Phố cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam) như một “bảo tàng sống” về văn hóa vật thể và phi vật thể; trong đó, nghệ thuật diễn xướng hô hát bài chòi có một vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân nơi đây.
Trải qua bao thăng trầm của thời gian và lịch sử, tình yêu bài chòi của người dân phố Hội luôn tuôn chảy và đang được những thế hệ hôm nay giữ gìn và phát huy.
Phát huy giá trị bài chòi gắn với phát triển du lịch
Hội An vào đêm rằm hằng tháng, tại sân khấu ngoài trời ngay bên bờ sông Hoài thơ mộng với những chiếc đèn lồng lung linh hòa quyện những điệu hát bài chòi từ lâu đã trở thành địa điểm thu hút rất đông du khách và người dân khi tới tham quan phố cổ.
Cùng với tiếng trống và tiếng nhạc rộn rã, những câu hát mượt mà được anh Hiệu và chị Hiệu (hai người hát chính) cất lên trong tiếng vỗ tay không ngớt của khán giả: “Trống kia đã đỗ. Cờ đỏ đã phất xong. Hiệu giữ bài tì đó nghe. Gió xuân phảng phất nhành tre, mời bà con cô bác lắng nghe bài chòi…”
Từ năm 2010 đến nay, thành phố Hội An đã tổ chức chương trình “Đêm phố cổ” với điểm nhấn là sân khấu bài chòi ở ngoài trời tạo ra một sản phẩm du lịch đặc sắc đồng thời cũng tạo nên một không gian nghệ thuật để bài chòi “tỏa sáng” với du khách gần xa.
Là một sân khấu mở nên du khách có thể tham gia trò chơi bài chòi cùng với những anh Hiệu, chị Hiệu vui tính, ứng đối lanh lợi.
Di sản văn hóa thế giới Hội An hằng năm đón hơn 1,5 triệu khách du lịch; trong đó, có khoảng 900.000 khách quốc tế, vì vậy nơi đây còn được xem như “cửa ngõ” giao lưu quốc tế.
Khi đến thăm quan phố cổ du khách có nhiều cách để tiếp cận với loại hình diễn xướng hô hát bài chòi, đó là ở trong không gian những ngôi nhà cổ, ở sân khấu ngoài trời vào buổi tối hay ở trong Nhà hát biểu diễn nghệ thuật cổ truyền Hội An.
Hiện nay, Trung tâm Văn hóa-Thể thao Hội An có khoảng hơn 10 nghệ sỹ hát bài chòi thường xuyên tham gia biểu diễn để phục vụ khách du lịch, đây đa phần là những nghệ sỹ trẻ tuổi, có niềm đam mê với nghệ thuật truyền thống.
Ở Hội An việc giới thiệu nghệ thuật diễn xướng hô hát bài chòi gắn với các hoạt động du lịch được thực hiện một cách bài bản, không làm mất đi tính “dân dã” vốn có của loại hình nghệ thuật này; đồng thời, vừa giúp những nghệ sỹ có thể sống được từ niềm đam mê của mình.
Chị Huỳnh Thị Thủy, người gắn bó với hát dân ca bài chòi ở phố cổ 5 năm cho biết những nghệ sỹ biểu diễn bài chòi ở đây, rất tự hào vì mình đang trực tiếp đem những lời ca tiếng hát của quê hương để giới thiệu với du khách trong và ngoài nước, đồng thời chúng tôi cũng ý thức được trách nhiệm của mình trong việc không ngừng nghiên cứu, tìm hiểu sâu hơn về loại hình diễn xướng này này.
Khi muốn phát triển một loại hình nghệ thuật dân gian không thể bê nguyên xi nó vào trong đời sống đương đại mà cần phải có những sáng tạo, điều chỉnh, nâng cao và bài chòi cũng không nằm ngoài quy luật đó.
Ông Võ Phùng, Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thể thao Hội An, cho biết đối với lời hát bài chòi bên cạnh những lời cổ, hiện nay đội ngũ nghệ sỹ của thành phố còn có sáng tác lời mới để bài chòi đến gần hơn với công chúng.
Về hình thức cũng vậy, ở trong phố cổ không thể dựng 8-10 cái chòi để tổ chức trò chơi bài chòi như trước đây mà làm rút lại 4-5 chòi; những quân bài chòi cũng được cải tiến từ chỗ chỉ bằng hai ngón tay, nay được làm lớn hơn để du khách có thể nhìn được tên, hoa văn trên từng quân bài.
Với đối tượng chơi bài chòi là du khách nước ngoài, sẽ có đội ngũ hướng dẫn viên giỏi ngoại ngữ giải thích nội dung trò chơi và ý nghĩa những câu hát; thậm chí những người chủ trò hiện nay, còn học thêm chút tiếng Anh để có thể đánh vần tên những quân bài ra tiếng nước ngoài cho du khách.
Chị Kathy Griffin, một du khách người Mỹ, cho biết những làn điệu bài chòi và trò chơi bài chòi được tổ chức biểu diễn ở ngay giữa phố cổ là một điều rất thú vị. Với một sân khấu mở những du khách như chị đều có thể tham gia trò chơi bài chòi, nó tạo cảm giác như du khách “chạm” được tới văn hóa địa phương. Chính giá trị phi vật thể này càng làm cho giá trị vật thể kiến trúc ở phố cổ Hội An được tôn vinh thêm.
Không chỉ giới thiệu dân ca bài chòi đến du khách khi tới thăm phố cổ mà những năm gần đây, các nghệ sỹ hát bài chòi của Trung tâm Văn hóa-Thể thao Hội An còn tham gia các chương trình biểu diễn giao lưu văn hóa ở 7 nước châu Âu và châu Á gây được nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn bè quốc tế.
Truyền tình yêu dân ca bài chòi cho thế hệ trẻ
Bài chòi có 2 loại hình là hát bài chòi và trò chơi bài chòi, với 4 làn điệu cơ bản là xàng xê, xuân nữ, hồ quảng và cổ bản.
Ngoài ra, tại Quảng Nam còn có thêm làn điệu vè Quảng và vọng kim lang qua đó tạo nên nét riêng của bài chòi Quảng Nam.
Hô hát và biểu diễn bài chòi từ lâu đã trở thành “món ăn tinh thần” không thể thiếu của người dân phố hội.
Thành phố Hội An hiện nay, có 7 đội hát bài chòi quần chúng tại các xã phường, các đội hát này hoạt động sôi nổi nhất là vào những dịp lễ hội, dịp Tết đến Xuân về; họ sẽ tiến hành dựng lều, dựng rạp ngay tại các thôn xóm để hát và chơi bài chòi.
Hội An hiện nay, còn khoảng 30 người (ở độ tuổi trên 50) có thể làm chủ trò để làm anh Hiệu, chị Hiệu hô hát bài chòi. Thành phố hiện đã làm hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét phong tặng danh hiệu nghệ nhân cho nghệ sỹ Nguyễn Đáng, người có nhiều đóng góp cho việc phát huy và truyền dạy lại nghệ thuật hát bài chòi cho thế hệ trẻ.
Nghệ sỹ Nguyễn Đáng là một anh Hiệu nổi tiếng hát bài chòi tại phố cổ với giọng hát mượt mà, tài ứng biến thông minh trên sân khấu và có nhiều sáng tác lời mới hay. Ông cũng là người thầy đã phát hiện và truyền lại nghề cho nhiều thế hệ nghệ sỹ hát bài chòi tài năng của Hội An hiện nay, như nghệ sỹ Thu Hương, Lệ Nga, Dương Qúy, Thu Sang, Kim Anh… Những người nghệ sỹ học trò này đang cùng với ông tiếp tục truyền tình yêu hát bài chòi cho các em nhỏ nơi đây.
Từ năm 2003 đến nay, Trung tâm Văn hóa-Thể thao Hội An đã phối hợp với Phòng Giáo dục thành phố đưa nghệ thuật diễn xướng hô hát bài chòi vào dạy ngoại khóa cho các em học sinh tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn thành phố.
Ngoài ra vào các buổi tối trong tuần, Trung tâm Văn hóa-Thể thao Hội An còn tổ chức một lớp dạy hát bài chòi cho các em nhỏ ngay trên phố cổ, với sự chỉ dẫn trực tiếp của những nghệ sỹ hát bài chòi.
Theo ông Võ Phùng, Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thể thao Hội An, các em nhỏ tham gia học hát bài chòi với tinh thần tự nguyện và rất hào hứng, mỗi một buổi dạy thường thu hút hơn 20 em tham gia.
Ông Phùng cũng cho biết ông và các đồng nghiệp không có tham vọng tất cả các em sau này đều trở thành nghệ sỹ hát bài chòi mà mong muốn với những kiến thức cơ bản về bài chòi có được các em sẽ là những “hạt giống” để loại hình nghệ thuật bài chòi ngày càng bén rễ sâu và vững chắc hơn trong từng thôn, xóm.
Thông qua những lớp học này nhiều em học sinh tài năng và có niềm đam mê với bài chòi đã được phát hiện như em Nguyễn Văn Vĩnh Phúc, học sinh lớp 3, Trường tiểu học Lương Thế Vinh.
Hiện nay, em Nguyễn Văn Vĩnh Phúc có thể hát được 25 bài chòi lời mới và thỉnh thoảng tham gia cùng các cô chú nghệ sỹ biểu diễn hát bài chòi tại Nhà hát biểu diễn nghệ thuật cổ truyền thành phố.
Khi nói về thế hệ trẻ của Hội An hôm nay, trong việc gìn giữ và phát huy giá trị của loại hình nghệ thuật diễn xướng hô hát bài chòi, nghệ sỹ Nguyễn Đáng rất lạc quan bởi theo ông tình yêu bài chòi từ bao đời nay đã ăn sâu vào từng nếp nhà, từng con người sống ở mảnh đất này và thế hệ trẻ hôm nay vẫn đang giữ được tình yêu đó.
Nghệ thuật diễn xướng hô hát bài chòi đang trên hành trình để được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đối với người dân Hội An, bài chòi từ lâu đã thực sự trở thành di sản văn hóa tinh thần chung của cả cộng đồng và đang được chính cộng đồng nơi đây gìn giữ, nâng tầm để giới thiệu với du khách gần xa./.