Do cơn bão số 9 (tên quốc tế là MOLAVE) đang diễn biến phức tạp tại biển Đông và đang tiến vào đất liền (đây là cơn bão rất mạnh, ảnh hưởng rất lớn, bán kính ảnh hưởng rộng), tối ngày 27/10, Tổng cục Đường bộ Việt Nam có Công điện về đảm bảo an toàn giao thông đối với hoạt động vận tải trong thời gian bị ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố và các Cục quản lý đường bộ triển khai ngay các hành động ứng phó ở mức cao nhất đảm bảo an toàn hoạt động vận tải.
Cụ thể, các đơn vị nêu trên chỉ đạo các đơn vị kinh doanh vận tải khuyến cáo các phương tiện không đi vào các tuyến đường thuộc khu vực bão đổ bộ vào (từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên), thời gian từ 18 giờ tối nay (ngày 27/10) đến khi bão tan; trừ các phương tiện thực hiện nhiệm vụ phòng chống thiên tai.
Mặt khác, Tổng cục Đường bộ đề nghị các đơn vị và lực lượng chức năng trên các địa bàn căn cứ vào tình hình cụ thể để có phương án tổ chức giao thông hoặc cấm đường phù hợp; chủ động nắm bắt thông tin về tình hình mưa lũ và cập nhật tình trạng ngập lụt, sạt lở trên các tuyến đường để chỉ đạo các đơn vị có phương án tổ chức vận tải phù hợp.
[Ngành giao thông thực hiện các giải pháp phòng chống bão số 9]
Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải đã ra Công điện khẩn yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện ngay các biện pháp để chủ động ứng phó với cơn bão số 9 đang diễn biến phức tạp trên biển Đông.
Đối với Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu tập trung vật tư, thiết bị và nhân lực nhanh chóng khắc phục hậu quả do mưa, lũ gây ra từ cơn bão số 7, số 8 trên các tuyến quốc lộ trọng điểm; kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ ngập lụt, sụt lở đất, lũ quét, các cầu yếu... để kịp thời sửa chữa, khắc phục đảm bảo giao thông phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo các Cục Quản lý đường bộ 2, 3 và 4 chủ trì, phối hợp với các Sở Giao thông Vận tải, các lực lượng chức năng của địa phương tổ chức trực, phân luồng giao thông, cử người canh gác, cắm phao tiêu, rào chắn, báo hiệu ở những vị trí bị ngập nước, ngầm tràn, đoạn đường bị đứt, đoạn đường bị sạt lở; kiên quyết không cho phép người và phương tiện đi vào những vị trí này, nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn giao thông cho người, phương tiện trên các tuyến Quốc lộ./.