Phục dựng điện Kính Thiên, hoàn trả 'hồn cốt' Hoàng thành Thăng Long

Từ nhiều năm trước, vấn đề phục dựng điện Kính Thiên cũng được các nhà khoa học và lãnh đạo thành phố Hà Nội đưa ra, song vấn đề thống nhất về quy mô, kiến trúc chưa nhận được đồng thuận.
Điện Kính thiên trong khu di tích Hoàng thành Thăng Long. (Ảnh: TTXVN)

Điện Kính Thiên là giá trị cốt lõi của khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội), nhưng dấu tích còn lại hiện chỉ là nền điện cũ.

Việc phục dựng Điện Kính Thiên đã được các nhà khoa học cũng như cơ quan quản lý đặt ra hơn 10 năm qua, nhất là khi di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long đang ngày càng khẳng định được hình ảnh, vị thế của mình.

Trước sự loay hoay trong việc tìm ra hình hài để phục dựng và các thủ tục liên quan, các nhà khoa học liên tục lên tiếng nhằm tìm ra giải pháp tháo gỡ.

Mới đây, lãnh đạo thành phố Hà Nội cũng đặt quyết tâm trong việc phục dựng Điện Kính Thiên, hoàn trả hồn cốt cho di sản Hoàng thành Thăng Long.

Hơn 10 năm trăn trở với việc phục dựng

Điện Kính Thiên là cung điện quan trọng bậc nhất, nơi cử hành các nghi lễ long trọng nhất của triều đình, nơi đón tiếp sứ giả nước ngoài và là nơi thiết triều bàn những việc quốc gia đại sự.

Theo "Đại Việt Sử ký toàn thư," điện Kính Thiên được xây dựng năm 1428 đời Vua Lê Thái Tổ và hoàn thiện vào đời Vua Lê Thánh Tông. Điện Kính Thiên được xây dựng trên núi Nùng, ngay trên nền cũ của cung Càn Nguyên-Thiên An thời Lý, Trần.

Thời Pháp thuộc, vào cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp phá bỏ hành cung Kính Thiên và xây dựng trụ sở chỉ huy pháo binh tại đây. Ngôi nhà này được gọi là nhà Con Rồng (hay còn gọi là Long Trì), do phía trước và sau đều có rồng đá chầu.

Từ nhiều năm trước, vấn đề phục dựng điện Kính Thiên cũng được các nhà khoa học và lãnh đạo thành phố Hà Nội đưa ra. Tuy nhiên, sau một thời gian dài, vấn đề thống nhất về quy mô, kiến trúc chưa nhận được đồng thuận.

Đến nay, việc phục dựng Điện Kính Thiên tiếp tục được các nhà khoa học lên tiếng, với một tâm nguyện "không để có lỗi với tổ tiên."

Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Quang Ngọc cho rằng bằng mọi giá cần phải đẩy nhanh hoàn trả không gian Điện Kính Thiên.

Việc phục dựng Điện Kính Thiên rất phù hợp và chúng ta không thể hy vọng phục dựng được điện Càn Nguyên và điện Thiên An thời Lý, Trần. Bởi việc phục dựng điện Kính Thiên đã có những cơ sở nhất định.

Tuy vậy, theo ông Nguyễn Quang Ngọc, việc triển khai phục dựng Điện Kính Thiên quá chậm trễ và với tình hình như hiện nay, chưa biết được cụ thể thời gian nào mới triển khai.

Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam trăn trở: "Tôi lo như thế này thì chúng ta sẽ mắc nợ với tổ tiên quá lâu, nợ di sản thế giới này quá lâu."

Tâm nguyện của Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Quang Ngọc cũng là tâm nguyện của đông đảo các nhà khoa học quan tâm tới Hoàng thành Thăng Long.

[Hà Nội đẩy nhanh quá trình nhất thể hóa quản lý di sản Hoàng thành]

Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Lưu Trần Tiêu chia sẻ: "Tâm huyết là chúng ta không thể không phục dựng Điện Kính Thiên. Việc phục dựng cần được ưu tiên, không chỉ phục vụ công tác bảo tồn, nghiên cứu mà còn phục vụ khách du lịch."

Ông Trần Tiêu cũng cho rằng để phục dựng Điện Kính Thiên, cần phải có tập hợp nhiều tư liệu, trong đó tư liệu khảo cổ học là quan trọng. Chuyên gia này cũng đề nghị nghiên cứu các công trình kiến trúc ở Cố đô Huế, khi cho rằng chắc chắn triều Nguyễn sẽ học kinh nghiệm của Hoàng thành Thăng Long để xây dựng Kinh đô Huế.

Trong vài năm nay, thành phố Hà Nội quan tâm đến bảo tồn, phát huy giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long bằng việc cho khai quật khảo cổ học phục vụ công tác nghiên cứu, tu bổ một số công trình trong di sản, tổ chức các hoạt động quảng bá hình ảnh… Mặc dù vậy, với những giá trị được coi là cốt lõi của di sản, Điện Kính Thiên cần sớm được phục dựng.

Không để chậm trễ hơn

Trước thực tế đó, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội đã đề xuất thành phố Hà Nội đồng ý chủ trương lập dự án đầu tư phục dựng Điện Kính Thiên trên cơ sở hồ sơ khảo cổ học, các công trình tương tự và ý kiến của các nhà  khoa học, các chuyên gia, cộng đồng xã hội.

Tổng mức đầu tư dự án 2.000 tỷ đồng, với thời gian thực hiện từ năm 2021-2030. Theo Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội, đề án nghiên cứu đã thực hiện từ năm 2010 đến nay đã có một số kết quả về sưu tầm tư liệu, hiện vật khảo cổ, khảo cổ học, xây dựng khung nội dung, quy trình làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo.

Giai đoạn 1 từ năm 2021-2025, hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi và thiết kế cơ sở. Giai đoạn 2 từ năm 2025-2030, triển khai thực hiện dự án.

Đánh giá việc phục dựng Điện Kính Thiên có rất nhiều ý nghĩa, Vụ trưởng Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO, Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Mai Phan Dũng bày tỏ sự ủng hộ với đề xuất chủ trương triển khai dự án phục dựng Điện Kính Thiên của Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội.

Ông Mai Phan Dũng cũng lưu ý công trình nằm ở phần lõi di sản, có thể ảnh hưởng đến một số công trình được ghi danh là tài sản của di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long.

UNESCO cũng có một số quy định khi có công trình mới hoặc trùng tu trong khu vực di sản, cần trao đổi với UNESCO để có giải pháp tốt nhất, nhằm giảm thiểu tác động đến giá trị di sản.Việc phục dựng Điện Kính Thiên sẽ đề cao giá trị tiêu biểu của Hoàng thành Thăng Long nên nhiều khả năng UNESCO sẽ đồng thuận.

Tại buổi làm việc giữa Thường trực Thành ủy Hà Nội với Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội mới đây, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã thống nhất chủ trương đầu tư xây dựng phục dựng Điện Kính Thiên tại Hoàng thành Thăng Long.

Thường trực Thành ủy cũng đề nghị sớm triển khai lập dự án đầu tư xây dựng phục dựng Điện Kính Thiên trên cơ sở phù hợp với quy hoạch được phê duyệt và nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ khảo cổ học một cách đầy đủ, tham khảo các công trình có kiến trúc tương tự.

Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội nghiên cứu việc thiết lập mô hình Điện Kính Thiên theo tỷ lệ phù hợp kèm hồ sơ phục dựng Điện Kính Thiên để lấy ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, chuyên gia, cộng đồng xã hội, Hội đồng Tư vấn hoàn thiện trước khi gửi xin ý kiến của các bộ, ngành liên quan và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Trên cơ sở đó khẩn trương triển khai các thủ tục đầu tư theo quy định, phấn đấu hoàn thành thủ tục đầu tư trong năm nay./.

Khu di tích Hoàng thành Thăng Long đón khách sau mùa dịch. (Ảnh: TTXVN)
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục