Phòng thương mại Italy-VN nói về vụ lừa 100 container điều xuất khẩu

Phó Chủ tịch Phòng thương mại Italy-Việt Nam tại Torino cho rằng đây là vụ lừa đảo rất tinh vi và đã từng xảy ra vụ việc tương tự với doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu đồ hải sản sang Italy trước đây.
Phòng thương mại Italy-VN nói về vụ lừa 100 container điều xuất khẩu ảnh 1Ông Phạm Văn Hồng, Phó Chủ tịch phòng thương mại Italy-Việt Nam tại Torino trao đổi với phóng viên TTXVN.

Liên quan đến vụ việc các doanh nghiệp Việt Nam mất quyền kiểm soát 36 bộ chứng từ gốc trong số 100 container xuất sang Italy, trả lời phóng viên TTXVN tại Rome, ông Phạm Văn Hồng, Phó Chủ tịch Phòng thương mại Italy-Việt Nam tại Torino, cho rằng đây là vụ lừa đảo rất tinh vi và đã từng xảy ra vụ việc tương tự với doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu đồ hải sản sang Italy trước đây.

Về hình thức lừa đảo, bên mua thông qua sơ hở của phương thức thanh toán, với trường hợp này là thông qua phương thức nhờ thu trả tiền trao chứng từ (Documents against Payment D/P).

Thực tế bên bán để cho bên mua có điều kiện lừa đảo bởi khi đàm phán hợp đồng, có thể bên mua chưa nắm rõ nguồn gốc đối tác hay chưa thẩm định rõ đối tác, hoặc thông qua môi giới, và bên bán hoàn toàn thiếu thông tin đối tác. Đây có thể là nguyên nhân chính để các đối tác nước ngoài có điều kiện lừa đảo.

Áp với vụ việc, bên xuất khẩu Việt Nam cần phải nhanh chóng thực hiện thư ủy quyền cho luật sư bên Italy chuyên về xuất nhập khẩu và có thể thông qua Đại sứ quán Italy hoặc Lãnh sự Italy tại Việt Nam để xác nhận.

[Italy: Hỗ trợ giải quyết 100 container hạt điều có nguy cơ bị lừa đảo]

Khi luật sư nhận được thư ủy quyền sẽ tới cơ quan cảnh sát kinh tế của nước sở tại để trình báo về vụ lừa đảo này với các bằng chứng ngân hàng hai bên đã liên hệ với nhau.

Với việc khai báo tại cơ quan cảnh sát, ta có thể dừng việc thông quan lại. Ngoài ra, bên bán cũng cần liên hệ các công ty vận tải ngay lập tức để yêu cầu thay đổi vận đơn CCA, trước khi container tới cảng.

Từ vụ việc việc nghi lừa đảo xuất khẩu 100 container hàng sang Italy, ông Phạm Văn Hồng cho rằng quan trọng nhất các doanh nghiệp xuất khẩu tại Việt Nam phải chọn cho mình phương thức thanh toán quốc tế và lựa chọn các cán bộ ngân hàng thật sự có kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Chúng ta không vì việc cần phải xuất khẩu, rồi chấp nhận yêu cầu của bên mua mà theo hình thức thanh toán D/P như vậy là không ổn. Ít nhất bên mua phải chuyển trả trước 30%, phần còn lại 70% thanh toán bằng thư tín dụng (L/C).

Bởi với phương thức thanh toán này, hàng đến bến cảng bên mua nếu có sự cố thì bên xuất khẩu còn có thể giữ 30% này để trang trải chi phí khi muốn cho hàng quay trở về.

Ngoài ra, việc thẩm định công ty không thể thiếu, thông qua các cơ quan chuyên trách như thương vụ, các phòng thương mại tại nước sở tại để xác minh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.