Ngày 15/7, họp cho ý kiến về phương án cơ cấu lại hai dự án yếu kém ngành Công Thương là dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP-2 Lào Cai và dự án khai thác, tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa, Nhà máy gang thép Lào Cai (dự án VTM), Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương, bày tỏ sốt ruột khi các dự án này không "chạy việc," trong khi thời điểm báo cáo Bộ Chính trị đang đến gần (tháng 10/2022).
Hai dự án này trước đây đã có phương án xử lý nhưng chưa có sự thống nhất, tình hình hiện nay có thay đổi và hoạt động sản xuất kinh doanh của các dự án cũng chưa hiệu quả nên cần phải xem xét lại.
Chưa thống nhất phương án tái cơ cấu dự án khai thác, tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa, Nhà máy gang thép Lào Cai
Liên quan đến dự án khai thác, tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa, Nhà máy gang thép Lào Cai (dự án VTM), theo ông Hồ Sỹ Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, 6 tháng đầu năm, tình hình sản xuất, kinh doanh của dự án gặp nhiều khó khăn, lỗ 115,58 tỷ đồng, đã dừng sản xuất từ ngày 14/5/2022.
Dự kiến khôi phục sản xuất trở lại từ ngày 1/8 tới, ước 5 tháng cuối năm lỗ 11,5 tỷ đồng. Trường hợp không thể khôi phục lại sản xuất, dự kiến cả năm 2022 lỗ khoảng 430,58 tỷ đồng.
Tổng Công ty Thép Việt Nam đã nhiều lần họp với các đối tác trong liên doanh để thống nhất các nội dung liên quan đến việc xây dựng và hoàn thiện Đề án tái cơ cấu VTM nhưng đến nay vẫn chưa thông qua được, do quan điểm về việc xin khai thác quặng sắt khác nhau.
Tổng Công ty này đề xuất 3 phương án xử lý: Một là, Tổng Công ty mua lại phần vốn góp của đối tác liên doanh Trung Quốc (Công ty trách nhiệm hữu hạn Khống chế cổ phần gang thép Côn Minh - KISC); hai là Tổng Công ty chuyển nhượng phần vốn góp cho các bên liên doanh; ba là Công ty VTM buộc phải dừng hoạt động hoặc phá sản.
Đại diện Tổng Công ty Thép Việt Nam cho biết, khó khăn nhất là vấn đề xác định sản lượng khai thác của mỏ Quý Xa sau khi được gia hạn thời gian khai thác. Tổng Công ty đề xuất phương án khai thác từ 800.000-1 triệu tấn/năm để phù hợp với sản lượng luyện kim của Nhà máy, không dùng để bán dưới mọi hình thức.
Tuy nhiên, Công ty khoáng sản Lào Cai (Lamico) và phía đối tác Trung Quốc đề nghị khai thác với công suất 3 triệu tấn/năm, trong đó 1 triệu tấn phục vụ sản xuất của nhà máy, 2 triệu tấn tiêu thụ trên thị trường trong nước.
Sau khi cân đối các phương án, Tổng Công ty nhận thấy, so với việc dừng hoạt động thì việc dự án tiếp tục hoạt động trong điều kiện thị trường hiện nay sẽ có nhiều ưu việt hơn, mặc dù có thể lỗ, nhưng thấp hơn trước.
Hiện các bên đang nỗ lực để tái hoạt động nhà máy. Để thực hiện điều này, Tổng Công ty đã cam kết hỗ trợ mua 10 nghìn tấn than coke, cho công ty tạm ứng tiền mua phôi để trả lương cho cán bộ, công nhân viên (hiện nhà máy nợ lương người lao động 4 tháng), đưa nhà máy trở lại hoạt động từ ngày 1/8. Mong muốn của Tổng Công ty là để dự án tiếp tục hoạt động và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, bất đồng để chính thức thông qua đề án.
