộ phim về đề tài chiến tranh.
Đinh Tuấn Vũ cùng các cộng sự đã đưa đến cho khán giả cái nhìn toàn diện, đa chiều, nhân văn về cuộc sống của những người lính nói chung và của những cô gái thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại nói riêng bằng việc khai thác những day dứt, giằng xé nội tâm của nhân vật. Với họ, sự khổ cực, hiểm nguy, liên tục cận kề với cái chết cũng không đáng sợ bằng nỗi cô đơn, sự thiếu thốn tình cảm.
Theo đánh giá của hội đồng giám khảo, điều đó không hề làm mờ đi phẩm chất anh hùng trong cuộc chiến đấu vì độc lập, tự do của dân tộc. Trái lại, cách tiếp cận đó giúp hình tượng người lính được nhìn nhận đa chiều, tránh được sự khiên cưỡng, cứng nhắc.
Ở góc độ khác, phó giáo sư-tiến sỹ Trần Luân Kim cho rằng nhìn từ Liên hoan phim Việt Nam 2019 có thể thấy đề tài của phim Việt chưa bao quát và còn theo hướng an toàn.
“Các nhà làm phim chủ yếu lựa chọn những đề tài quen thuộc, dễ gây chú ý, gợi sự tò mò và dễ nhận được sự đồng cảm của khán giả như tình cảm gia đình, những câu chuyện về tuổi trẻ, thanh xuân, học đường hoặc tâm linh kỳ bí. Trong khi đó, mảng phim khai thác những đề tài gai góc hơn như tham nhũng và hàng loạt vấn đề tiêu cực khác trong xã hội vẫn là khoảng trống lớn,” ông Trần Luân Kim chia sẻ./.
Trailer phim "Song lang":