Phòng chống đuối nước trẻ em: Nhìn từ trách nhiệm người lớn

Để phòng chống đuối nước cho trẻ, việc đầu tiên vẫn là tuyên truyền giáo dục, để các bậc cha mẹ, những người chăm sóc trẻ nhận biết được các nguy cơ tiềm ẩn, gây nguy hại cho tính mạng của trẻ em.
Phòng chống đuối nước trẻ em: Nhìn từ trách nhiệm người lớn ảnh 1Hướng dẫn các em kỹ năng bơi lội. (Ảnh: Thanh Thủy/TTXVN)

Mỗi dịp Hè, thường là từ giữa tháng Tư hàng năm đến trước năm học mới, Việt Nam xảy ra không ít những vụ trẻ em đuối nước ở nhiều tỉnh, thành phố. Điều này trở thành nỗi trăn trở của các bậc làm cha mẹ và cả cộng đồng, xã hội.


Những con số thương tâm

Từ giữa tháng 4/2016 đến nay, nhiều vụ đuối nước thương tâm đã xảy ra khiến các bậc phụ huynh đau xót, cộng đồng bàng hoàng, lo lắng bởi nhiều em cùng đuối nước một lúc, trong đó có cả những em đã 16-17 tuổi. Điển hình là vụ chín học sinh lớp 6 tử vong khi tắm sông tại Quảng Ngãi ngày 15/4; 3 học sinh lớp 1 chết đuối dưới kênh ngày 6/5 tại Long An; 4 nữ sinh lớp 7 đuối nước tử vong ngày 4/5 tại Khánh Hòa; 3 học sinh lớp 11 tử vong khi tắm biển ngày 8/5 tại Nam Định; 5 học sinh ở Huế tử vong do đuối nước khi đi câu cá ở sông ngày 6/6...

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Bảo vệ, Chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết theo số liệu thống kê, mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 6.500-7.000 người bị chết đuối, trong đó hơn 50% là trẻ em. Con số này cao gấp 8-10 lần so với các nước đang phát triển. Nguyên nhân là do tai nạn đường thủy; sơ ý bị rơi xuống nước; trẻ em đi tắm biển, sông, hồ... không có người lớn đi cùng hoặc rơi xuống hố công trình xây dựng... Đặc biệt, đại bộ phận những người chết đuối là do không biết bơi.

Lý giải rõ hơn về nguyên nhân tử vong do đuối nước ở Việt Nam, ông Nguyễn Trọng An, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng, cho rằng Việt Nam là quốc gia biển, có hệ thống sông ngòi chằng chịt nên chỉ cần một phút sơ sảy của người lớn, trẻ em có thể tử vong do đuối nước bất cứ lúc nào.

Những năm gần đây, tỷ lệ trẻ đuối nước đã giảm hẳn, từ 3.500 trẻ bị đuối nước/năm xuống còn khoảng 1.800 trẻ vào năm 2014. Nhưng từ đầu năm đến nay, tỷ lệ trẻ tử vong do đuối nước đã gia tăng, nguyên nhân chủ yếu là do sự chủ quan, bất cẩn của gia đình, cũng như trách nhiệm của các cơ quan quản lý.

Ông Nguyễn Trọng An chia sẻ đa số các em tử vong do đuối nước đều vì gia đình không giám sát, để các em ra sông suối tắm, đi câu cá, không may sảy chân ngã xuống nước và tử vong. Bên cạnh đó, một số vụ đắm đò, đắm thuyền phần nào phản ánh sự buông lỏng của các cơ quan quản lý đường thủy. Hệ thống giao thông đường thủy chưa đảm bảo an toàn, việc chấp hành Luật giao thông đường thủy và cơ chế giám sát việc thi hành luật chưa nghiêm. Đặc biệt, nguyên nhân muôn thuở là trẻ em từ 6 tuổi trở lên chưa biết bơi và chưa được trang bị kỹ năng phòng tránh tai nạn thương tích, đuối nước.

Cần giải pháp đồng bộ

Nhằm giảm thiểu nguy cơ tử vong do đuối nước ở trẻ em, bảo đảm cho trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh, ông Đặng Hoa Nam cho biết ngay từ đầu mùa Hè (tháng Tư), Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã có công văn đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố tăng cường phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em. Trong đó, chính quyền các cấp, gia đình, trường học, Đoàn Thanh niên, Đội Thiếu niên cần tăng cường phối hợp trong việc bàn giao, quản lý học sinh, tổ chức hoạt động Hè an toàn; tăng cường tổ chức cho trẻ em học bơi và kỹ năng an toàn trong môi trường nước.

Các địa phương cũng cần rà soát các khu vực thường xảy ra tai nạn đuối nước hoặc có nguy cơ để chủ động phòng ngừa, bảo đảm an toàn cho trẻ em trong dịp nghỉ Hè, mùa mưa bão và mùa nước nổi. Cụ thể như làm rào chắn, biển cảnh báo tại hố nước, hồ ao, sông ngòi, các khu vực nước sâu, nguy hiểm... Đồng thời, tiếp tục triển khai và nhân rộng các mô hình “Ngôi nhà an toàn,” “Trường học an toàn” và “Cộng đồng an toàn” để phòng chống tai nạn, thương tích cho trẻ em.

Theo ông Nguyễn Trọng An, để phòng chống đuối nước cho trẻ, việc đầu tiên vẫn là tuyên truyền giáo dục, để các bậc cha mẹ, những người chăm sóc trẻ nhận biết được các nguy cơ tiềm ẩn, gây nguy hại cho tính mạng của trẻ em. Vấn đề này tưởng chừng đơn giản nhưng lại khá nan giải trong bối cảnh hiện nay. Vì người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa rất ít cơ hội xem, đọc. Nếu xem truyền hình, người dân thường lựa chọn các chương trình giải trí hoặc xem phim. Do vậy, để công tác tuyên truyền đạt hiệu quả, rất cần đội ngũ tuyên truyền viên tại địa phương. Họ là những người gần dân, đi sâu đi sát, thường xuyên đến từng nhà vận động người dân nâng cao cảnh giác, bảo vệ và giám sát con em mình. Song hiện nay, mạng lưới cán bộ công tác xã hội và cộng tác viên về trẻ em tại địa phương còn rất thiếu.

Về việc đảm bảo an toàn giao thông đường thủy, ông Nguyễn Trọng An cho rằng các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý kịp thời các vi phạm về an toàn đường thủy, tăng tính răn đe. Khi lưu thông bằng đường thủy, các áo phao, cục nổi cần được trang bị đầy đủ cho tất cả những người đi thuyền, đi đò. Việc cấp phép cho các thuyền, đò chở khách cần phải được kiểm định cẩn thận để tránh những vụ đắm thuyền, đắm đò gây “chết chùm” như thời gian qua.

Đối với việc dạy bơi cho trẻ em, quan trọng nhất vẫn là từ nhà trường, tiếp đến là cộng đồng. Cần nhân rộng các mô hình xã hội hóa về dạy bơi, học bơi; phát động các nhà hảo tâm làm bể bơi mini dạy bơi cho trẻ. Phụ huynh cũng cần tạo mọi điều kiện cho con được học bơi, học kỹ năng tồn tại dưới nước và kỹ năng cứu đuối./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục