Tiếp tục chương trình làm việc tại phiên họp thứ 8, sáng 20/3, Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật quản lý nợ công (sửa đổi).
Làm rõ phạm vi nợ công
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, qua hơn 6 năm triển khai thực hiện, Luật Quản lý nợ công đã tạo hành lang pháp lý phù hợp với mức độ phát triển kinh tế-xã hội thời gian qua, góp phần quan trọng trong việc huy động vốn bù đắp bội chi ngân sách Nhà nước; tạo nguồn lực đầu tư cho các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế thông qua cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ và bảo lãnh của Chính phủ đối với các doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư quan trọng trong các lĩnh vực ưu tiên đầu tư của Nhà nước.
Tuy nhiên, cùng với những đổi mới trong Hiến pháp 2013, thay đổi trong hệ thống pháp luật và quá trình vận hành, phát triển của nền kinh tế, hội nhập quốc tế, nhiều quy định của Luật đã không còn phù hợp với thực tiễn, chưa bảo đảm thống nhất với một số quy định trong hệ thống pháp luật hiện hành, nhiều vấn đề phát sinh trong thực tiễn chưa được điều chỉnh.
Tán thành về sự cần thiết sửa đổi Luật để khắc phục các hạn chế trên, song Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội cho rằng cần tiếp tục rà soát, hoàn chỉnh phạm vi điều chỉnh; nguyên tắc quản lý nợ công; xử lý vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng nợ công; chỉ tiêu an toàn nợ công, chiến lược, chương trình và kế hoạch vay, trả nợ công; nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý, sử dụng nợ công.
Nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn về tính thống nhất của dự án Luật này với các luật liên quan, phạm vi nợ công. Theo Bộ Tài chính, quy định nợ công gồm nợ Chính phủ; nợ được Chính phủ bảo lãnh; nợ của chính quyền địa phương là hợp lý, phù hợp với thông lệ quốc tế và đặc thù của nền kinh tế nước ta.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển băn khoăn về khoản nợ của Ngân hàng Nhà nước. “Nợ của Ngân hàng Nhà nước không nằm trong nợ công nhưng Ngân hàng Nhà nước lại nằm trong hệ thống tài chính công, Ngân hàng Nhà nước nợ có nằm trong nợ công không?," ông Hiển đặt câu hỏi.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, Chính phủ lập luận Ngân hàng là độc lập. Với các nước, Ngân hàng Trung ương là độc lập không nằm trong cơ cấu tổ chức Chính phủ, nhưng ở Việt Nam, ngân hàng nằm trong cơ cấu tổ chức Chính phủ, nhiều điều hành của Chính phủ liên quan đến cho vay, do vậy cần phải giải trình cho rõ phạm vi nợ công, trong đó cần xác định nợ công có bao gồm nợ của doanh nghiệp nhà nước, của đơn vị sự nghiệp công lập và các tổ chức kinh tế khác của nhà nước; nợ bảo hiểm xã hội, nợ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hay không?
Đưa ra vấn đề tranh cãi lâu nay là cách tính nợ công như thế nào, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đặt vấn đề cách tính nợ công gồm nợ Chính phủ, nợ Chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương có đúng không, những khoản không nằm trong các khoản này nhưng cuối cùng nhà nước vẫn phải trả cần được tính thế nào.
Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách thống nhất với nội dung không tính vào nợ công các khoản nợ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành để thực hiện chính sách tiền tệ, nợ tự vay tự trả của doanh nghiệp nhà nước. Trong trường hợp doanh nghiệp không đủ khả năng trả nợ sẽ thực hiện thủ tục phá sản theo quy định của pháp luật.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng doanh nghiệp nhà nước là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, chịu trách nhiệm hữu hạn trên tổng số vốn được cấp. Vay không trả được sẽ phá sản theo luật định. Đưa ra câu chuyện cụ thể về xử lý nợ của Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy (Vinashin) và Tổng Công ty Đường cao tốc Việt Nam (VEC), Bộ trưởng cho rằng là do "chủ quan."
Với Vinashin, nếu cho phá sản, Chính phủ chỉ chịu phần Chính phủ bảo lãnh, nhưng trong đề án tái cơ cấu tập đoàn này, một số khoản không phải Chính phủ bảo lãnh vẫn đưa vào nợ Chính phủ. Theo Nghị quyết 27 của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội, không chuyển nợ doanh nghiệp thành nợ của Nhà nước.
Nói về khoản nợ chất chồng, cho phát hành trái phiếu rồi không trả được nợ, vay ODA về làm đường nhưng không trả được nợ của VEC, "hất" về Chính phủ lại phải trả, Bộ trưởng Dũng thẳng thắn nếu để Chính phủ làm, làm gì có chuyện chuyển nợ doanh nghiệp nhà nước thành nợ Chính phủ.
Theo Bộ trưởng, bản chất ODA là nợ Chính phủ. Hầu hết các nước đều không tính nợ doanh nghiệp nhà nước vào nợ công. Nợ hoàn thuế, nợ xây dựng cơ bản, nợ cấp bù chính sách không coi là nợ công.
Ba bộ quản lý nợ công
Để không bị xáo trộn chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành, Chính phủ đề nghị tiếp tục giữ nguyên chức năng, nhiệm vụ 3 cơ quan (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tài chính) trong vận động, điều phối, đàm phán, ký kết hiệp định khung, thỏa thuận vay cụ thể, phân bổ, sử dụng vốn vay, trả nợ và quản lý nhà nước đối với nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi. Quan điểm này đã nhận được nhiều ý kiến trao đổi khác nhau.
Nêu lên tình trạng nhiều vấn đề hỏi nhưng Bộ Tài chính không nắm được, Bộ này chỉ là người “cộng sổ," Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng cần phải thay đổi lại.
“Không thể vay búa xua, anh nào cũng có quyền, đưa lên rồi cuối cùng cộng vào câu chuyện ODA tăng lên bao nhiêu phần trăm... Phải có một quan điểm thống nhất quản lý, một nhà có rất nhiều cửa vay, trong khi trả nợ chỉ có một, cái đó không ổn," ông Hiển nói.
Theo ông Hiển, đã đến lúc phải bàn đến các quy định liên quan đến bảo lãnh, vay về cho vay lại, phải hạn chế, đi vào cơ chế thị trường. Thực tiễn thời gian qua, câu chuyện bảo lãnh, vay về cho vay lại bộc lộ những khiếm khuyết, không đúng tinh thần quản lý theo cơ chế thị trường. Nhiều tập đoàn, tổng công ty được Chính phủ bảo lãnh nhưng không trả được nợ.
Đưa ra ý kiến, Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách đề nghị sửa đổi theo hướng giao Bộ Tài chính là cơ quan đầu mối thực hiện chức năng quản lý nợ công, đại diện đàm phán, ký kết các hiệp ước vay nợ và quản lý tập trung các nguồn lực nợ công.
Lý giải của Ủy ban này là việc quản lý tập trung thống nhất nhằm thể chế hóa yêu cầu đặt ra trong Nghị quyết 07/NQ-TW, theo đó phải sớm khắc phục tình trạng “quản lý đầu tư công, nợ công còn chồng chéo, chưa gắn trách nhiệm cân đối ngân sách, vay và trả nợ với phân bổ, sử dụng vốn."
Thực tiễn cho thấy việc thực hiện theo quy định luật hiện hành đã dẫn đến công tác quản lý nợ công trong đó có huy động, quản lý vốn vay còn phân tán, thiếu tập trung, việc phối hợp chưa chặt chẽ nên công tác theo dõi, tổng hợp báo cáo, xác định trách nhiệm... còn khó khăn, bất cập.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết cơ quan này chỉ tham gia đàm phán và ký kết các dự án của Việt Nam với các định chế tài chính quốc tế trên nguyên tắc các kế hoạch ODA đã được phân bổ, được các cấp có thẩm quyền phê duyệt và dựa trên báo cáo của các bộ, ngành liên quan. Chính phủ giao Ngân hàng đại diện để đàm phán, ký kết vốn ODA. Số nợ của các dự án của các tổ chức này chỉ chiếm 8% trong nợ công, phần còn lại là nợ trong nước.
Trong báo cáo của Chính phủ, trong năm 2015, 2016, nợ của WB, ADB tăng lên, nhưng khoản nợ này là khoản nợ ưu đãi, kỳ hạn dài. Ngân hàng Nhà nước đã huy động và sử dụng khá hiệu quả nguồn ODA này.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu không đồng tình với quan điểm của Ủy ban Tài chính-Ngân sách, là do quản lý chồng chéo mà nợ công tăng nhanh.
Ông Thu cho rằng cơ chế quản lý hiện nay là hợp lý, phù hợp với thể chế kinh tế chính trị của Việt Nam, với hệ thống pháp luật, tạo ra cơ chế quản lý, giám sát quyền lực lẫn nhau, trách nhiệm tốt hơn.
"Đưa về Bộ Tài chính, hệ thống tổ chức đảo lộn hoàn toàn, không phù hợp với các chủ trương của Bộ Chính trị, của Trung ương là ổn định tổ chức bộ máy để làm việc," ông Thu khẳng định.
Tại phiên họp, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng giải trình vấn đề nợ công tăng nhanh là do điều hành. Sự phối hợp các cấp, các ngành không ăn ý. Năm nào bội chi cũng do dự toán ODA thấp, giải ngân cao, vay cứ vay, chia cứ chia, trả không có.
Quan điểm này nhận được sự đồng tình của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu. Bàn về nợ công phải nhìn vào tổng thể nền kinh tế, vào khả năng bứt phá, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh./.