"Phớt lờ" báo cáo của IEA, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ vẫn giảm mạnh

Giá dầu ngọt nhẹ New York giảm xuống mức thấp nhất trong 6 tháng do lo ngại nhu cầu tiêu thụ yếu đi tại Mỹ ngay cả khi báo cáo đánh giá hàng tuần của Mỹ cho thấy dự trữ xăng bất ngờ giảm.
"Phớt lờ" báo cáo của IEA, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ vẫn giảm mạnh ảnh 1Giao dịch giá dầu tại thị trường dầu mỏ New York. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Phiên 6/8, giá dầu ngọt nhẹ New York giảm xuống mức thấp nhất trong sáu tháng, do lo ngại nhu cầu tiêu thụ yếu đi tại Mỹ, ngay cả khi báo cáo đánh giá hàng tuần của Mỹ cho thấy dự trữ xăng bất ngờ giảm.

Chốt phiên này, trên Sàn NYMEX, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 9/2014 giảm 46 xu Mỹ xuống 96,92 USD/thùng, mức đóng phiên thấp nhất kể từ ngày 3/2.

Giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn giảm 2 xu Mỹ xuống 104,59 USD/thùng tại London.

Giới phân tích khá bất ngờ khi giá dầu WTI đóng phiên ở mức thấp theo sau báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (IEA) cho thấy dự trữ các chế phẩm từ dầu mỏ giảm trong tuần kết thúc vào 1/8.

Theo báo cáo trên, dự trữ xăng giảm 4,4 triệu thùng, còn dự trữ dầu diezen giảm 1,8 triệu thùng.

Giá dầu WTI đã giảm 6 trong 7 phiên vừa qua trong bối cảnh các nhà giao dịch lo lắng tình hình tiêu thụ xăng sụt giảm tại Mỹ, bởi mùa Hè là giai đoạn cao điểm đối với nhu cầu đi lại, sắp kết thúc trong vài tuần tới.

Bên cạnh đó, Andy Lebow, phó chủ tịch của Jefferies Bache, lưu ý rằng nhu cầu dầu thô của các nhà máy lọc dầu giảm từ 16,6 triệu thùng/ngày xuống 16,4 triệu thùng/ngày.

Sang phiên sáng ngày 7/8, giá dầu tại thị trường châu Á đi lên nhưng thị trường dầu mỏ vẫn chịu sức ép do lo ngại về các cuộc xung đột quân sự trên thế giới tạm lắng và nhu cầu năng lượng yếu đi tại Mỹ.

Trên Sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 9/2014 tăng 9 xu Mỹ lên 97,01 USD/thùng. Còn giá dầu Brent Biển Bắc giao tăng 13 xu Mỹ lên 104,72 USD/thùng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.