Ngày 9/1, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết phong trào thi đua năm 2019, phát động phong trào thi đua năm 2020 và triển khai Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh dự và chỉ đạo hội nghị.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải; Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung; Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc; Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương, đại diện lãnh đạo các sở, ngành và các cá nhân có thành tích xuất sắc cùng dự hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh ghi nhận, đánh giá cao Hà Nội đã thực hiện tốt các phong trào thi đua do Thủ tướng phát động, như phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo;” phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; phong trào cán bộ công chức viên chức thực hiện văn hóa công sở…
Đặc biệt, trong năm 2019, thành phố Hà Nội đã phát động nhiều phong trào thi đua sâu rộng, tích cực ở các cấp, ngành, tiêu biểu như phong trào thi đua nhân kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ, 20 năm Hà Nội nhận danh hiệu thành phố vì hòa bình, 65 năm giải phóng Thủ đô…
Phó Chủ tịch nước tin tưởng rằng, thời gian tới, thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục phát huy truyền thống, thành tựu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.
Đồng quan điểm, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng, các phong trào thi đua yêu nước đã được tổ chức sôi nổi, rộng khắp trên toàn địa bàn thành phố với nhiều hình thức đa dạng, phong phú; nội dung thi đua thiết thực, có trọng tâm, trọng điểm, chỉ tiêu thi đua cụ thể, bám sát nhiệm vụ chính trị được giao.
Công tác bình xét, khen thưởng ngày càng chặt chẽ, dân chủ, công khai, minh bạch, hướng về cơ sở. Đáng chú ý là việc khen thưởng đã bám sát vào kết quả thực hiện các nhiệm vụ chính trị, các khâu yếu, việc khó, lĩnh vực quan trọng, phức tạp của thành phố. Đặc biệt, việc kịp thời khen thưởng thành tích đột xuất, khen thưởng người lao động trực tiếp đã có tác dụng động viên, khích lệ tinh thần hăng hái thi đua thực hiện nhiệm vụ được giao.
Năm 2019, thành phố Hà Nội đã trình khen thưởng cấp Nhà nước 299 trường hợp, trong đó có 148 Huân chương các loại; 21 Cờ thi đua của Chính phủ; 100 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; truy tặng danh hiệu cho 28 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; 2 Chiến sĩ thi đua toàn quốc.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã quyết định tặng thưởng: Cờ thi đua cho 430 tập thể; danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc” cho 990 tập thể; công nhận danh hiệu “Chiến sĩ thi đua thành phố” cho 34 cá nhân; tặng Bằng khen cho 6.685 tập thể và cá nhân. Thành phố đã kịp thời khen thưởng gương điển hình tiên tiến cho 22 tập thể và 127 cá nhân; tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” tiêu biểu cấp thành phố cho cho 940 cá nhân.
Năm 2020, phương châm chỉ đạo của Chính phủ là: Kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả... Đặc biệt, đây cũng là năm diễn ra nhiều sự kiện chính trị quan trọng của Thủ đô và đất nước như Việt Nam là Chủ tịch ASEAN; kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng, 90 năm thành lập Đảng bộ thành phố Hà Nội, 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 1.010 năm Thăng Long-Hà Nội;… và là năm tiến hành Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Thay mặt chính quyền thành phố, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã phát động phong trào thi đua yêu nước với quyết tâm cao nhất, tiếp tục phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu, chỉ tiêu năm 2020; mục tiêu, chỉ tiêu của Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVI.
Tại hội nghị, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đã báo cáo tóm tắt chương trình hành động, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế, xã hội và dự toán ngân sách nhà nước 2020. Theo đó, năm 2019, với sự chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự cố gắng của doanh nghiệp và toàn thể nhân dân, kinh tế-xã hội của Thủ đô đã đạt được kết quả toàn diện.
Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 7,62%, cao nhất trong 4 năm trở lại đây, thu ngân sách vượt 2,1% dự toán. Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018 xếp thứ 9/63, hoàn thành sớm 2 năm mục tiêu nhiệm kỳ; thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt 8,66 tỷ USD, tiếp tục dẫn đầu cả nước, cao nhất kể từ 30 năm mở cửa và hội nhập. Doanh nghiệp thành lập mới tăng 8%.
Đáng chú ý, công tác chiếu sáng, chỉnh trang đường phố tiếp tục được đổi mới. Tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè giảm cơ bản; việc trồng mới và chăm sóc cây xanh tiếp tục được đẩy mạnh. Tỷ lệ huyện, xã đạt chuẩn nông thôn mới tăng cao so với đầu nhiệm kỳ. An sinh xã hội được đảm bảo; dịch bệnh trên người được kiểm soát tốt, giảm nghèo vượt kế hoạch.
Bên cạnh đó, công tác dân tộc, tôn giáo tiếp tục được quan tâm. Sự nghiệp văn hóa, giáo dục tiếp tục phát triển, các lễ hội được quản lý tốt; đã tổ chức và phối hợp với Trung ương tổ chức thành công nhiều hoạt động văn hóa, chính trị quan trọng, đặc biệt là Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều, được nhân dân và cộng đồng quốc tế đánh giá cao, khẳng định rõ nét vị thế của Thủ đô.
Xác định rõ năm 2020 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã xây dựng Chương trình hành động thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 với nội dung chủ yếu như: Thực hiện tốt năm chủ đề: “Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị phấn đấu hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2015-2020 và tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp;” thực hiện tốt 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế, xã hội đã được thông qua tại Nghị quyết số 29-NQ/TU của Thành ủy, Nghị quyết số 22/NQ-HĐND của Hội đồng Nhân dân thành phố, cụ thể là tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp, thực hiện hiệu quả công tác tài chính, ngân sách, tái cơ cấu các ngành kinh tế, cơ cấu đầu tư, khơi thông các nguồn vốn, thúc đẩy tăng trưởng...
Bên cạnh đó, thành phố tăng cường quản lý quy hoạch, trật tự và xây dựng đô thị, khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường; phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực: Văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân; cải cách hành chính, thực hiện tốt công tác thi đua khen thường, công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; quan tâm tới công tác dân tộc, tôn giáo; đảm bảo quốc phòng địa phương, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế; tích cực thông tin tuyên truyền, tạo đồng thuận xã hội, thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội năm 2020 và nhiệm kỳ 2016-2020.
Về trọng tâm trong chỉ đạo điều hành trong năm 2020, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ Trung ương Đảng và Thành ủy đề ra, trong đó có công tác chuẩn bị và tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Thành phố cũng tăng cường phối hợp công tác giữa các sở, ban, ngành và Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã với các Ban của Đảng, Hội đồng Nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp để đảm bảo thực hiện tốt các mục tiêu, chi tiêu, nhiệm vụ năm 2020.
Dịp này, 17 tập thể đã vinh dự được trao Cờ thi đua của Chính phủ, 84 tập thể nhận Cờ "Đơn vị xuất sắc phong trào thi đua" năm 2019 của thành phố Hà Nội./.