Ngày 23/11, tỉnh Phú Thọ đã tổ chức lễ kỷ niệm 10 năm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam và trao tặng danh hiệu “Nghệ nhân hát Xoan Phú Thọ” năm 2015.
Tại buổi lễ, 19 nghệ nhân được nhận danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” do Chủ tịch nước phong tặng, 15 nghệ nhân được tặng Kỷ niệm chương Hùng Vương, 18 người được tỉnh phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân hát Xoan" vì đã có thành tích xuất sắc trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa hát Xoan Phú Thọ.
Theo báo cáo của tỉnh Phú Thọ, ngay sau khi được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp vào ngày 24/11/2011, tỉnh đã có kế hoạch hành động và thực hiện bảo tồn với tầm nhìn chiến lược.
Tỉnh tập trung truyền dạy, thực hành và nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn tổng tập hát Xoan Phú Thọ; tổ chức các hoạt động biểu diễn và giao lưu trong nước; tăng cường tuyên truyền, quảng bá; lập dự án bảo quản, tu bổ, khôi phục các di tích và kiểm kê hát Xoan trên địa bàn; hỗ trợ kinh phí cho 4 phường Xoan gốc để chủ động tổ chức truyền dạy, đào tạo nghệ nhân kế cận và tổ chức các hoạt động.
Bên cạnh đó, việc đầu tư, tu bổ, tôn tạo các không gian diễn xướng được tích cực triển khai; việc thực hành hát Xoan trong cộng đồng địa phương được phục hồi và đẩy mạnh .
Từ một loại hình nghệ thuật có nguy cơ bị mai một, hát Xoan đã thực sự hồi sinh, lan tỏa và có sức sống mãnh liệt trong cộng đồng. So với năm 2006, số lượng thành viên ở 4 phường Xoan cổ đã tăng khá nhiều.
Phường An Thái từ 42 nay tăng thành 85 thành viên, phường Thét từ 30 nay có 50 thành viên. Thời điểm năm 2009, trong số 31 nghệ nhân cao tuổi nhất (từ 80-104 tuổi) chỉ có 7 nghệ nhân còn khả năng thực hành và truyền dạy.
Đến nay, đã có 62 nghệ nhân kế cận có thể đảm đương nhiệm vụ này. Các nghệ nhân kế cận được các nghệ nhân lão thành hát Xoan trao truyền trực tiếp tất cả 31/31 bài hát bản cổ; điều này có ý nghĩa rất quan trọng, tạo ra lớp thế hệ mới bảo tồn, phát huy giá trị hát Xoan. Năm 2010 có 13 câu lạc bộ với 298 thành viên, đến tháng 11/2015 có 30 câu lạc bộ với 1.100 thành viên.
Bên cạnh đó, hát Xoan cũng đã được truyền dạy tại các trường học, giúp thế hệ trẻ nhận thức được trách nhiệm trong việc lưu giữ, bảo tồn làn điệu Xoan. Từ năm học 2010-2011 đến nay, đã có 202/209 trường tiểu học trên địa bàn tỉnh triển khai dạy hát Xoan, khối trung học cơ sở có 200/259 trường, khối trung học phổ thông 37/45 trường.
Thành phố Việt Trì triển khai việc dạy hát Xoan tại 80/90 trường học với 4 tiết học hát Xoan mỗi năm và 1 tiết trải nghiệm giao lưu với các nghệ nhân…
Ông Hà Kế San, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ cho biết: Với những nỗ lực trong việc triển khai các nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản hát Xoan, sau 4 năm được UNESCO công nhận có thể khẳng định hát Xoan Phú Thọ đã thoát khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại.
Để hát Xoan tiếp tục bảo tồn, phát triển bền vững giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Phú Thọ tiếp tục triển khai hiệu quả đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại-hát Xoan Phú Thọ giai đoạn 2013-2020 đã được Chính phủ phê duyệt; đồng thời tăng cường đưa hát Xoan tham gia các cuộc giao lưu quốc tế về di sản văn hóa phi vật thể; gắn việc phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể hát Xoan với phát triển du lịch, dịch vụ….
Theo tiến sỹ Lê Thị Minh Lý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa thuộc Hội Di sản văn hóa Việt Nam, đây là trường hợp đầu tiên trên thế giới trình UNESCO hồ sơ đưa di sản ra khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp.
Việt Nam đã đệ trình hồ sơ, báo cáo đề nghị Ủy ban liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể xem xét, xác nhận hát Xoan đã ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp.
Dự kiến UNESCO công bố kết quả vào cuối năm 2016, sau khi đã thẩm tra, xem xét và tiến hành các bước thủ tục. Nếu được UNESCO chấp thuận, hát Xoan sẽ được chuyển sang danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại vào đầu năm 2017./.