Nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư, 6 tháng đầu năm nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật để đơn giản hóa hơn 4.430 trong tổng số hơn 4.720 thủ tục hành chính tại 25 Nghị quyết chuyên đề, đạt tỷ lệ 93,8%.
Kết quả này đã được đánh giá tại cuộc họp của Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, tổ chức sáng 5/8, tại Trụ sở Chính phủ.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ chủ trì cuộc họp.
Nhiều nội dung nổi bật trong công tác cải cách hành chính liên quan đến cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải cách công chức công vụ, cải cách tài chính công, hiện đại hóa nền hành chính… đã được các thành viên Ban chỉ đạo đánh giá tại cuộc họp.
Điển hình là Bộ Tài chính đã đẩy mạnh triển khai kết nối và mở rộng đối với các cơ quan liên quan trong việc thực hiện cơ chế một cửa ASEAN, hoàn thành thủ tục phê duyệt và ký kết Nghị định thư để thực hiện cơ chế một cửa ASEAN.
Theo đó, Bộ Tài chính và Bộ Giao thông Vận tải triển khai chính thức cơ chế một cửa quốc gia tại 5 cảng biển quốc tế là Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tài cho các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đăng kiểm dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.
Tổng cục Hải quan đã chính thức mở rộng thực hiện cơ chế một cửa quốc gia. Trong 6 tháng đầu năm, số giờ nộp thuế của doanh nghiệp đã giảm trên 50 giờ (từ 167 giờ/năm xuống còn dưới 117 giờ/năm), đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ đề ra là giảm số giờ nộp thuế xuống còn dưới 121,5 giờ/năm.
Bộ Công Thương đã công bố và khai trương quy trình thí điểm cấp chứng nhận xuất xứ (C/O) qua mạng nhằm giải quyết “gánh nặng” về thủ tục cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu…
Cơ chế một cửa, một cửa liên thông tiếp tục được đẩy mạnh triển khai tại các địa phương với nhiều cách làm mới, tạo sự chuyển biến tích cực trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp theo hướng công khai, minh bạch, thuận tiện. Đến nay đã có khoảng 50% số quận, huyện, thị xã, thành phố triển khai mô hình một cửa liên thông hiện đại cấp huyện.
Một trong những ưu điểm nổi bật trong công tác cải cách hành chính của các bộ, ngành trong 6 tháng qua là ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động hành chính và dịch vụ công hiệu quả, mở rộng cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 2, 3 và 4 đã góp phần đẩy mạnh hiện đại hóa nền hành chính, nâng cao chất lượng, giảm thời gian, chi phí giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.
Tuy nhiên, các thành viên Ban chỉ đạo cho rằng vẫn còn tình trạng một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự quan tâm đến công tác cải cách hành chính và cải cách chế độ công vụ, công chức.
Muốn cải cách hành chính đi vào thực chất phải xây dựng quy trình quản lý phù hợp trong tất cả các lĩnh vực dựa trên công nghệ thông tin và thông tin tích hợp. Nếu không quyết liệt, việc áp dụng công nghệ thông tin sẽ rất khó bởi thói quen và sức ỳ của cán bộ.
Một cảnh báo đáng lo ngại được các thành viên Ban Chỉ đạo đưa ra là việc cán bộ, công chức ngày càng sợ trách nhiệm, làm giảm đi tính sáng tạo, không dám đề xuất, áp dụng cái mới trong xử lý công việc, thường đẩy lên báo cáo cấp trên giải quyết.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng đổi mới đã khó, cải cách càng khó hơn, chính các bộ, ngành phải cải cách trước, Chính phủ mới cải cách được; trong đó ứng dụng công nghệ trong cải cách, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp phát triển hội nhập sâu rộng là rất quan trọng.
Phải vì dân mà công khai, minh bạch hóa, chống tiêu cực, nhũng nhiễu, đặc biệt quan tâm đến chỉ số hài lòng của người dân, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Phó Thủ tướng cũng đã chỉ ra một số hạn chế về thể chế như nợ đọng văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành pháp luật vẫn còn nhiều, thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực còn rườm rà, quy trình còn phức tạp; sự phối hợp giữa các cơ quan trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính chưa hiệu quả; vẫn còn tình trạng tùy tiện, gây phiền hà, sách nhiễu…
Vì vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành rà soát lại công việc, bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ của Ban chỉ đạo từ nay đến cuối năm, sớm công bố các đánh giá chỉ số cải cách hành chính hàng năm.
Khẳng định xây dựng thể chế là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của Chính phủ, Phó Thủ tướng đề nghị phải tập trung cao cho công tác xây dựng thể chế, nhất là quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các Luật, pháp lệnh trong Kế hoạch triển khai thi hành Hiến pháp 2013.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng các ngành tập trung hoàn thành kế hoạch ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong đó đã ghi rõ từng bộ, ngành nợ văn bản gì, yêu cầu phải cơ bản giải quyết xong tình trạng nợ đọng trước ngày 15/9 tới, các bộ, ngành cần tập trung thực hiện. Khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật không “đẻ” thêm thủ tục hành chính không cần thiết, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành tập trung quyết liệt triển khai Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ; rà soát, bãi bỏ các thủ tục hành chính rườm rà, gây phiền hà; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, phấn đấu đến cuối năm nay, các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh đạt và vượt mức trung bình của các nước ASEAN-6.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành, Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh ban hành danh mục thủ tục hành chính, thực hiện việc tiếp nhận và trả kết quả thông qua đường bưu chính để giảm áp lực cho cơ quan quản lý Nhà nước, góp phần hạn chế nhũng nhiễu, tiêu cực trong giải quyết thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông.
Phó Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm Chỉ thị số 13/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong công tác cải cách thủ tục hành chính, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ, nhất là những công chức, viên chức làm nhiệm vụ giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp; tăng cường Chỉ số hài lòng của người dân.
Các bộ, ngành, địa phương thực hiện dứt điểm việc chuẩn hóa, công bố công khai thủ tục hành chính và hoàn thành đơn giản hóa 13 nhóm thủ tục hành chính trọng tâm năm 2015 theo Quyết định số 08 của Thủ tướng Chính phủ; công khai kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên Cổng thông tin điện tử của bộ, ngành, địa phương để giảm thời gian, chi phí thực hiện của cá nhân, tổ chức./.