Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm trong nước và trên thế giới, đặc biệt là nguy cơ xâm nhập của chủng virus cúm A/H7N9 và các chủng virus cúm gia cầm nguy hiểm khác, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch cúm gia cầm vừa ban hành Chỉ thị Số 1257/CT- BNN-TY yêu cầu các ban ngành và địa phương tập trung phòng chống dịch cúm gia cầm và các chủng virus cúm gia cầm lây sang người.
Theo nội dung Chỉ thị, Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo ủy ban nhân các cấp và các ban, ngành liên quan cần tổ chức kiểm tra, giám sát tình hình dịch cúm gia cầm trên địa bàn. Đặc biệt là khu vực giáp biên giới, địa bàn có các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, khu vực có nguy cơ cao nhằm phát hiện và xử lý ngay ổ dịch cúm khi còn ở diện hẹp, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ đạo các cơ quan liên quan hướng dẫn các địa phương tổ chức triển khai thực hiện "Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với các chủng virus cúm nguy hiểm có khả năng lây sang người" để làm cơ sở triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch có hiệu quả đồng thời tổ chức thực hiện các nội dung đã được phân công tại Kế hoạch này.
Bên cạnh đó, Cục Thú y cần tiếp tục tăng cường giám sát dịch bệnh, lấy mẫu xét nghiệm vi rút cúm A/H7N9 và các chủng virus cúm khác đồng thời triển khai các nghiên cứu dịch tễ, xây dựng bản đồ dịch tễ lưu hành các chủng virus cúm; thành lập các đoàn kiểm tra, đôn đốc các địa phương trong công tác phòng, chống virus cúm A/H7N9 xâm nhập, tập trung vào các địa bàn có nguy cơ cao ở khu vực phía Bắc.
Đối với Cục Chăn nuôi và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Bộ yêu cầu tiếp tục chỉ đạo hướng dẫn, đôn đốc các địa phương, tuyên truyền cho người chăn nuôi, buôn bán gia cầm thực hiện tốt công tác vệ sinh, khử trùng tiêu độc, phổ biến các mô hình chăn nuôi an toàn dịch bệnh, nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm và phát tán virus cúm gia cầm.
Ngoài ra, các ban, ngành liên quan cần phối hợp tích cực đấu tranh, ngăn chặn việc vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới đồng thời chủ động phối hợp với các cơ quan thú y trong việc xử lý tiêu hủy gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới để xử lý triệt để mầm bệnh nguy hiểm trên gia cầm./.
Theo báo cáo của các cơ quan thú y, trong năm 2014 dịch cúm gia cầm A/H5N1 đã xuất hiện tại 158 xã, phường của 93 huyện, thị xã thuộc 33 tỉnh, thành phố làm trên 212.000 con gia cầm, chủ yếu là vịt mắc bệnh.
Theo kết quả giám sát chủ động của cơ quan thú y trong năm 2014 cho thấy, có 4,13% mẫu xét nghiệm vịt khỏe mạnh có mang trùng virus cúm A/H5N1. Bên cạnh đó, chủng virus cúm mới A/H5N6 cũng xâm nhập và gây ổ dịch tại một số địa phương làm trên 5.000 con gia cầm mắc bệnh.