Vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng và đau lòng tại chung cư Carina Plaza, Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh khiến dư luận băn khoăn về công tác đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy hiện nay tại các tòa chung cư.
Vụ việc một lần nữa là lời nhắc nhở từ các cơ quan quản lý Nhà nước đến từng người dân cần tránh tâm lý "mất bò mới lo làm chuồng."
Hiểm họa cháy nổ chung cư
Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, trong 3 tháng đầu năm 2018, địa bàn thành phố xảy ra 120 vụ cháy, làm chết 15 người (so với cùng kỳ 2017 tăng 8 người) và hơn 100 người bị thương.
Trước đó, tại một số chung cư trên địa bàn thành phố cũng đã xảy ra cháy như chung cư Rubyland (quận Tân Phú) cháy kho hàng hoặc chung cư chưa được thẩm duyệt phương án đảm bảo phòng cháy chữa cháy nhưng vẫn cho dân vào ở như chung cư Nguyễn Quyền (quận Bình Tân), chung cư I-Home (quận Gò Vấp), chung cư Viên ngọc Phương Nam (Quận 8)…
Theo thống kê chưa đầy đủ của Sở Xây dựng thành phố, trên địa bàn có hơn 930 chung cư với quy mô trên 140.000 căn. Các địa bàn có nhiều chung cư tập trung đông dân như các quận 1, 2, 5, 7, 10, Bình Thạnh, Gò Vấp, Thủ Đức, huyện Bình Chánh, Nhà Bè.
Chưa kể trong năm 2017, Sở Xây dựng đã trình Ủy ban Nhân dân thành phố chấp thuận đầu tư 79 dự án nhà ở thương mại với quy mô khoảng 37.000 căn chung cư và hơn 6.600 nhà ở riêng lẻ. Do đó, vấn đề đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy tại các tòa chung cư luôn là vấn đề rất hệ trọng, cần được tuân thủ nghiêm ngặt.
Trung tá Huỳnh Quang Tuyến, Phó Trưởng Phòng Tham mưu, Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết theo quy định hiện hành, mỗi năm cơ quan Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy chỉ được phép kiểm tra chung cư, nhà cao tầng 4 lần, kiểm tra doanh nghiệp 1 lần. Còn lại trách nhiệm thuộc về Ban Quản lý, quản trị chung cư phải tự kiểm tra thường xuyên. Thậm chí, khi muốn kiểm tra đột xuất, Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy phải căn cứ vào những quy định cụ thể như phản ánh của người dân và phải thông báo trước ít nhất ba ngày, dẫn tới có một số trường hợp tìm cách đối phó trước.
Trong khi đó, mức xử phạt hành chính cao nhất đối với vi phạm trong công tác đảm bảo phòng cháy chữa cháy cũng chỉ 80 triệu đồng. Mức xử phạt này không đủ răn đe.
[Từ vụ cháy kinh hoàng chung cư Carina Plaza đến nỗi lo hỏa hoạn]
Nhận định về trách nhiệm các chủ đầu tư dự án chung cư, Trung tá Huỳnh Quang Tuyến cho rằng một số chủ đầu tư bàn giao nhà cho người dân sử dụng khi chưa được nghiệm thu phương án phòng cháy chữa cháy, chưa hoàn công xây dựng, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao, có thể gây ra hậu quả cực kỳ nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, có chủ đầu tư, vì muốn tiết giảm chi phí nên đã sử dụng các thiết bị phòng cháy chữa cháy tại chỗ (đầu báo cháy, thiết bị chữa cháy tự động, bình chữa cháy xách tay...) có chất lượng không đảm bảo, tuổi thọ thấp nên sau một thời gian sử dụng đã hư hỏng, không hoạt động. Đó là chưa kể tình trạng báo cháy giả liên tục ở các chung cư khiến Ban Quản lý, người dân dần có tâm lý chủ quan, thậm chí tắt luôn hệ thống báo cháy nên khi thật sự xảy ra cháy sẽ gây những hậu quả khôn lường.
Phòng cháy hơn chữa cháy
Sau vụ cháy tầng hầm chung cư Carina Plaza, nhiều quận tại Thành phố Hồ Chí Minh đã tăng cường kiểm tra cũng như diễn tập phòng cháy chữa cháy như ở các chung cư Quận 4, Quận 1, quận Bình Tân.
Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy phải rà soát lại quy trình và báo cáo về thực trạng phòng cháy chữa cháy ở chung cư, đồng thời tăng cường diễn tập, tuyên truyền hướng dẫn người dân thoát nạn.
Là quận tập trung nhiều dân cư lao động, có nhiều chung cư, chợ, trung tâm thương mại, cơ sở sản xuất có nhu cầu cao về điện, khí đốt, các chất dễ cháy, quận Gò Vấp đã chủ động ban hành và thực hiện thường xuyên các kế hoạch kiểm tra công tác đảm bảo phòng cháy chữa cháy. Vì thế tình hình đảm bảo an toàn cháy nổ trên địa bàn được giữ vững, chưa xảy ra cháy nghiêm trọng.
Ông Lê Hoàng Hà, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Gò Vấp, cho biết trong tổng số 13 chung cư có 10 tầng trở lên trên địa bàn, lực lượng chức năng của quận đã nghiệm thu cả 13 chung cư và tổ chức thực tập nhiều phương án phòng cháy chữa cháy.
Riêng trong năm 2017, quận đã hoàn tất các đợt kiểm tra phòng cháy chữa cháy tại 34 cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường, quán bar, 16 chợ, siêu thị, trung tâm thương mại và 52 cơ sở thu mua phế liệu.
Kể từ ngày 2/4 đến 4/5, Ủy ban Nhân dân quận sẽ kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy tại 22 chung cư trên địa bàn quận trên tinh thần kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nếu có.
Nhắc lại câu chuyện đau lòng tại chung cư Carina Plaza, anh Nguyễn Viết Hữu, cư dân mới đến cư ngụ tại một chung cư trên đường Âu Cơ (quận Tân Phú), cho biết gia đình đã chủ động đi mua sắm các thiết bị phòng cháy chữa cháy tại chỗ như mặt nạ chống độc, bình chữa cháy…
Trong khi chờ chủ đầu tư chung cư tổ chức diễn tập phòng cháy chữa cháy, anh Nguyễn Viết Hữu cùng người thân đã chủ động tìm hiểu các kiến thức và kỹ năng xử lý thoát nạn, cứu hộ khi xảy ra cháy nổ.
Nói về giải đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, theo Trung tá Huỳnh Quang Tuyến, cơ quan quản lý Nhà nước cần phải xử lý mạnh những chủ đầu tư thiếu trách nhiệm, không chấp hành nghiêm túc quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy.
Trung tá Tuyến nhấn mạnh cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức, kỹ năng về phòng cháy chữa cháy, thoát nạn, cứu hộ người đến người dân.
Người dân cần chủ động phát hiện, tố giác những hành vi vi phạm, thiếu sót dễ dẫn đến nguy cơ cháy nổ, đồng thời không sử dụng những công trình chưa đảm bảo điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy.
Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy thành phố khuyến cáo, hướng dẫn người dân các phương án cứu hộ, thoát nạn khi xảy ra sự cố cháy nổ như tự trang bị dụng cụ trữ nước, khăn mềm, bình chữa cháy, dụng cụ phá dỡ như búa, kiềm cắt sắt… để tạo lối thoát nạn. Đối với nhà tầng nên trang bị thang dây thoát hiểm sự cố.
Đặc biệt, khi xảy ra cháy phải tìm mọi cách báo cháy nhanh nhất cho mọi người xung quanh biết, gọi điện thoại cho Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy hoặc đội dân phòng, chính quyền, công an xã, phường gần nhất./.