Kinh tế Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) bước ra khỏi cuộc suy thoái kéo dài 18 tháng qua trong quý 2/2013 với mức tăng trưởng 0,3%, song “những đốm sáng cuối đường hầm” xem ra vẫn mong manh và yếu.
Đà hồi phục tăng trưởng trong những quý sau không được như mong đợi, tình trạng thiểu phát (lạm phát ở mức rất thấp) vẫn tiếp diễn, đồng euro mạnh, thất nghiệp cao và một loạt nguy cơ và rủi ro khác hơn bao giờ hết đang thúc đẩy các nước trong liên minh phải cân nhắc các giải pháp cũng như đẩy mạnh nỗ lực cải cách ngay trong cuộc họp chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tháng Sáu này.
Đà hồi phục chưa được như kỳ vọng
Theo số liệu Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) vừa công bố ngày 15/5, Eurozone quý 1/2014 chỉ tăng trưởng 0,2% so với quý trước đó và chừng này chưa thể hạ tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao kỷ lục.
Tuy nhiên, điều an ủi là tuy “hụt hơi” nhưng dẫu sao đà tăng trưởng kinh tế của Eurozone trong quý đầu năm vẫn ở ranh giới tăng trưởng dương. Điều này có được nhờ “đầu tàu” Đức có đà tốt hay sự hồi phục đáng ghi nhận tại Tây Ban Nha, góp phần bù đắp cho sự tăng trưởng èo uột của các nền kinh tế lớn, nhỏ trong khối.
Việc tích cực cải cách đã giúp Xứ sở Bò tót tạo được đà tăng trưởng mạnh nhất trong ba năm qua trong quý 1/2014, cụ thể tăng 0,4% so với quý trước đó và 0,6% so với cùng kỳ năm 2013.
Trong lúc các nền kinh tế trong khu vực tăng trưởng ì ạch hoặc mất đà, Đức xứng đáng là nền kinh tế lớn nhất châu Âu với mức tăng trưởng 0,8% trong quý 1/2014, gấp đôi nhịp độ tăng trong quý cuối năm 2013.
Điểm qua tình hình các nền kinh tế khác trong khu vực trong quý 1 năm nay, Pháp tăng trưởng trì trệ khi "giậm chân" ở mức 0%, Italy, Bồ Đào Nha và Hà Lan đều tăng trưởng âm lần lượt là -0,1%, -0,7%, -1,4%.
Thực tế rằng lạm phát vẫn kẹt ở "vùng nguy hiểm" dưới 1%, cụ thể chỉ ở mức 0,7% trong tháng 4/2014, tức là còn cách khá xa mục tiêu lạm phát dưới 2% mà ECB đã đề ra, phản ánh nhu cầu vẫn là một mối quan ngại không nhỏ đối với Eurozone.
ECB sẽ phải đưa ra hành động nào đó, nhiều khả năng nhất là trước tiên sẽ cắt giảm lãi suất, một khi người tiêu dùng vẫn "thắt chặt ví."
Tuy Eurozone vẫn duy trì được sự phục hồi nhẹ, song còn chậm, thiếu chắc chắn và đối mặt với nhiều nguy cơ. Ngoài mối lo canh cánh lâm vào giảm phát (lạm phát âm), dù ECB nhiều lần bác bỏ nguy cơ này, và tăng trưởng còn yếu và không đồng đều, Eurozone đang đứng trước các rủi ro, nguy cơ không nhỏ liên quan đến những bất ổn địa-chính trị như cuộc khủng hoảng ở Ukraine, tỷ lệ thất nghiệp cao và đồng euro mạnh.
Liên quan đến vấn đề Ukraine, Eurostat vừa cho hay các hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu của EU với Nga trong tháng Ba giảm mạnh khoảng 10%. Đây là một trong những yếu tố khiến thặng dư thương mại của Eurozone trong thời gian này giảm xuống 17,1 tỷ euro (23,4 tỷ USD), so với 21,9 tỷ euro cùng kỳ năm ngoái.
Tỷ lệ thất nghiệp cao trong khu vực vẫn là sự “đau đầu” đối với các nhà lãnh đạo. Ủy ban châu Âu (EC) đầu tháng này hy vọng kinh tế Eurozone sẽ tăng khoảng 1,2% trong năm 2014 và 1,7% trong năm 2015 và nhịp độ này sẽ giúp hạ tỷ lệ thất nghiệp tại 18 quốc gia thành viên từ 12% năm 2013, xuống 11,8% trong năm 2014 và 11,4% trong năm 2015.
Đồng euro mạnh, mối lo không nhỏ
Chủ tịch ECB, Mario Draghi, không ít lần nhấn mạnh trong bối cảnh lạm phát thấp và tăng trưởng kinh tế yếu hiện nay, thì đồng euro mạnh đang là mối "quan ngại nghiêm trọng," nhất là khi ECB chưa đề ra được mục tiêu nào cho tỷ giá euro và USD.
Rõ ràng đồng euro mạnh đang làm giảm lợi nhuận của các doanh nghiệp trên khắp châu Âu, bởi nó khiến hàng xuất khẩu trở nên đắt hơn và đặt các công ty xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ ra nước ngoài vào thế bất lợi về cạnh tranh.
Hãng phần mềm lớn SAP của Đức cho hay biến động tỷ giá có thể làm giảm 5% lợi nhuận hoạt động của công ty trong năm 2014.
Trả lời phỏng vấn tạp chí Le Nouvel Observateur mới đây, nhà kinh tế Bernard Maris cho hay kinh tế Pháp sẽ chẳng khá hơn khi ra khỏi khu vực đồng tiền chung, song theo ông cần giảm giá đồng euro đi 30% so với USD để tạo lợi thế cạnh tranh cho ngành công nghiệp Pháp và Italy.