Tuy nhiên, vị đại diện này cũng nhấn mạnh, việc bán quặng phục vụ cho kinh doanh không bù đắp được chi phí sản xuất của Công ty. Các ý kiến chỉ đạo của Ban Chỉ đạo đều nêu rõ phải tái cơ cấu dự án trên cơ sở không bán quặng.
Đại diện phía đối tác KISC-Trung Quốc, ông Diêu Đức Minh, Phó Tổng Giám đốc VTM Công ty Việt Trung cho biết, công nghệ của Nhà máy là phù hợp, thiết bị hoạt động ổn định, nhưng dự án luôn trong tình trạng kinh doanh thua lỗ, kém hiệu quả.
Ông đề nghị Chính phủ chấp thuận cho các bên liên doanh VTM luân phiên quản lý và vận hành dự án; trong thời gian quản lý, vận hành, tự giải quyết việc thiếu hụt vốn lưu động, trả lương đúng hạn cho người lao động, không nợ ngân sách, đồng thời đề nghị nhanh chóng xây dựng dự án để nâng công suất nhà máy thép Lào Cai lên 2 triệu tấn phôi/năm.
Về Đề án tái cơ cấu của VTM, ông Diêu Đức Minh đề nghị xây dựng đề án tái cơ cấu theo quy định giấy chứng nhận đầu tư đã được cấp. Về giấy phép khai thác mỏ quặng sắt Quý Xa, ông đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành xem xét gia hạn hoặc cấp lại cho dự án. Trường hợp Việt Nam không đồng ý giao phía đối tác liên doanh toàn quyền vận hành dự án thì đối tác này cũng đồng ý chuyển nhượng phần vốn góp để tạo điều kiện cho VTM phát triển.
Trước ý kiến của phía đối tác, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Khoáng sản Lào Cai Phạm Văn Khâm khẳng định sẵn sàng tiếp nhận phần vốn thoái của đối tác Trung Quốc. VTM nếu cứ hoạt động trong tình trạng này thì bộ máy quá cồng kềnh, không hiệu quả, không phù hợp.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, doanh nghiệp cổ phần phải hoạt động theo luật, Chính phủ chỉ hỗ trợ phần nào. Trong các phương án xử lý đặt ra, nếu thực hiện được phương án 1, tức Tổng Công ty Thép Việt Nam mua lại phần vốn góp của đối tác liên doanh Trung Quốc là tốt nhất, nếu không được thì dự án phải dừng hoạt động. Ông đề nghị có phương án xử lý cụ thể hơn.
[Phải khai thác hiệu quả nhất các nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước]
Bày tỏ không hài lòng với việc xử lý dự án, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, các bên cần trả lời câu hỏi "có tiếp tục để dự án tồn tại hay không?"
Nhà máy đầu tư không đúng tiến độ dây chuyền, thời hạn cho phép khai thác đã hết, nên việc cho phép khai thác tiếp hay không, hạn mức bao nhiêu là quyền của cơ quan quản lý nhà nước.
Nêu một số vấn đề cần quan tâm, Phó Thủ tướng lưu ý các bên liên doanh đánh giá tình hình, căn cứ vào khả năng để huy động được nguồn lực hợp lý, hợp pháp, đưa liên doanh vào hoạt động sớm nhất để giải quyết việc làm cho người lao động. Về phía Việt Nam, đại diện chủ sở hữu Nhà nước căn cứ quy định pháp luật, tình hình tài chính, nguồn lực, mục tiêu sắp tới và khả năng trong đề án để tham gia trên tinh thần tích cực.
Về lâu dài, các bên liên quan sớm bàn bạc thống nhất trình phương án cơ cấu. Nếu thực hiện phương án tiếp tục duy trì hoạt động dự án thì phải đảm bảo hoạt động có hiệu quả và thực hiện theo quy định pháp luật của Việt Nam về khai thác khoáng sản, quản lý đầu tư kinh doanh. Nếu không đạt mục tiêu này, cần có phương án khác xử lý dứt điểm, càng để lâu, càng mất vốn.
Về phía Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, phải tập trung phối hợp với các bên sớm xây dựng đề án để trình Bộ Chính trị vào tháng 10 tới, nếu không kịp, Ủy ban phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, trước Bộ Chính trị.
Tái cơ cấu nợ vay đầu tư với dự án DAP-2
Đối với dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất phân bón DAP-2 Lào Cai, báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho thấy, 6 tháng đầu năm, nhà máy đạt doanh thu 1.521 tỷ đồng, lợi nhuận 75 tỷ đồng, trả nợ các ngân hàng được 130 tỷ đồng. Phía Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam đề xuất 4 phương án xử lý, tái cơ cấu.
Phương án 1 là tái cơ cấu nợ vay đầu tư của Ngân hàng Phát triển Việt Nam và ngân hàng thương mại. Phương án 2, đấu giá cổ phần của Tập đoàn tại Công ty. Phương án 3, bổ sung vốn điều lệ cho Công ty cổ phần DAP-2 thông qua việc chuyển vốn vay của Ngân hàng Phát triển Việt Nam thành vốn góp và phương án 4 là phá sản doanh nghiệp.
Tại cuộc họp, nhiều ý kiến từ phía các Bộ Tài chính, Công Thương và đơn vị tài trợ đồng tình với việc lựa chọn phương án tái cơ cấu dự án, nhưng cần phải gia cố, rà lại, phân tích sâu thêm phương án này để đủ cơ sở, trình cấp có thẩm quyền quyết định, trên cơ sở đảm bảo ngân sách không phát sinh, hài hòa lợi ích hai bên: Doanh nghiệp và ngân hàng.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho rằng, dự án chưa có nhiều bước tiến, vẫn là đề xuất trong các tình huống và phương án khác nhau. Bộ Tài chính làm việc với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, nêu rõ quan điểm là ủng hộ phương án tái cơ cấu, nhất là trong điều kiện thị trường có nhiều yếu tố thuận lợi cho sản xuất, nếu các bên tham gia vào quá trình tái cơ cấu cùng quyết tâm trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chọn phương án tốt nhất và thống nhất các vấn đề thuộc thẩm quyền xoay quanh phương án.
Trong các phương án đưa ra, thì phương án tái cơ cấu (phương án 1) nếu nhận được sự đồng thuận của các ngân hàng, nhà tài trợ chính thì sẽ khả thi. Để tái cơ cấu được, phải vận hành dự án một cách hiệu quả, phục hồi và phát triển sản xuất, thu được tiền trả cho các ngân hàng, nhà tài trợ.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhìn nhận, dự án DAP-2 Lào Cai là dự án trọng điểm, cần được quan tâm hỗ trợ, khắc phục các khó khăn hiện nay. Các cơ quan, bộ, ngành đều có thiện chí hỗ trợ dự án, cần dựa vào điều kiện thực tế và quy định hiện hành để có giải pháp xử lý phù hợp. Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phải làm việc cụ thể với nhà tài trợ, đưa ra phương án tháo gỡ.
Phân tích 4 phương án xử lý đối với dự án này, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái thẳng thắn: "Cả 4 phương án chưa có đề xuất chặt chẽ, phần thỏa thuận chưa rõ, chứng tỏ các điều kiện đưa ra chưa đủ tính khả thi. Cần nghiên cứu tiếp thu ý kiến để hoàn thiện đề án với các nội dung phù hợp, bỏ bớt phương án."
Thống nhất tinh thần thực hiện phương án 1 là tái cơ cấu nợ vay đầu tư của Ngân hàng Phát triển Việt Nam và ngân hàng thương mại, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, giải pháp đưa ra phải thống nhất với các ngân hàng.
Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tăng cường trách nhiệm, chủ động báo cáo, cố gắng xử lý xong theo quy định./.