Phú Yên đưa nghệ thuật đàn đá vào phục vụ khách du lịch

Giai điệu đàn đá xoay quanh các bài hát về Phú Yên và các bài hát trong bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” càng làm du khách thêm thích thú với những giá trị đặc sắc riêng biệt của vùng đất này.
Phú Yên đưa nghệ thuật đàn đá vào phục vụ khách du lịch ảnh 1Du khách thích thú với nghệ thuật đàn đá biểu diễn tại khu vực hàng lưu niệm thuộc di tích quốc gia đặc biệt Tháp Nhạn. (Ảnh: Tường Quân/TTXVN)

Những giai điệu trong trẻo, du dương của tiếng đàn đá được các bạn trẻ biểu diễn tại những điểm du lịch nổi tiếng của Phú Yên như Gành Đá Đĩa, Tháp Nhạn khiến cho du khách càng thêm thích thú, say mê, ấn tượng.

Đến tham quan tại Di tích Quốc gia Đặc biệt Gành Đá Đĩa, cùng với ấn tượng về thiên nhiên kỳ thú nơi đây, du khách tỏ ra khá thích thú với những màn trình diễn nghệ thuật đàn đá tại Không gian Văn hóa Hồn Xưa của anh Nguyễn Minh Nghiệp (sinh năm 1978, trú tại thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An).

Anh Nghiệp cho biết, xuất phát từ niềm đam mê với những viên đá vô tri, vô giác nhưng lại có thể tạo ra được những âm thanh ngân vang, từ năm 2013, anh đã dày công tìm kiếm, sưu tầm tại các vùng núi cao huyện Tuy An để tạo nên các bộ đàn đá với đầy đủ nốt nhạc. Sau đó, anh đem về nhà chế tác thêm để các viên đá tạo nên những âm thanh trong trẻo nhất.

Đến đầu năm 2017, anh Nghiệp có ý tưởng đưa bộ đàn đá vào các điểm du lịch nổi tiếng của Phú Yên để du khách trải nghiệm. Sau đó, anh tiếp tục đào tạo, hướng dẫn cho các bạn trẻ có thể sử dụng thành thạo và biểu diễn đàn đá phục vụ du khách.

[Thưởng thức triển lãm âm thanh kỳ lạ, độc nhất vô nhị tại Đắk Nông]

Hiện nay, tại Không gian Văn hóa Hồn Xưa nằm trong Di tích Quốc gia Đặc biệt Gành Đá Đĩa, các bạn trẻ không chỉ biểu diễn theo giai điệu của những bài hát như "Cô gái vót chông," "Tiếng đàn Ta lư," "Sông Đăkrông mùa Xuân về"… mà còn phối hợp với ban nhạc hiện đại để tạo nên những bản hòa tấu hấp dẫn, ấn tượng, tạo thêm nhiều cung bậc cảm xúc cho du khách.

Nguyễn Thị Ngọc Hiền là một trong những bạn trẻ tham gia biểu diễn đàn đá tại Không gian Văn hóa Hồn Xưa.

Hiền cho biết, để biểu diễn được bộ đàn đá sẽ phải tập luyện từ 1-2 tháng. Nhưng để biểu diễn hay và có hồn, cần đến 4-5 tháng học hỏi từ các nghệ sỹ đi trước. Ngoài ra, người biểu diễn phải có đam mê và hòa mình vào âm thanh của đàn đá.

Ngọc Hiền mong muốn ngày càng có nhiều du khách biết đến nghệ thuật đàn đá để Hiền và nhiều bạn trẻ khác có thể biểu diễn phục vụ không chỉ tại Không gian Văn hóa Hồn Xưa, Gành Đá Đĩa mà còn ở nhiều địa điểm du lịch và không gian văn hóa nghệ thuật khác.

Đến tham quan Gành Đá Đĩa, chị Bùi Thị Giang (du khách tỉnh Hòa Bình) cho biết, chị và gia đình rất ấn tượng với màn trình diễn đàn đá của các bạn trẻ nơi đây.

Chị Giang cảm nhận mỗi một viên đá tại vùng đất Phú Yên có thể tạo ra những nốt nhạc rất chuẩn, trong trẻo và vô cùng khác lạ so với các loại đàn đá ở những vùng miền, địa phương khác.

Đàn đá được đưa vào biểu diễn tại các điểm đu lịch nổi tiếng càng làm cho du khách thêm nhiều ấn tượng và cảm xúc.

Cùng với Gành Đá Đĩa, hiện nay, nghệ thuật đàn đá còn được biểu diễn tại Di tích Quốc gia Đặc biệt Tháp Nhạn (thành phố Tuy Hòa).

Người biểu diễn không phải là những nghệ sỹ chuyên nghiệp mà là các bạn trẻ có niềm đam mê với bộ môn nghệ thuật này.

Giai điệu đàn đá xoay quanh các bài hát về Phú Yên và các bài hát trong bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” càng làm du khách thêm thích thú với những giá trị đặc sắc riêng biệt của vùng đất này.

Đặc biệt, những âm thanh trong trẻo, du dương ngân vang lên giữa không gian trầm mặc, cổ kính của tháp Chăm càng làm cho những trải nghiệm du lịch càng thêm mới mẻ, sâu sắc.

Anh Nguyễn Minh Nghiệp chia sẻ thêm, trong thời gian tới, anh sẽ cùng với các bạn trẻ tham gia các buổi biểu diễn văn hóa, nghệ thuật tại các tỉnh khác trong cả nước để nghệ thuật đàn đá Phú Yên được nhiều người biết đến.

Anh sẽ cố gắng tìm tòi, chế tác thêm nhiều bộ đàn đá hay, có giá trị cao và đào tạo thêm nhiều bạn trẻ sử dụng thành thạo và biểu diễn không chỉ các điểm du lịch mà còn tại các chương trình văn hóa, nghệ thuật khác, góp phần phát huy giá trị bộ môn nghệ thuật đặc sắc này.

Theo ông Nguyễn Hữu An, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Phú Yên, năm 1990, ở huyện Tuy An, một người dân phát hiện một bộ đàn đá cổ. Đến năm 1992, người dân này đã trao bộ đàn đá cổ cho Bảo tàng Phú Yên.

Sau khi tiếp nhận, tỉnh đã thành lập Hội đồng Khoa học và xác định được bộ đàn đá cổ này có niên đại cách đây 2.500 năm.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã chỉ đạo Bảo tàng tỉnh lập hồ sơ trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận bộ đàn đá cổ này là Bảo vật Quốc gia. Tuy nhiên, do thiếu tiêu chí về việc chứng minh chủ thể, bộ đàn đá chưa được công nhận.

Hiện nay, đàn đá được đưa vào biểu diễn tại các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh không chỉ thu hút du khách mà còn phát huy giá trị của đàn đá Tuy An nói riêng, tỉnh Phú Yên nói chung./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Dấu ấn Ngày giải phóng Thủ đô trong kho tàng âm nhạc

Dấu ấn Ngày giải phóng Thủ đô trong kho tàng âm nhạc

Những năm tháng chiến tranh trước, sau ngày Giải phóng Thủ đô để lại dấu ấn trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật, trong đó có âm nhạc; nhiều tác phẩm trở thành bất hủ, thậm chí thành biểu tượng của Hà Nội.