Phó Thủ tướng thị sát công tác phòng, chống bão Haiyan

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã thị sát tại Đồ Sơn, Hải Phòng - nơi được xác định là vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão Haiyan.

Vào lúc hơn 23 giờ ngày 10/11, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã dẫn đầu đoàn công tác của Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương đến thị sát tại quận Đồ Sơn - nơi được xác định là vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão Haiyan (cơn bão số 14), chỉ đạo công tác phòng chống lụt bão tại thành phố Hải Phòng.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá cao sự chuẩn bị và tinh thần phòng, chống cơn bão số 14 rất khẩn trương, quyết liệt của Hải Phòng, đặc biệt là công tác neo đậu tàu, thuyền và di dời ngư dân về nơi tránh bão an toàn.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh thành phố cần rà soát kỹ công tác phòng chống cơn bão số 14, bảo đảm an toàn về người và tài sản cho nhân dân. Địa phương cần cố gắng động viên bà con ở lại những nơi an toàn, tránh chủ quan. Các lực lượng vũ trang phải giữ tinh thần sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng ứng cứu kịp thời với bão. Đặc biệt, ngành điện lực, viễn thông... trực lãnh đạo để có những ứng phó hiệu quả nhất, chú trọng đến các cột ăngten, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt.

Thành phố thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương là cần phải sơ tán bà con đang sống tại các căn nhà cấp 4 và cấp 3 đến nơi an toàn. Lo ngại thiệt hại sẽ rất lớn nếu bão vẫn giữ mức cấp gió lớn như hiện nay, Phó Thủ tướng yêu cầu các lực lượng nâng cao tinh thần ứng cứu theo phương châm "4 tại chỗ" nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bão gây ra.

Theo báo cáo của Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn thành phố Hải Phòng, đến 20 giờ ngày 10/11, không còn phương tiện hoạt động trên biển. Thành phố đã thông tin cho hơn 4.100 phương tiện với hơn 12.000 lao động chủ động về nơi trú tránh. Các địa phương trên địa bàn thành phố đã sơ tán hơn 8.000 hộ với hơn 23.000 người đến nơi tránh bão an toàn.

Cũng theo báo cáo, vào hồi 8 giờ, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn thành phố nhận được thông tin tàu FU Cheng 22, tải trọng 900 tấn, quốc tịch Trung Quốc đang trên đường về cảng Hải Phòng bị sự cố hỏng máy chính.

Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải KVI đã liên lạc và hướng dẫn tàu vận tải đang hành trình gần tàu bị sự cố, tiếp cận và xử lý sự cố.

Cùng với đó, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn thành phố tìm mọi biện pháp có thể đưa tàu cứu hộ đặc chủng khẩn trương tiếp cận cứu hộ thuyền viên trên tàu.

Theo ghi nhận của phóng viên, đến 23 giờ ngày 10/11, tại quận Đồ Sơn đã có gió giật mạnh, nước biển dâng cao, sóng lớn. Tại huyện đảo Bạch Long Vĩ, Hải Phòng, đã có gió mạnh cấp 7, cấp 8, nước biển đang dâng. Huyện đảo đã di dời toàn bộ số dân ở khu vực được xác định là nguy hiểm về nơi tránh bão an toàn. Hơn 200 tàu, thuyền đánh bắt thủy sản dạng nhỏ của ngư dân đã được kéo lên bờ chằng chống cẩn thận. Lực lượng tại chỗ đangtập trung kéo số tàu còn lại neo đậu trong âu lên bờ chằng chống, đảm bảo an toàn khi bão đến.

Cùng ngày, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng Đỗ Trung Thoại dẫn đầu đoàn công tác của thành phố kiểm tra công tác phòng chống bão Haiyan tại huyện Cát Hải. Huyện đã và đang triển khai thực hiện phương án 4 tại chỗ, thường trực 24/24 giờ, chuẩn bị vật tư phương tiện, chủ động xử lý các đoạn đê, kè, cống xung yếu khi có tình huống xấu xảy ra.

Huyện huy động 874 người, trên 18.000 bao tải, cọc tre, 5.150 chiếc mai, cuốc, xẻng, 2.540m3 đá hộc, 1.030 chiếc rọ thép, 24 xe ôtô; 17 tàu, thuyền các loại, 59 xe cải tiến, tham gia phòng, chống bão. Huyện còn chuẩn bị 9 tấn gạo, 400 thùng mỳ tôm, 100 bình nước lọc phục vụ nhân dân vùng sơ tán.

Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 14, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng Dương Anh Điền cũng đã chủ trì cuộc họp khẩn về công tác phòng, chống bão. Thành phố dừng tất cả các cuộc họp để tập trung chống bão.

Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn thành phố chỉ đạo các ngành, địa phương theo dõi, kiểm đếm, thông báo và hướng dẫn tàu, thuyền đang hoạt động trên biển di chuyển về nơi trú tránh; quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu, thuyền, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; chủ động biện pháp phòng, chống úng lụt và bảo vệ hoa màu vụ Đông; duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn sẵn sàng ứng cứu sự cố./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục