Phòng vệ thương mại - 'lá chắn' giúp doanh nghiệp giảm thiểu thiệt hại

Trong số các quốc gia thường xuyên áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại với Việt Nam, Hoa Kỳ nổi lên là thị trường khó tính nhất, 30 vụ, chiếm tới 19%; tiếp đến là Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ...
Phòng vệ thương mại - 'lá chắn' giúp doanh nghiệp giảm thiểu thiệt hại ảnh 1Chế biến cá tra xuất khẩu. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

Xu thế gia tăng các biện pháp bảo hộ trong thương mại quốc tế, tình trạng "cạnh tranh không lành mạnh" khiến các quốc gia đang đẩy mạnh sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ.

Ngoài ra, do mức ưu đãi rất lớn của các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới (FTA), nguy cơ hàng hóa xuất khẩu bị điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp cũng gia tăng.

Do đó, để hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ Công Thương đã áp dụng các công cụ phòng vệ thương mại và điều này mang lại hiệu quả nhất định, giúp doanh nghiệp giảm thiểu thiệt hại gây ra trước sự gia tăng đột biến, cạnh tranh không bình đẳng của hàng hóa nhập khẩu.

Đối mặt với thách thức

Ông Chu Thắng Trung - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết tính đến thời điểm này, Bộ Công Thương đã tiếp nhận và xử lý 176 vụ việc nước ngoài khởi xướng điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, bao gồm 100 vụ việc chống bán phá giá, 18 vụ việc chống trợ cấp, 23 vụ việc chống lẩn tránh thuế, 35 vụ việc tự vệ.

Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2020, Bộ đang xử lý 13 vụ việc, tiếp nhận xử lý 6 vụ việc tiền khởi xướng. Cùng với đó, Bộ tiếp tục xử lý nhiều vụ việc rà soát biện pháp phòng vệ thương mại đang có hiệu lực thi hành với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Theo ông Chu Thắng Trung, trước bối cảnh thương mại quốc tế đang có những diễn biến hết sức phức tạp, số vụ điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ với hàng xuất khẩu của Việt Nam ngày càng nhiều lên.

Hơn nữa, hàng hóa là đối tượng bị điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại vô cùng đa dạng, từ các mặt hàng nông, thủy sản cho đến sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo.

Cũng theo ông Chu Thắng Trung, nếu như trước đây chỉ những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn mới bị kiện thì hiện nay, ngay cả những mặt hàng có kim ngạch nhỏ cũng phải đối mặt với các vụ kiện. Có thể nói, bất cứ hàng hóa xuất khẩu nào cũng có khả năng là đối tượng bị điều tra áp dụng phòng vệ thương mại.

Đáng lưu ý, trong số các quốc gia thường xuyên áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại với Việt Nam, Hoa Kỳ nổi lên là thị trường khó tính nhất, 30 vụ, chiếm tới 19%; tiếp đến là Thổ Nhĩ Kỳ 21 vụ, chiếm 14%; Ấn Độ 20 vụ, chiếm 13% và EU 14 vụ, chiếm 9%…

Điển hình một số vụ việc có tác động tiêu cực đến sản xuất của doanh nghiệp trong nước như Hoa Kỳ điều tra áp dụng biện pháp tự vệ với thép cán nguội và thép carbon chống mòn, tôm, cá da trơn, pin năng lượng Mặt Trời; Australia điều tra chống bán phá giá với dây thép; Canada điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm khớp nối bằng đồng của Việt Nam...

Đặc biệt, thời gian gần đây, nhiều nước trong khu vực như Indonesia, Thái Lan cũng có dấu hiệu đẩy mạnh các vụ kiện phòng vệ thương mại đối với Việt Nam. Nhiều dòng sản phẩm bị áp thuế bổ sung ở mức 25%, 35%, thậm chí lên tới từ 200-250%.

Chủ động ứng phó

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Lê Triệu Dũng - Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại cho hay mặc dù Chính phủ cũng như một số ngành sản xuất đã chủ động hơn, tăng cường điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước nhưng tính tới tháng 6/2020, mới điều tra, áp dụng 17 vụ việc phòng vệ thương mại với hàng hóa nhập khẩu.

Nguyên nhân là do việc điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đòi hỏi đáp ứng quy định chặt chẽ, nghiêm ngặt của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và pháp luật Việt Nam; hạn chế trong tập hợp lực lượng, thống nhất quan điểm của các ngành sản xuất trong nước.

Ông Lê Triệu Dũng cho biết thêm thời gian gần đây, năng lực phòng vệ thương mại của các ngành sản xuất cũng như xuất khẩu đã được cải thiện đáng kể.

Hầu hết các doanh nghiệp đều có thái độ tích cực hợp tác trong suốt quá trình điều tra của cơ quan điều tra phòng vệ thương mại. Không những thế, không ít vụ việc doanh nghiệp còn tự chủ động tìm tư vấn, hỗ trợ từ phía luật sư thương mại quốc tế hay Bộ Công Thương.

[Gỗ dán đang đối mặt với nhiều rủi ro về phòng vệ thương mại]

Bên cạnh đó, số lượng đơn yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại ngày càng gia tăng, song số lượng cán bộ trực tiếp tham gia điều tra các vụ việc phòng vệ thương mại còn mỏng, nhiều cán bộ mới dẫn tới những khó khăn nhất định trong việc điều tra.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng cần nhìn nhận các biện pháp phòng vệ thương mại đối với các sản phẩm xuất khẩu là một xu thế khó tránh khỏi trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Do đó, Bộ Công Thương đã chủ động hỗ trợ doanh nghiệp thông qua nhiều hoạt động để kịp thời thực hiện các giải pháp cụ thể, quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu và phát triển thị trường.

Ngoài ra, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ Đề án Xây dựng và vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam chủ động sử dụng và ứng phó hiệu quả với các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ lợi ích hợp pháp chính đáng.

Đồng thời, Bộ Công Thương cũng đã chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, tư vấn doanh nghiệp cách thức ứng phó với các vụ kiện được nước ngoài khởi xướng; giải thích và đấu tranh từ giai đoạn điều tra để giảm thiểu tác động bất lợi của biện pháp cuối cùng.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng lưu ý doanh nghiệp xuất khẩu cần tìm hiểu quy định pháp luật, thực tiễn điều tra phòng vệ thương mại của các nước xuất khẩu.

Bên cạnh đó, cần đa dạng hóa thị trường, thường xuyên tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới, đa dạng hóa sản phẩm, tránh tăng trưởng xuất khẩu "quá nóng" vào một thị trường, nhất là các thị trường thường xuyên sử dụng công cụ phòng vệ thương mại và đã từng kiện hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Ngoài ra, doanh nghiệp cần chuyển dần từ chiến lược cạnh tranh bằng giá sang cạnh tranh bằng chất lượng và thương hiệu; nghiên cứu các khuyến cáo cảnh báo sớm các biện pháp phòng vệ thương mại để có kế hoạch cụ thể trong quá trình ứng phó vụ việc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.