Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo Ngôi sao của Đức ngày 8/7, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng liên bang Sigmar Gabriel đã lên tiếng chỉ trích việc tiếp nhận Hy Lạp vào khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
Hy Lạp chính thức là thành viên Eurozone từ ngày 1/1/2001 dưới thời chính phủ do Thủ tướng Gerhard Schröder đứng đầu. Ông Gabriel, người cũng là Chủ tịch Đảng Dân chủ Xã hội (SPD), nói: "Thực tế hiện nay cho thấy việc tiếp nhận Hy Lạp vào Eurozone là rất dại dột". Theo ông, điều kinh khủng hơn nữa là trong suốt một thời gian dài, người ta có thể chứng kiến nước này ngày càng lún sâu vào khủng hoảng ra sao.
Trong bối cảnh Hy Lạp mất khả năng thanh khoản, ông Gabriel đã kêu gọi hỗ trợ nhân đạo cho nước này. Phó Thủ tướng Gabriel cũng ủng hộ biện pháp xóa bớt nợ cho Hy Lạp nếu Athens sẵn sàng cải cách. Ông nói: "Nếu chúng tôi đơn giản xóa nợ trong khi tự Hy Lạp không có nhiều thay đổi cơ bản thì điều đó cũng không có tác dụng. Chỉ có thể tính tới việc giảm nợ khi Chính phủ Hy Lạp thực hiện cải cách."
Chủ tịch SPD cũng cho rằng Đức sẽ không bị ảnh hưởng trong trường hợp Hy Lạp phải rời khỏi Eurozone do khu vực này hiện đang rất "mạnh và ổn định“. Tuy nhiên, ông tin tưởng rốt cuộc, cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp sẽ tìm được lối thoát. Về chính sách thắt lưng buộc bụng trong Eurozone, ông Gabriel cho rằng một quốc gia không thể thoát khỏi khủng hoảng chỉ bằng việc tiết kiệm hay thắt lưng buộc bụng mà bên cạnh đó cần phải đầu tư cho giáo dục, nghiên cứu, tăng trưởng và việc làm.
Theo báo Tiêu điểm của Đức cùng ngày, Hy Lạp đã đề nghị một chương trình cứu trợ kéo dài 3 năm cho nước này với cam kết trong vòng 48 giờ sẽ đưa ra đề xuất toàn diện về cải cách lương hưu và thuế quan. Athens cũng hứa sẽ thanh toán toàn bộ cho các chủ nợ của mình, trong đó vào 20/7, Athens sẽ phải trả ECB số tiền nợ trái phiếu chính phủ trị giá 3,5 tỷ euro./.