Tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ có xu hướng gia tăng, từ mức khoảng 21% (năm 2011) đến năm lên mức khoảng 24% (năm 2018), đây là kết quả điều tra doanh nghiệp dân doanh của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Số liệu trên cho thấy sự tương đồng với dữ liệu doanh nghiệp chính thức cấp quốc gia, theo Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết tháng 9/2019, toàn quốc có 285.689 doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, chiếm 24% tổng số doanh nghiệp cả nước.
[Việt Nam quyết tâm thực hiện bình đẳng giới để nâng cao vai trò phụ nữ]
Hiện, Việt Nam có tỷ lệ phụ nữ làm chủ doanh nghiệp cao nhất Đông Nam Á, tuy nhiên báo cáo của VCCI cho biết có tới 98,8% doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ là nhỏ và vừa, hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ chiếm 61,4%.
Các chủ doanh nghiệp nữ thường gặp nhiều khó khăn gắn liền với yếu tố về giới, tiếp cận nguồn lực, thông tin, kiến thức, kỹ năng và mạng lưới kinh doanh.
Theo đó, thúc đẩy nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ là một trong những mục tiêu quan trọng của Chương trình “Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam” (Aus4Reform) do Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) tài trợ.
Chương trình này nhằm hỗ trợ các cơ quan Việt Nam thực hiện tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng nâng cao năng suất lao động, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế hướng tới phát triển nhanh, bền vững.
Theo khuôn khổ của Chương trình Aus4Reform, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã thực hiện Báo cáo nghiên cứu “Kinh doanh tại Việt Nam: đánh giá của các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ,” thông qua việc đánh giá các khía cạnh của môi trường kinh doanh tại 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam từ góc nhìn của các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.
Chủ doanh nghiệp nữ giỏi không kém nam
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế - VCCI, báo cáo này là bức tranh về môi trường kinh doanh đối với doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và có thể xem như báo cáo đầu tiên đưa ra đánh giá về môi trường kinh doanh về góc nhìn này, thông qua việc khai thác và phân tích dữ liệu khảo sát trên 10.000 doanh nghiệp dân doanh tại 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam.
Báo cáo đặc biệt cho thấy, năng lực của chủ doanh nghiệp nữ hầu hết có trình độ học vấn cao với 68,6% từ trình độ đại học và thạc sỹ quản trị kinh doanh. Trong khi, tỷ lệ này ở phái mạnh là 71,9%, điều này đã minh chứng rõ nét khoảng cách về giới trong lĩnh vực giáo dục đã được cải thiện đáng kể và phụ nữ có đầy đủ năng lực cũng trình độ để đảm trách các vị trí quản lý.
Nghiên cứu khảo sát tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp từ VCCI còn chỉ ra, tỷ lệ có lãi ở doanh nghiệp phụ nữ làm chủ là 64% và cao hơn tỷ lệ 63% ở doanh nghiệp do nam làm chủ.
“Dù gặp rất nhiều khó khăn như vậy, nhưng tình hình sản xuất kinh doanh của cả doanh nghiệp do phụ nữ và nam làm chủ là tương tự nhau, chứng tỏ năng lực điều hành công việc sản xuất kinh doanh của chủ doanh nghiệp là nữ giỏi không thua kém chủ doanh nghiệp nam,” ông Tuấn nhấn mạnh.
Áp lực về cân bằng công việc và gia đình
Những báo cáo trước đây cũng thường chỉ ra những điểm mạnh tại doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, như sự bền bỉ khi đối mặt với khó khăn, quan tâm hơn đến các chính sách cho người lao động và những đóng góp cho xã hội.
Và, mặc dù việc trao quyền cho phụ nữ trong nền kinh tế đã được đẩy mạnh, nhưng Báo cáo trên cũng cho thấy nữ giới làm lãnh đạo tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa hay nhiều khó khăn, thách thức, trong đó phải chủ yếu là áp lực giữa cân bằng công việc và cuộc sống gia đình
Nghiên cứu chỉ rõ thực tế, phụ nữ làm kinh doanh tại Việt Nam luôn thiệt thòi hơn nam giới, bởi cơ hội kinh doanh thường lệ thuộc vào các mối quan hệ. Như sau giờ làm việc, nam giới vẫn có thể giao tiếp ngoài xã hội để tìm kiếm cơ hội kinh doanh thì trái lại phần lớn phụ nữ sẽ trở về nhà chăm sóc cho gia đình – “Thiên chức bẩm sinh của phụ nữ đã thu hẹp khả năng họ tiếp cận với nhiều cơ hội,” Báo cáo viết.
Thêm vào đó, Báo cáo này còn cho biết những định kiến về khả năng kinh doanh của phụ nữ cũng là một rào cản lớn đối với họ.
“Mặc dù, phụ nữ đầy nhiệt huyết khởi nghiệp nhưng do các nhà đầu tư thường có sự phân biệt đối xử nên số lượng nữ giới khởi nghiệp rất khiêm tốn. Các nhà đầu tư hay quan tâm tới vấn đề tại sao phụ nữ thất bại thay vì lý do tại sao họ thành công,” ông Tuấn trao đổi.
Với những rào cản trên, nhóm thực hiện nghiên cứu đề xuất kiến nghị, các cơ quan chức năng cần tăng cường truyền thông, định hướng đào tạo nhằm giúp phụ nữ có sự tự tin hơn vào bản thân đồng thời xoá bỏ những định kiến, kỳ thị về giới ngay trong chính phái nữ.
Bên cạnh đó, các thành viên trong gia đình cũng cần được truyền thông tôn trọng phụ nữ khi họ lựa chọn nghề nghiệp kinh doanh, nâng cao nhận thức của nam giới trong việc đảm nhận nhiều hơn công việc gia đình để hỗ trợ phụ nữ theo đuổi và thành công trong sự nghiệp.
“Doanh nhân nữ thành công bằng tài năng, nỗ lực và sự kiên trì. Họ cần được cổ vũ để nhận thấy sức mạnh và sự độc lập của bản thân,” ông Tuấn nhấn mạnh./.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế - VCCI phát biểu: