Phú Yên, Khánh Hòa sơ tán hàng chục nghìn người ra khỏi vùng nguy hiểm

Tính đến 20 giờ ngày 27/10, các địa phương tỉnh Phú yên đã tổ chức di dời sơ tán tại chỗ đối với 11.308 hộ với 44.218 khẩu tại các khu vực ven biển, sông bị ảnh hưởng trực tiếp của bão, ngập lụt.
Người dân phường 6, thành phô Tuy Hòa đắp bao cát chằng chống nhà cửa phòng chống bão số 9. (Ảnh: Phạm Cường/TTXVN)

Theo báo cáo nhanh của Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên, ứng phó với bão số 9, đến 20 giờ ngày 27/10, các địa phương trong tỉnh đã tổ chức di dời sơ tán tại chỗ đối với 11.308 hộ với 44.218 khẩu tại các khu vực ven biển, sông bị ảnh hưởng trực tiếp của bão, ngập lụt.

Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên chỉ đạo các địa phương tiếp tục rà soát, bổ sung các phương án sơ tán dân trên địa bàn quản lý theo từng cấp độ rủi ro thiên tai. Có kế hoạch triển khai cụ thể cho từng khu vực, nhất là các vùng xung yếu, có nguy cơ cao bị ảnh hưởng lũ lụt, mưa bão, triều cường, sạt lở đất.

Đối với các phương tiện nghề cá, tỉnh có 4.099 tàu cá với 18.100 lao động; hiện có 130 tàu cá với 821 lao động đang hoạt động trên các vùng biển, trong đó, hoạt động xa bờ 119 tàu cá với 745 lao động; hoạt động gần bờ 11 tàu cá với 76 lao động (hoạt động vùng biển tỉnh Ninh Thuận).

Tất cả các tàu cá hoạt động trên biển đều đã nhận được thông tin về tình hình diễn biến của bão số 9, chủ động di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm; thường xuyên liên lạc về gia đình và Bộ đội Biên phòng. Trên địa bàn tỉnh Phú Yên hiện có 50 hồ chứa nước; trong đó có 3 hồ thủy lợi hơn 10 triệu m3. Các hồ đã mở cửa tràn và không tích nước.

Hiện khu vực tỉnh Phú Yên có mưa, lượng mưa phổ biến từ 1,6-26mm.

[Bão số 9: Phó Thủ tướng nhấn mạnh thời gian vàng để sơ tán người dân]

Trong khi đó, trước diễn biến phức tạp của bão số 9, bên cạnh việc kêu gọi các tàu, thuyền đang đánh bắt ngoài khơi, người dân tại các lồng bè nuôi trồng thủy sản về nơi tránh trú an toàn, tỉnh Khánh Hòa cũng đang nỗ lực vận động người dân sinh sống tại các điểm có nguy cơ cao bị sạt lở di dời đến nơi an toàn, đồng thời chủ động chằng chống nhà cửa để ứng phó với bão.

Khánh Hòa có 174 vị trí có nguy cơ sạt lở, sẽ ảnh hưởng khoảng 23.350 người dân; 110 điểm ngầm, cầu, tràn nguy hiểm. Các vị trí trên đã được các địa phương rà soát, chủ động bố trí lực lượng sơ tán, chốt chặn khi có bão, mưa lũ ảnh hưởng trực tiếp.

Thôn Thành Phát, xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang có trên 530 hộ với 1.940 khẩu, là một trong những điểm xung yếu có nguy cơ sạt lở cao, nơi đây cũng đã từng bị tàn phá bởi nhiều trận mưa bão, gần đây nhất là trận mưa lớn năm 2018 đã làm nhiều nhà cửa bị đổ hoàn toàn, thiệt hại nặng nề về người và tài sản.

Do vậy khi có thông tin bão số 9, người dân ở đây đã chủ động chằng chống nhà cửa, sẵn sàng di dời đến nhà văn hóa thôn trú ẩn.

Vợ chồng bà Nguyễn Thị Bông (56 tuổi) thôn Thành Phát là một trong số những hộ dân di chuyển về nhà văn hóa thôn sớm nhất, bà Bông cho biết khu bà sinh sống ở trên triền núi, khi mưa to thì bị sạt lở, còn bão đến thì dễ bị tốc mái nhà nên khi có thông tin bão số 9 về ông bà chỉ mang theo những vật dụng gọn nhẹ để về nơi trú ẩn an toàn.

Ông Nguyễn Sỹ Khánh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Nha Trang cho biết, hiện địa phương có trên 10 điểm xung yếu, có nguy cơ sạt lở, với 2.475 hộ/9.993 nhân khẩu nằm trong diện cần di dời đến nơi an toàn.

Trong ngày 27/10, thành phố đã yêu cầu các xã, phường trên địa bàn tập trung lực lượng đi vận động người dân chuyển đến nơi an toàn, trong đó ưu tiên người già, trẻ em, người yếu thế.

Đối với trên 3.500 các tàu cá, phương tiện thủy nội địa, tàu du lịch và 246 bè/5.687 ô lồng nuôi thủy sản đã được thông báo và hướng dẫn vào nơi trú ẩn, khu neo đậu tránh trú bão an toàn. Đồng thời, thành phố sẵn sàng phương tiện, lực lượng sơ tán người dân khi có tình huống khẩn cấp xảy ra. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố trực 24/24 để ứng phó với bão số 9./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục