Phó Thủ tướng: Tăng phòng cháy chữa cháy tại các chung cư

Trước tình trạng cả nước xảy ra trên 2.600 vụ cháy, làm chết 54 người trong năm nay, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu đẩy mạnh, tăng phòng cháy chữa cháy tại chung cư, khu dân cư.
Cháy chung cư ở Đà Nẵng. (Ảnh: Lê Lâm/TTXVN)

Sáng 12/11, tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp với một số bộ, địa phương về đẩy mạnh, tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy tại các chung cư và các khu dân cư; kiểm tra, rà soát và đánh giá an toàn chịu lực nhà ở, công trình công cộng cũ nguy hiểm tại đô thị.

Năm năm qua, cả nước xảy ra hơn 11.780 vụ cháy

Theo tin từ Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn, trong năm năm gần đây, cả nước đã xảy ra 11.788 vụ cháy, làm chết 339 người, bị thương 906 người, thiệt hai về tài sản 6.505 tỷ đồng.

Riêng năm nay, cả nước xảy ra trên 2.600 vụ cháy, làm chết 54 người, bị thương 215 người, thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 1.026 tỷ đồng; trong đó, có 16 vụ cháy chung cư, nhà cao tầng gây thiệt hại tài sản ước tính khoảng trên 10 tỷ đồng.

Ngoài ra, cháy nhà dân tại các khu dân cư trung bình hằng năm trên 1.000 vụ, chiếm từ 45-50% tổng số vụ cháy. Điển hình, trong năm 2015, một số vụ cháy lớn đã xảy ra tại các khu dân cư, chung cư cao tầng như Vụ cháy Chung cư HH4A Linh Đàm xảy ra ngày 16/9; vụ cháy tại tầng hầm tòa nhà CT4A Khu đô thị Xa La, phường Phúc La, quận Hà Đông xảy ra ngày 11/10.

Theo Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh, Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn - Bộ Công an, nguyên nhân của những vụ cháy trong thời gian qua là do công tác quản lý hoạt động xây dựng, quản lý về phòng cháy chữa cháy của các cấp chính quyền, cơ quan chức năng có nơi, có lúc còn bị buông lỏng. Việc chấp hành các quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy của một bộ phận cơ quan, tổ chức, người dân chưa cao.

Một số chủ đầu tư khi xây dựng công trình không chấp hành nghiêm các quy định về phòng cháy chữa cháy ngay từ đầu lập dự án cũng như trong quá trình thi công, vận hành, sử dụng. Việc xử lý các tồn tại, vi phạm về phòng cháy chữa cháy không được quan tâm, giải quyết dứt điểm, dẫn đến tình trạng sai phạm kéo dài... Nhiều nhà chung cư, công trình công cộng hết niên hạn sử dụng.

Về công tác kiểm tra, rà soát, đánh giá an toàn chịu lực nhà ở, công trình công cộng cũ nguy hiểm tại đô thị, Báo cáo của Bộ Xây dựng nêu rõ các đô thị trên cả nước hiện nay vẫn còn nhiều nhà chung cư, công trình công cộng được xây dựng từ lâu, đã hết niên hạn sử dụng; chất lượng công trình đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều công trình đã bị hư hỏng, lún, nứt, nghiêng gây mất an toàn nghiêm trọng cho người sử dụng. Cụ thể, các đô thị trên cả nước có hơn 3 triệu m2 sàn nhà chung cư cũ được xây dựng từ trước năm 1994 với hơn 100.000 hộ dân đang sinh sống. Nhiều khối nhà chung cư cũ cần phải rà soát, kiểm định, đánh giá chất lượng, nhất là tại thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Trên địa bàn cả nước, nhiều nhà biệt thự cũ, các công trình công cộng được xây dựng đã lâu (từ 60 năm trở lên) cần phải rà soát, đánh giá chất lượng an toàn cho người sử dụng.

Theo số liệu báo cáo tại Đề án quản lý quỹ biệt thự năm 2009, thành phố Hà Nội có tổng số 970 biệt thự và Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng gần 3.000 biệt thự. Hầu hết các biệt thuộc sở hữu nhà nước tại Hà Nội được xây dựng trước năm 1954; tại Thành phố Hồ Chí Minh được xây dựng trước năm 1975. Quỹ nhà biệt thự chủ yếu do ngành nhà đất quản lý (hơn 74%); còn lại do các cơ quan tự quản lý (gần 26%). Do việc quản lý phân tán, việc thực hiện các chính sách quản lý nhà ở không thống nhất từ khâu bố trí sử dụng, ký kết hợp đồng thuê, thu tiền thuê nhà đến việc duy tu, bảo dưỡng, cải tạo nhà biệt thự.

Các ý kiến phát biểu tại cuộc họp đã nêu ra những tồn tại, hạn chế trong công tác phòng cháy chữa cháy tại các chung cư và khu dân cư thời gian qua. Trong đó, một những tồn tại là do kết cấu của các nhà chung cư, công trình công cộng được xây dựng từ lâu, đã xuống cấp và không bảo đảm những yêu cầu về chịu lực cũng như giới hạn chịu lửa theo quy định hiện hành; khi có cháy, nổ xảy ra sẽ ảnh hưởng lớn tới khả năng chịu lực dẫn đến sập đổ kết cấu công trình. Mặt khác, tại nhiều khu dân cư cũ hiện nay, tình trạng các hộ gia đình vừa sử dụng nhà để ở, vừa kết hợp với sản xuất, kinh doanh những mặt hàng dễ cháy, nổ gây ra những nguy cơ tiềm ẩn trong công tác phòng cháy, chữa cháy.

Bên cạnh đó, tình trạng vi phạm các quy định đầu tư xây dựng, đặc biệt là một phận chủ đầu tư không tiến hành trình cơ quan cảnh sát phòng cháy, chữa cháy thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy chữa cháy theo quy định…

Rà soát lại các chung cư, khu dân cư không đảm bảo phòng cháy chữa cháy

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, công tác phòng cháy chữa cháy và bảo đảm an toàn chịu lực đối với công trình xây dựng trong thời gian vừa qua luôn được Chính phủ quan tâm và đã ban hành tương đối đầy đủ các văn bản quy phạm pháp, quy chuẩn liên quan đến công tác này. Tuy vậy, quá trình thực hiện vẫn còn hạn chế rất lớn như hạn chế về công tác quy hoạch đối với các khu chung cư, nhà riêng lẻ; các điều kiện quy chuẩn, tiêu chuẩn đã có nhưng công tác quy hoạch (bao gồm cả quy hoạch mới và cũ) vẫn chưa đáp ứng được điều kiện về bảo đảm phòng cháy chữa cháy hoặc thoát nạn khi xảy ra cháy. Các điều kiện về thiết kế cũng chưa bảo đảm theo đúng các quy chuẩn đề ra.

Đồng tình với những hạn chế về công tác phòng cháy chữa cháy và bảo đảm an toàn chịu lực đối với công trình xây dựng đã nêu trong Báo cáo của Bộ Công an, Bộ Xây dựng, Phó Thủ tướng chỉ rõ vấn đề công tác quản lý xây dựng, đầu tư xây dựng là hạn chế lớn nhất. Vì, chủ đầu tư còn chưa tuân thủ các quy chuẩn về phòng cháy chữa cháy, kể cả quá trình cấp phép xây dựng cũng như kiểm tra công trình. Vấn đề này chưa được xử lý nghiêm và các chế tài còn yếu.

Bên cạnh đó, nhận thức của xã hội về công tác phòng cháy, chữa cháy vẫn chưa cao, còn coi thường, đặc biệt là chủ đầu tư và khách hàng sử dụng. Mặt khác, đó là công tác quản lý, trong đó có rất nhiều công trình không đáp ứng yêu cầu (giấy phép, sổ đỏ, không có nước, hệ thống điện điện chưa hoàn chỉnh, chữa cháy không đảm bảo…), nhưng vẫn đi vào hoạt động. Tình trạng các khu dân cư cơi nới thêm nhưng không thực hiện việc phòng cháy, chữa cháy.

Ngoài ra, quá trình điều quản lý điều hành nhà chung cư, trách nhiệm của chủ đầu tư còn rất kém và số lượng nhà chung cư thực hiện phương án phòng cháy chữa cháy hay diễn tập công tác này cho người dân sống ở đó rất ít. Hệ thống giao thông chưa đảm bảo phục vụ cho công tác chữa cháy vẫn còn hạn chế. Nguồn nước phục vụ công tác chữa cháy còn có những bất cập, chưa đồng bộ với quy hoạch phát triển các khu dân cư hiện nay…

Trước tình trạng đó, thời gian tới, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đề nghị Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các đơn vị liên quan sớm xây dựng một văn bản (có thể là chỉ thị) chỉ đạo về công tác phòng cháy chữa cháy và bảo đảm an toàn chịu lực đối với công trình xây dựng, để trình Chính phủ. Trong đó, nội dung văn bản cần tập trung vào việc chỉ đạo ủy ban nhân dân các địa phương rà soát lại quy hoạch đối với tất cả các chung cư, khu dân cư, nhà cao tầng, nhà riêng lẻ, không đảm bảo phòng cháy chữa cháy, để có giải pháp và kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định; yêu cầu các chủ đầu tư tổ chức khắc phục dứt điểm các tồn tại, vi phạm trong công tác phòng cháy chữa cháy tại khu dân cư, chung cư, nhà cao tầng hiện nay; quy định việc rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để bảo đảm tính thống nhất với các văn bản quy pháp luật về phòng cháy, chữa cháy.

Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Công an xây dựng Thông tư liên tịch quy định về công tác quản lý đầu tư xây dựng nhằm bảo đảm việc quy định rõ trình tự, thủ tục thực hiện việc thẩm định, phê duyệt dự án, cấp phép đầu tư giữa cơ qua quản lý về xây dựng và cơ quan cảnh sát phòng cháy, chữa cháy.

Bộ Công an chủ trì, phối với các địa phương thực hiện công tác tuyên truyền và diễn tập phòng cháy, chữa cháy hằng năm; đồng thời quy định rõ trách nhiệm thuộc về ai nếu không tổ chức diễn tập. Ủy ban nhân dân các địa phương cần chủ động rà soát, phân loại và xử lý các chung cư, nhà biệt thự, nhà dân đơn lẻ, không đảm bảo yêu cầu về chịu lực, trong đó trách nhiệm chính thuộc chủ đầu tư; đồng thời thiết kế sự tham gia quản lý của nhà nước, từ việc cảnh báo, nhắc nhở, đến việc cưỡng chế phải rõ ràng và thời gian cụ thể…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục