Việc tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã giúp Việt Nam trở thành một trong những nhà cung cấp hàng hóa lớn trên thế giới, song các vụ việc điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại cũng có xu hướng gia tăng, gây áp lực lớn cho các doanh nghiệp.
Vì vậy, bên cạnh việc cảnh báo sớm từ các cơ quan chức năng về mặt hàng, ngành hàng có nguy cơ cao, thì việc nâng cao kiến thức, đáp ứng các tiêu chuẩn của nhà nhập khẩu là một trong những giải pháp quan trọng giúp doanh nghiệp chủ động ứng phó, giảm thiểu các thiệt hại khi xuất khẩu ra thị trường quốc tế.
Số lượng các vụ việc phòng vệ tăng nhanh
Ngày 8/3/2024, Cơ quan Dịch vụ biên giới Canada (CBSA) đã khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp chống bán giá đối với mặt hàng dây thép có xuất xứ hoặc xuất khẩu từ Việt Nam.
Tính đến nay, Canada đã khởi xướng điều tra 08 vụ việc phòng vệ thương mại đối với các mặt hàng thép xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có 05 vụ việc chống bán phá giá, 02 vụ việc chống trợ cấp và 01 vụ việc tự vệ.
Theo đó, Canada nhắm tới hầu hết các mặt hàng⁄loại hình thép xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như thép cốt bê tông, thép tấm chống ăn mòn, thép cuộn, ống thép dẫn dầu OCTG… Việc gia tăng tuyệt đối về trị giá là một trong các tiêu chí để Canada tiến hành điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với dây thép của Việt Nam.
Doanh nghiệp Việt Nam chủ động ứng phó với phòng vệ thương mại tại Mỹ
Không chỉ Canada, từ năm 2004 đến nay, đã có hơn 70 vụ việc điều tra có tác động đến thép xuất khẩu từ Việt Nam đi các nước (như biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp, chống lẩn tránh...).
Đáng chú ý, ông Phạm Công Thảo, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSteel) chia sẻ, theo quy định mới có hiệu lực từ ngày 1/7/2023 của EU, khối này sẽ tiếp tục duy trì biện pháp tự vệ với thép nhập khẩu vào EU đến 30/6/2024, do vậy Việt Nam để được miễn thuế tự vệ sẽ phải duy trì tỷ trọng xuất khẩu ở dưới mức 3% tổng kim ngạch EU nhập nhẩu đối với từng loại sản phẩm, nếu vượt hạn ngạch, mức thuế nhập khẩu phải nộp cho phần vượt là 25%.
Với ngành Nhôm, trong năm 2023 cũng có 4 vụ việc phòng vệ thương mại khiến các doanh nghiệp Việt Nam chịu rất nhiều áp lực. Ông Vũ Văn Phụ, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Nhôm Việt Nam chia sẻ, các thị trường EU và Hoa Kỳ liên tục áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Riêng năm 2023 Hoa Kỳ khởi kiện nhôm của Việt Nam và mức thuế họ đề xuất là 53,7% sẽ rất khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc giữ thị trường.
“Hiệp hội đã phổ biến cho các doanh nghiệp cần chủ động trang bị đầy đủ các kiến thức về phòng vệ thương mại và sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại như một công cụ để bảo vệ ngành hàng của mình và doanh nghiệp của mình,” ông Vũ Văn Phụ nói.
Đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc
Theo thống kê của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong 6 năm gần đây (từ 2017-2023) số lượng các vụ việc phòng vệ thương mại tăng nhanh hơn nhiều so với giai đoạn trước đó.
Số lượng vụ việc phòng vệ thương mại mà hàng hóa xuất khẩu Việt Nam phải đối mặt ở các thị trường nước ngoài chiếm tới trên 52% tổng số vụ việc phòng vệ thương mại mà Việt Nam đã đối mặt trong hơn 30 năm qua. Ước tính, số vụ việc chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại mà Việt Nam bị kiện từ năm 2017 đến nay chiếm tới gần 60% tổng số vụ kiện chống lẩn tránh mà Việt Nam đã phải đối diện từ trước đến nay.
Bà Nguyễn Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá, giai đoạn cuối năm 90, đầu những năm 2000, những mặt hàng bị kiện chủ yếu có kim ngạch xuất khẩu lớn và có thế mạnh trong xuất khẩu hoặc là mặt hàng xuất khẩu trọng điểm, như: thủy sản, giày dép, nhưng gần đây số lượng các mặt hàng và lĩnh vực của các ngành hàng bị kiện phòng vệ thương mại đã mở rộng hơn nhiều, hiện có tới gần 40 mặt hàng đã bị kiện phòng vệ thương mại, trong đó có những mặt hàng kim ngạch không quá lớn.
Thậm chí, trước đây chỉ ở những thị trường xuất khẩu trọng điểm mới bị kiện phòng vệ thương mại, nhưng đến nay thì các thị trường khác, kể cả những thị trường mới có số vụ việc phòng vệ thương mại cũng chiếm tỷ lệ rất lớn. Cụ thể, trong tổng số 235 vụ việc tính đến tháng 8/2023 thì Hoa Kỳ chiếm 23% số vụ việc, Ấn Độ chiếm 14%, Thổ Nhĩ Kỳ chiếm 10%, sau đó là Canada, EU, Philippines, Indonesia.
Mặc dù các ngành hàng như sắt, thép hay nhôm không phải là là nhóm mặt hàng xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam, nhưng theo VCCI, đây lại là nhóm mặt hàng tập trung nhiều nhất các vụ kiện phòng vệ thương mại trên thế giới, vì thế Việt Nam cũng chịu liên đới về phòng vệ thương mại.
Mặt khác, một số mặt hàng của Việt Nam đang gia tăng năng lực cạnh tranh và gây sức ép lên các ngành sản xuất nội địa ở các thị trường xuất khẩu (có thể từ việc tận dụng được những ưu đãi về mặt thuế quan thông qua các hiệp định thương mại tự do), hoặc do Việt Nam đang cải thiện năng lực, thì những mặt hàng đó cũng đứng trước nguy cơ bị kiện phòng vệ thương mại.
“Cảnh báo sớm giúp chúng ta biết nguy cơ, có sự chuẩn bị từ khi mới chỉ bắt đầu có những dấu hiệu đầu tiên, điều này sẽ giúp doanh nghiệp có thêm điều kiện, giảm thiểu được thiệt hại,” bà Trang khuyến nghị.
Bản chất của các biện pháp phòng vệ thương mại là nhằm đến các hành vi cạnh tranh không công bằng của hàng nhập khẩu, hoặc là do hàng nhập khẩu gia tăng với khối lượng đột biến không thể lường trước được. Trên cơ sở đó nước nhập khẩu sẽ áp dụng các biện pháp tương ứng.
Ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán thương mại, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho rằng, để gia tăng khả năng sản xuất và xuất khẩu bền vững, doanh nghiệp cần xem xét đầu tư nghiên cứu gia tăng hàm lượng giá trị của sản phẩm, giảm phụ thuộc cạnh tranh về giá, đồng thời chuyển sang cạnh tranh về chất lượng công nghệ, cũng như đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc đối với các nguyên liệu đầu vào cho sản xuất sản phẩm.
Trong khi đó, ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cũng lưu ý doanh nghiệp tìm hiểu và nắm được những thông tin, kiến thức cơ bản về phòng vệ thương mại để hiểu được quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp trong các vụ việc phòng vệ thương mại, như: pháp luật của nước sở tại về phòng vệ thương mại; những nguyên tắc điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại chung trên thế giới thể hiện trong các hiệp định của Tổ chức Thương mại Thế giới...
Về phía Cục phòng vệ thương mại, trên cơ sở thông tin từ hệ thống cảnh báo sớm, Cục sẽ làm việc này một cách có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những ngành hàng, những lĩnh vực có nguy cơ cao, đồng thời phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức các buổi chia sẻ kiến thức, thông tin về phòng vệ thương mại, về hệ thống cảnh báo sớm để nâng cao nhận thức cho cộng đồng doanh nghiệp, Hiệp hội ngành hàng, qua đó chủ động trong các vụ việc điều tra (nếu có)./.