Phó Chủ tịch Piaggio: “Việt Nam là một thị trường lý tưởng để đầu tư"

Ông Matteo Colaninno cho biết đối với Piaggio, Việt Nam là một thị trường lý tưởng để đầu tư và là cầu nối để đưa sản phẩm của Piaggio tới Đông Nam Á cũng như châu Á.
Phó Chủ tịch Piaggio: “Việt Nam là một thị trường lý tưởng để đầu tư" ảnh 1Phó Chủ tịch Tập đoàn Piaggio, ông Matteo Colaninno phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Ngự Bình/TTXVN)

Tối 12/4 (theo giờ địa phương), Hiệp hội ngoại giao Diplomatia của Italy phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Italy đã tổ chức cuộc hội thảo kinh tế Việt Nam-Italy với chủ đề “Đầu tư bền vững tại Việt Nam."

Hội thảo là một sự kiện nằm trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Italy (23/03/1973-23/3/2018).

Các đại biểu tham dự hội thảo đã có những đánh giá cao về nền kinh tế Việt Nam cũng như tích cực trao đổi, thảo luận cơ hội đầu tư, hợp tác kinh doanh giữa doanh nghiệp hai nước, cách thức đầu tư bền vững tại Việt Nam.

Chủ tịch sáng lập Hiệp hội Diplomatia đồng thời là Phó Chủ tịch J.P. Morgan tại Italy, ông Stefano Balsamo cho biết ông đã từng đến Việt Nam và rất ấn tượng trước sự mến khách, thân thiện của người dân Việt Nam.

Một điểm đáng chú ý khác là tốc độ tiêu dùng của người dân Việt Nam đã tăng mạnh một cách đáng kinh ngạc. Hiện ở Việt Nam có rất nhiều yếu tố thuận lợi để các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Italy, vào đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

Phó Chủ tịch Piaggio: “Việt Nam là một thị trường lý tưởng để đầu tư" ảnh 2Các đại biểu tham dự hội thảo. (Ảnh: Ngự Bình/TTXVN)

Phó Chủ tịch tập đoàn Piaggio, ông Matteo Colaninno chia sẻ với đại diện các doanh nghiệp Italy những kinh nghiệm cũng như sự thành công của tập đoàn này trong quá trình hoạt động kinh doanh, sản xuất tại Việt Nam.

Ông Colaninno cho biết vào năm 2008, nhờ sự tạo điều kiện tối đa của lãnh đạo chính quyền Việt Nam, tất cả các thủ tục cần thiết cho hoạt động sản xuất của Piaggio đã được giải quyết một cách nhanh chóng. Quy mô sản xuất của Piaggio tại Việt Nam liên tục được mở rộng và đến năm 2009, sản phẩm của tập đoàn tại Việt Nam đã có thể xuất khẩu sang các quốc gia khác.

Theo ông Colaninno, Việt Nam là quốc gia luôn chào đón đầu tư trực tiếp nước ngoài và có năng lực giải quyết các thủ tục hành chính một cách nhanh chóng, thuận tiện. Việt Nam là quốc gia trẻ, năng động với lực lượng lao động dồi dào và duy trì mức tăng trưởng khá cao. Đối với Piaggio, Việt Nam là một thị trường lý tưởng để đầu tư và là cầu nối để đưa sản phẩm của Piaggio tới Đông Nam Á cũng như châu Á.

Việc Piaggio đầu tư tại Việt Nam là nằm trong chiến lược lâu dài của tập đoàn chứ hoàn toàn không phải chạy theo xu thế sản xuất các sản phẩm giá rẻ. Piaggio đã liên tục áp dụng các công nghệ tiên tiến và cho ra mắt các sản phẩm mới nhất của Tập đoàn tại Việt Nam. Đây đều là những công nghệ tiết kiệm nhiên liệu và thân thiện với môi trường.

[Đầu tư FDI từ EU sang Việt Nam sẽ khả quan trên nền tảng EVFTA]

Về phần mình, Đại sứ Việt Nam tại Italy Cao Chính Thiện đã giới thiệu về tổng quan của nền kinh tế Việt Nam, các chính sách tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài. Việt Nam - một thị trường lớn mới nổi trong khu vực châu Á, có sức mua lớn với quy mô hơn 93 triệu dân, trong đó tầng lớp trung lưu ngày càng tăng, tốc độ phát triển kinh tế trung bình 10 năm gần đây đạt hơn 6% mỗi năm.

Năm 2017, kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng 6,81%, cao hơn mục tiêu đã đề ra. Môi trường kinh doanh có nhiều cải tiến tích cực và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Diễn đàn Kinh tế Thế giới xếp hạng năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng năm bậc, lên thứ 55/137; Ngân hàng Thế giới (WB) xếp hạng về môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 14 bậc, lên thứ 68/190 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Việt Nam cũng là cửa ngõ hoàn hảo để tiếp cận thị trường ASEAN rộng lớn với hơn 600 triệu dân. Đây là cơ hội lớn cho các nhà đầu tư Italy đặt nền móng và phát triển kinh doanh tại thị trường Việt Nam cũng như thị trường ASEAN.

Quan hệ Việt Nam-Italy đang phát triển tốt đẹp, nhất là kể từ khi hai nước ký Tuyên bố chung về Đối tác chiến lược vào tháng 1/2013. Italy là một trong những đối tác thương mại châu Âu lớn của Việt Nam, còn Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Italy trong khối các nước ASEAN. Kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Italy đã tăng trưởng tích cực lên gần 5 tỷ USD trong ba năm gần đây, nhưng so với quy mô nền kinh tế, sức mua thì tiềm năng hợp tác hai bên còn rất lớn.

Theo Đại sứ Cao Chính Thiện, điều quan trọng là nền kinh tế Việt Nam và Italy không mang tính cạnh tranh mà bổ trợ, tương tác cho nhau. Bên cạnh đó, Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU (EVFTA) một khi chính thức có hiệu lực sẽ tác động trực tiếp, tích cực tới nền kinh tế của cả hai nước. Những yếu tố này là điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hai nước phát triển hơn nữa quan hệ đầu tư kinh doanh.

Phó Chủ tịch Piaggio: “Việt Nam là một thị trường lý tưởng để đầu tư" ảnh 3Đại sứ Cao Chính Thiện và Chủ tịch Hiệp hội Diplomatia, ông Stefano Balsamo phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Ngự Bình/TTXVN)

Chính phủ Việt Nam đang triển khai nhiều chính sách nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng, trong đó tập trung vào tái cơ cấu đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống tài chính-ngân hàng. Việt Nam luôn quyết tâm tạo môi trường bình đẳng và cạnh tranh lành mạnh cho các doanh nghiệp.

Trong bối cảnh Việt Nam là nước bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi tình trạng biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng và ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng, Chính phủ Việt Nam luôn khuyến khích đầu tư bền vững, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ cao, thân thiện với môi trường, nông nghiệp thông minh nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu…

Lĩnh vực đầu tư bền vững, được biết đến với tên gọi là SRI và ESG, còn khá mới mẻ ở Việt Nam, nhưng luôn nhận được sự quan tâm chú ý và khuyến khích của Chính phủ.

Ngoài việc tiếp tục triển khai các chính sách ưu đãi thu hút đầu tư nước ngoài như miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn thuế nhập khẩu một số ngành hàng, miễn giảm tiền thuê và sử dụng đất, Chính phủ Việt Nam cũng cam kết tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư.

Đại sứ Cao Chính Thiện khẳng định Đại sứ quán Việt Nam tại Italy đã, đang và sẽ luôn sẵn sàng hỗ trợ, đồng hành, tham mưu, tháo gỡ vướng mắc cho các nhà đầu tư Italy trong quá trình tiếp cận, đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.