Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Tập trung khắc phục hậu quả bão số 5

Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành và địa phương tập trung hỗ trợ nhân dân sửa chữa nhà cửa, điện, đường, trường học, các cơ sở y tế, các công trình đê, kè bị ảnh hưởng, hư hỏng.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Tập trung khắc phục hậu quả bão số 5 ảnh 1Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Sáng 31/10, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai họp trực tuyến với bốn tỉnh Phú Yên, Quảng Ngãi, Bình Định và Khánh Hòa về việc ứng phó với bão số 5 và hoàn lưu sau bão.

Chủ trì hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban quốc gia ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Trịnh Đình Dũng biểu dương nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong việc tích cực thực hiện nghiêm Công điện số 16 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai về ứng phó với bão số 5, đặc biệt là công tác dự báo, cảnh báo kịp thời, sát thực tế của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nên tới thời điểm này, không có người tử vong.

Tuy nhiên, dù có sự chỉ đạo cụ thể, chi tiết trong Công điện, văn bản và tin nhắn trực tiếp của lãnh đạo Ban Chỉ đạo, các tỉnh, thành phố nhưng vẫn xảy ra thiệt hại trong các khu neo đậu tàu thuyền tại cảng Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Các địa phương cần rút kinh nghiệm, không được chủ quan, bị động, bất ngờ trong công tác phòng chống, ứng phó với thiên tai.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, thời gian tới có thể còn xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm, các tỉnh cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến và có sự ứng phó kịp thời khi thiên tai xảy ra.

Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành và địa phương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ thực hiện tốt công tác phối hợp, giúp đỡ, hướng dẫn việc khắc phục hậu quả của bão số 5 và hoàn lưu sau bão, trong đó tập trung hỗ trợ nhân dân sửa chữa nhà cửa, điện, đường, trường học, các cơ sở y tế, các công trình đê, kè bị ảnh hưởng, hư hỏng. Theo dõi chặt chẽ mực nước các hồ chứa thủy lợi, thủy điện, đặc biệt chú ý các hồ nhỏ.

[Bão số 5: Bình Định có 2 người bị thương, 144 căn nhà sập hoàn toàn]

Bên cạnh đó, theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, hoàn lưu sau bão gây mưa lớn, do vậy cần tiếp tục thực hiện tốt công tác di dời dân tại các khu vực nguy hiểm có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Ủy ban quốc gia ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn bố trí lực lượng, phương tiện tại các điểm xung yếu để có sự phối hợp, hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn kịp thời. Thực hiện tốt công tác ứng phó với thiên tai theo phương châm tại chỗ (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ, chỉ huy tại chỗ).

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Tập trung khắc phục hậu quả bão số 5 ảnh 2Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm báo cáo tình hình mưa lũ sau bão. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng cho biết bão số 5 đã làm 144 nhà bị sập, hơn 2.000m kè biển bị hỏng làm 13 nhà bị cuốn trôi; hàng nghìn cây xanh bị đổ; 7 tàu vận tải/70 thuyền viên tại cảng Quy Nhơn bị trôi (tính đến 2 giờ 30 ngày 31/10 còn một tàu bị mắc cạn, một tàu thả trôi và hiện vẫn giữ liên lạc, năm tàu đã khắc phục đảm bảo an toàn); 70 tàu cá (tàu gỗ) loại vừa và nhỏ neo đậu tại cảng cá Quy Nhơn bị đứt neo, bị dồn xô, va đập, trong đó có 1 tàu/3 người đã được cảng vụ cứu hộ an toàn về người. Ước thiệt hại khoảng 400 tỷ đồng.

Đối với công tác chỉ đạo ứng phó bão số 5, tỉnh Bình Định tổ chức họp từ ngày 29/10, đồng thời phân công, tổ chức các đoàn công tác xuống các địa phương để kiểm tra, phối hợp phòng chống bão số 5. Ngay sau thiệt hại do bão, địa phương đã bố trí lực lượng và phương tiện để khắc phục.

Theo ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Yên, bão số 5 đã làm 20 thuyền (công suất dưới 20 CV), 14 nhà bị sập hoàn toàn, 18 nhà bị thiệt hại từ 30-50%, 2.000m3 đất đá bị sạt lở, 72 xã bị mất điện (đã khắc phục được 11 xã). Hiện tại, tỉnh đã và đang chỉ đạo các đơn vị liên quan và địa phương khắc phục hậu quả cơn bão.

Tiến sỹ Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết sáng 31/10, áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão số 5 tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Tập trung khắc phục hậu quả bão số 5 ảnh 3Đại diện Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn phát biểu. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Ngày 31/10, mực nước trên các sông từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam, Kon Tum sẽ tiếp tục lên. Trong đợt lũ này, mực nước đỉnh lũ trên các sông có khả năng lên mức báo động 1-báo động 2, có sông trên báo động 2.

Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất vùng núi tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Phú Yên và khu vực Tây Nguyên và nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu diện rộng tại các vùng trũng thấp, vùng ven sông, khu đô thị tại các tỉnh từ Thừa Thiên-Huế đến Phú Yên.

Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, bão số 5 đã làm hai người bị thương (Quảng Ngãi). Nhiều địa phương thuộc Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên bị sự cố và mất điện, trong đó một đường dây 220KV và chín đường dây 110KV (đã khắc phục xong sự cố 220KV và ba đường dây 110KV); 900.000 hộ bị mất điện (đã khôi phục 150.000 hộ).

Theo đại diện Ủy ban quốc gia ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, tổng số tàu thuyền được kiểm đếm, hướng dẫn là 56.715 phương tiện/278.407 người biết diễn biến, hướng di chuyển của bão để chủ động di chuyển về bờ hoặc thoát khỏi khu vực nguy hiểm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục