Liên quan đến tình trạng tôm hùm, cá mú ở thôn Phú Mỹ, xã Xuân Phương, thị xã Sông Cầu chết hàng loạt, Trung tâm Giống và Kỹ thuật thủy sản tỉnh Phú Yên vừa có thông báo kết luận nguyên nhân do nguồn nước bị ô nhiễm, phân tầng nhiệt rõ rệt.
Qua lấy hai mẫu nước đột xuất tại vùng nuôi tôm hùm tập trung ở thôn Phú Mỹ, Trung tâm Giống và Kỹ thuật thủy sản Phú Yên đã xác định hàm lượng ôxy hòa tan (DO) cực thấp, chỉ đạt 1mg O2/l, trong khi quy định là 5mg O2/l trở lên là nguyên nhân làm cho tôm hùm, cá mú chết vừa qua.
Kết luận của Trung tâm Giống và Kỹ thuật thủy sản Phú Yên trùng hợp với nhận định của cơ quan chức năng thị xã Sông Cầu và người nuôi tôm xã Xuân Phương.
Ông Phạm Xuân Hương, Trưởng trạm Chăn nuôi và Thú y thị xã Sông Cầu, cho biết tình trạng tôm hùm chết có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là ô nhiễm môi trường trong khi lồng, bè thả nuôi rất dày. Thứ hai là ảnh hưởng việc nắng nóng dẫn đến thiếu ôxy cục bộ làm cho tôm bị chết ngạt.
Theo ông Phạm Đức Thành, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Xuân Phương, do nắng nóng làm nhiệt độ mặt nước nuôi thủy sản thay đổi rất cao, trong khi nước dưới tầng đáy là khu vực thả nuôi tôm hùm nhiệt độ rất lạnh. Tôm hùm, cá mú chết có hai lý do, một là nước lạnh, thứ hai là thiếu ôxy.
Là một trong những hộ nuôi tôm hùm nhiều nhất xã, ông Ngô Văn Ngọc ở thôn Phú Mỹ cho hay vừa qua gia đình ông có hơn 1.000 con tôm hùm bông và 2.000 con tôm hùm xanh bị chết, thiệt hại lên đến 1,2 tỷ đồng nhưng đem bán chỉ thu được 200 triệu đồng.
Ông Ngọc ngậm ngùi chia sẻ: “Khi xuất hiện hiện tượng tôm chết, chúng tôi được khuyến cáo và khi di dời lồng đi nơi khác hoặc nâng lồng nuôi lên khỏi tầng đáy thì tôm không còn chết nữa.”
Trung tâm Giống và Kỹ thuật thủy sản Phú Yên cũng đã khuyến cáo người nuôi cần lưu ý thường xuyên làm vệ sinh lưới lồng sạch sẽ, thông thoáng để tăng lưu tốc dòng chảy, có biện pháp tăng cường hệ thống quạt để tăng hàm lượng ôxy trong lồng, bè nuôi; sắp xếp hoặc di dời lại lồng, bè nuôi trong vùng để nước lưu thông tốt nhất.
Xã Xuân Phương là một trong những địa phương phát triển nghề nuôi trồng thủy sản. Hiện tượng tôm hùm, cá mú chết vừa qua ảnh hưởng đến 34 hộ nuôi bị thiệt hại với hơn 7,4 tấn tôm hùm bông; gần 3,9 tấn tôm hùm xanh và gần 600kg cá mú. Ước thiệt hại hơn 9,12 tỷ đồng.
Ông Phạm Đức Thành cho hay địa phương có đến 8.000 lồng nuôi tôm hùm; trong đó người dân địa phương thả nuôi 6.000 lồng, còn lại là người ở các nơi khác đến thả nuôi và hàng năm đạt sản lượng xấp xỉ 550 tấn tôm hùm thương phẩm. Ngoài ra, bà con còn nuôi ốc hương, cá mú, cua ghẹ, tôm sú, tôm thẻ chân trắng với sản lượng 440 tấn./.