[Photo] Đại lễ Phật đản 2023: Cùng cầu nguyện cho thế giới hòa bình
Trong Đại lễ Phật đản, người dân, Phật tử sẽ tham gia các hoạt động như: Dâng hương, tắm Phật, cầu nguyện, ăn chay niệm Phật, làm thiện nguyện, phóng sinh, đến chùa nghe thuyết giảng.
Minh Thu
Ngày 2/6, Đại lễ Phật đản đã diễn ra tại chùa Quán Sứ, Hà Nội. Lễ Phật đản là một trong 3 lễ cấu thành Lễ Tam hợp mà Liên Hiệp quốc gọi là Vesak (Lễ Phật đản sinh, Lễ Phật thành đạo và Lễ Phật nhập niết bàn). Dịp này sẽ kéo dài từ ngày 8/4 đến 15/4 Âm lịch, tức ngày 26/5/2023 đến 2/6/2023 (Dương lịch). (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Từ sáng sớm, khu vực lễ đài tại chùa Quán Sứ (Hà Nội) đã được trang hoàng để chuẩn bị cho nghi lễ tắm Phật. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Đại lễ Phật đản có sự tham dự của đông đảo tăng ni, Phật tử, lãnh đạo Đảng và Nhà nước. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Thượng tọa Thích Minh Quang, Ủy viên Thư ký Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam điều hành buổi lễ. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đọc thông điệp Đại lễ Phật đản Phật lịch 2567 của Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam - Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, qua đó kêu gọi kêu gọi tăng ni, Phật tử cùng làm điều thiện, tích cực góp phần xây dựng đất nước, kiến tạo hòa bình để kết nên một đài sen cúng dường Đức Phật. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đọc diễn văn Phật đản, nêu rõ: "Đức Phật dạy chúng ta về đức hy sinh, cố gắng giúp đỡ người khác, tình nguyện cùng chia sẻ với người khác trong hoàn cảnh khó khăn, biết chấp nhận những thiệt thòi, hy sinh bản thân mà vượt qua lòng tham, sự ích kỷ để trở nên con người cao thượng, đáng quý cùng nhau xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn." (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Các tăng ni đọc kinh cầu nguyện quốc thái dân an, thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Phật tử xếp hàng chờ đến lượt mình tự tay múc nước tắm Phật. Nghi lễ này xuất phát từ sự kiện đản sinh của Thái tử Tất Đạt Đa tại vườn Lâm Tỳ Ni. Tắm Phật trong ngày lễ Phật đản là để tưởng nhớ ngày Đức Phật ra đời. Tắm Phật cũng là để gột rửa đi những sân hận, phiền não, cho tâm được thanh lương mát mẻ, hướng đến một đời sống an lạc. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Tắm Phật là nghi lễ không thể thiếu trong Đại lễ Phật đản. Tăng ni, Phật tử tự tay múc nước thanh khiết vào bát/gáo hình hoa sen. Khi tắm Phật, gáo nước thứ nhất sẽ xối từ vai bên trái tôn tượng Đức Phật với ý nghĩa nguyện bỏ điều ác. Gáo nước thứ hai xối cánh tay bên phải của Đức Phật với ý nghĩa nguyện làm những điều lành. Gáo nước thứ ba sẽ xối lên đôi bàn chân của Đức Phật cầu nguyện điều lành cho tất cả mọi người. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Vì thế, đây là một trong những hoạt động kính mừng có ý nghĩa thiết thực trong các Đại lễ Phật đản mỗi năm. Những người theo đạo Phật đều không thể bỏ qua phúc duyên này. Ai cũng muốn được tự tay múc nước tắm Phật. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Hoạt động này góp phần lan tỏa những giá trị văn hóa tích cực theo quan điểm Phật giáo, qua đó, mọi người nguyện cùng nhau xây dựng một thế giới an lành và thịnh vượng. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Bà Phạm Thị Thành (trái) có mặt ở chùa Quán Sứ từ 6 giờ sáng để tụng kinh, lễ Phật, chờ đến giờ thực hiện nghi lễ tắm Phật. Bà cho biết những triết lý Phật giáo giúp bà có thêm niềm tin trong cuộc sống, Khi tưới nước thơm lên tượng Phật, bà cảm thấy hoan hỉ, nhẹ nhõm. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Nhân Đại lễ Phật đản năm nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tổ chức rước xá lợi Phật, diễu hành xe hoa chào mừng Đại lễ Phật đản nguyện cầu quốc thái dân an, thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc từ tối 1/6. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Đông đảo người dân đã đổ về khu vực chùa Quán Sứ để chiêm bái tôn tượng Đức Phật. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Không quản ngại nắng nóng, người dân vẫn xếp hàng từ ngoài sân chùa Quán Sứ để vào lễ Phật. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Vợ chồng Phó Đại sứ Ấn Độ Subhash Prasad Gupta (bìa phải) đến chùa Quán Sứ lễ Phật. Ông Gupta bày tỏ sự hoan hỉ khi được tham gia nghi lễ quan trọng này để có thể cảm nhận sự tương đồng trong văn hóa và tôn giáo Việt Nam-Ấn Độ. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Mừng Đại lễ Phật đản Phật lịch 2567, sáng 1/6/2023, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tưởng niệm 60 năm ngày Bồ tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân (1963-2023).
Tối 1/6, tại Hà Nội, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức rước xá lợi Phật, diễu hành xe hoa chào mừng Đại lễ Phật đản nguyện cầu quốc thái dân an, thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc.
Sáng 2/6 (tức 15/4 âm lịch), tại chùa Quán Sứ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đến thăm, chúc mừng các Chư tôn Giáo phẩm Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tăng ni nhân Đại lễ Phật đản, Phật lịch 2567 năm 2023.
Sáng 1/6/2023 (tức ngày 15/4 Âm lịch), Đại lễ Phật đản Phật lịch 2567 (Dương lịch 2023) đã được tổ chức trọng thể tại Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Thừa Thiên-Huế, thu hút hàng nghìn người tham dự.
Thủ tướng bày tỏ mong muốn và tin tưởng Giáo hội Phật giáo Việt Nam tiếp tục phát huy tinh thần nhập thế, ích đạo, lợi đời, ích nước, lợi dân, phát huy đại đoàn kết, vì một nước Việt Nam hùng cường.