“Rừng là vốn liếng cho thế hệ mai sau, nên chúng tôi sẽ tập trung công tác dân vận, giao rừng cho bà con quản lý cũng như áp dụng biện pháp cúng bái thần rừng. Trong tương lai sẽ đánh số, đeo biển cho những cây gỗ quý, để bảo vệ rừng hiệu quả, cũng như ngăn chặn tình trạng phá rừng, nhất là gỗ nghiến cổ thụ.”
Đó là lời khẳng định của ông Nguyễn Minh Tiến, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phụ trách nông - lâm nghiệp tỉnh Hà Giang trong cuộc trao đổi với chúng tôi về tình trạng chặt phá gỗ nghiến cổ thụ trái phép tại rừng đặc dụng Phong Quang.
[Bài 2: Vì lợi nhuận trước mắt, người dân “hóa” lâm tặc… phá rừng]
Mở đầu cuộc trao đổi, ông Tiến cho biết, bản thân ông đã nhận được thông tin báo cáo bằng điện thoại từ Ban quản lý rừng đặc dụng Phong Quang và đã chỉ đạo các ngành chức năng làm rõ và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.
Ông Tiến chia sẻ: “Đặc điểm khu rừng đặc dụng Phong Quang kéo từ phía cửa khẩu Thanh Thủy cho tới giáp huyện Quản Bạ, khu vực này hết sức hiểm trở, bởi địa hình bên mình cao, bên Trung Quốc thấp. Đặc biệt khu vực này hiện nay chưa rà phá hết bom mìn nên rất nguy hiểm cho các chiến sỹ biên phòng, cũng như các đồng chí kiểm lâm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.”
“Với đặc thù như vậy, thời gian qua, đồng chí Bí thư tỉnh và tôi đã đi vào hiện trường nhiều lần. Chúng tôi cũng đã giao cho huyện, chi cục kiểm lâm, ủy ban xã, rất nhiều biện pháp để khắc phục vì đây là điểm nóng chung. Tuy nhiên, khu vực này có đường biên giới rộng, nên việc quản lý cũng khó khăn,” ông Tiến nói.
Về việc chăm lo đời sống cho bà con nhân dân sinh sống trong vùng lõi rừng đặc dụng, Phó Chủ tịch phụ trách nông - lâm tỉnh Hà Giang cho biết, mới đây, tỉnh đã xây dựng một con đường bê tông vào các bản vùng lõi, con đường thì tốt cho bà con, tuy nhiên cũng có tác động ngược gây sự chú ý cho một số đối tượng khai thác gỗ trái phép.
Đời sống của dân trong vùng lõi tỉnh xác định là quan trọng nhất, vì không phải một hai thôn mà rất nhiều thôn sống rải rác. Do đó, tỉnh đã xin đưa được một số hộ dân ra khỏi vùng lõi đến khu vực xã Phong Quang, chứ không thể di chuyển được hết mà ngược lại, cần dựa vào dân để giữ rừng, bảo vệ biên giới.
“Việc này, tỉnh đã giao cho huyện Vị Xuyên xây dựng phương án nâng cao đời sống cho bà con, thông qua khoán bảo vệ rừng và cho vay vốn chính sách hỗ trợ lãi suất bà con chăn nuôi nhằm nâng cao đời sống bà con để bà con bám rừng và giữ rừng cho tỉnh,” ông Tiến cho biết thêm.
[Hà Giang: Rừng đặc dụng Phong Quang chưa một ngày yên ả]
Vẫn theo ông Tiến, để đảm bảo tốt công tác bảo vệ rừng, thời gian qua, tỉnh Hà Giang đã ra kế hoạch tăng cường quản lý lâm sản, trong đó có rất nhiều giải pháp trong đó có giải pháp quản lý cưa xăng, rất nhiều xã, thôn đã quản lý cưa xăng tập trung và đã làm được ở một số nơi, nhất là các địa phương nằm trong khu vực rừng đặc dụng.
“Chúng tôi tập trung bảo vệ các khu vực rừng đặc dụng, vì chỉ ở đây mới còn rừng quý. Theo đó, ban đầu tập trung công tác dân vận, giao cho các nghệ nhân dân gian dùng biện pháp tâm linh, cúng bái thần rừng. Trong tương lai sẽ đánh số, đeo biển cho những cây gỗ quý. Còn với các cụm rừng thì xây dựng thành khu để bảo vệ vì rừng là vốn liếng cho thế hệ sau,” ông Tiến nhấn mạnh./.
[Bài 3: Tiếp cận sức dân để cứu rừng nghiến cổ thụ Hà Giang]