Rất có thể các nước Eurozone có thể tiến hành thảo luận và đi tới hành động để giảm giá đồng tiền chung này sau cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng không nên kêu gọi giảm giá đồng euro để thay cho việc cải cách. Trong khi đó, giới phân tích khuyến nghị rằng sự chênh lệch về tăng trưởng giữa các nước thành viên Eurozone cho thấy ECB cần thiết phải xây dựng một chính sách tiền tệ phù hợp cho toàn bộ khu vực.
Có lẽ những gì vừa thể hiện và những nguy cơ phải đối mặt, Eurozone cho thấy thực tế còn xa mới có thể đạt được "vận tốc" cần thiết để tiến tới sự phục hồi bền vững.
Nhiều nhà phân tích cho rằng nhịp độ tăng trưởng kinh tế của khu vực này trong quý 2/2014 cũng không hứa hẹn mạnh hơn so với quý 1/2014 và đà phục hồi hiện nay vẫn còn quá yếu để có thể giúp chặn đứng nguy cơ thiểu phát.
Tình hình tăng trưởng có thể nói là "đáng thất vọng" mà Eurostat công bố giữa tháng qua cũng như những nguy cơ còn tồn tại trong lòng Eurozone có thể làm gia tăng sức ép khiến Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) phải nới lỏng chính sách tiền tệ tại cuộc họp chính sách tháng Sáu tới nhằm dẹp yên mối nguy thiểu phát và thúc đẩy tăng trưởng.
Lựa chọn nào cho ECB
Ngay từ cuộc họp chính sách tháng Năm vừa qua, Chủ tịch ECB, Mario Draghi, tuyên bố ECB sẵn sàng hành động và đã chuẩn bị một gói các giải pháp để thảo luận trong cuộc họp chính sách tháng Sáu, sau khi có thêm báo cáo cập nhật về tăng trưởng kinh tế và lạm phát của Eurozone dự kiến được công bố vào đầu tháng Sáu.
Quyết tâm hành động của ngân hàng này được Phó Chủ tịch ECB Viktor Constancio nhắc lại hôm 15/5. Đầu tuần này, thành viên Ban điều hành của ECB, Yves Mersch, nhắc lại rằng khả năng ngân hàng sẽ hành động tại cuộc họp ngày 5/6 tới “gia tăng đáng kể.”
Cắt giảm lãi suất các loại và các biện pháp nhằm tăng cường hoạt động cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) vay là một trong những phương án (có thể gồm cả những phương án bình thường và khác thường) mà Ban điều hành ECB chuẩn bị đưa ra cân nhắc tại cuộc họp này.
Một số nhà phân tích dự báo ECB có thể hạ cả ba loại lãi suất chủ chốt đi 10-20 điểm cơ bản. Lãi suất tái cấp vốn của ECB hiện ở mức 0,25%.
Một lựa chọn được “đặt lên bàn cân” là ECB có thể trở thành ngân hàng đầu tiên hạ lãi suất tiền gửi qua đêm tại ngân hàng xuống mức âm, nhằm khuyến khích hoạt động cho vay, mặc dù vẫn chưa chắn biện pháp này có mang lại những phản ứng tích cực từ phía các ngân hàng hay không.
Giải pháp nói trên có thể mang lại một số động lực tăng trưởng cho kinh tế khu vực nhưng cũng không hứa hẹn mang lại ảnh hưởng quy mô lớn so với chương trình nới lỏng định lượng (QE), nói nôm na là in thêm tiền để mua trái phiếu. Tuy nhiên, kế hoạch QE không dễ thực hiện một sớm một chiều.
Thành viên Ban điều hành ECB Peter Praet cho hay nằm trong gói các biện pháp chính sách nói trên có thể bao gồm cả ý tưởng tiến hành đợt tái cấp vốn dài hạn (LTRO) mới.
Đợt LTRO này có thể dài hơn đợt LTRO trị giá 1.000 tỷ euro mà ECB triển khai hồi cuối năm 2011 và đầu năm 2012. Một lựa chọn nữa cho ECB là tăng tính thanh khoản của ngân hàng trong Eurozone nhằm tăng cường hoạt động cho vay.
Các nhà kinh tế cho rằng cắt giảm lãi suất đồng loạt và tiến hành LTRO tuy sẽ có tác động tích cực, nhưng có thể không được mạnh như biện pháp ECB cho các ngân hàng vay với lãi suất cố định trong các hoạt động tái cấp vốn định kỳ.
Một biện pháp nữa là ngừng việc bơm tiền mua trái phiếu nhà nước trong khuôn khổ Chương trình các thị trường chứng khoán (SMP) được tiến hành trong cuộc khủng hoảng nợ Eurozone vừa qua.
Việc kết thúc chương trình này có thể giúp đưa 175 tỷ euro (236,43 tỷ USD) vào hệ thống tài chính, qua đó giảm sự căng thẳng trên các thị trường tiền tệ.
Một nhà kinh tế ví von rằng cả bốn biện pháp lãi suất, LTRO, kéo dài chương trình cho vay với lãi suất cố định từ 6 tháng lên 12 tháng và ngừng SMP là một món cocktail “cực đã” trong mùa Hè này.
Nhà kinh tế Howard Archer thuộc IHS Global Insight nhận định căn cứ vào tình hình tăng trưởng hiện nay, Eurozone có thể tăng trưởng 1,1% trong năm 2014 và 1,6% năm 2015, xấp xỉ dự báo của EC nêu trên, nếu chính phủ các nước thành viên Eurozone nới lỏng biện pháp "thắt lưng buộc bụng" và ECB tiếp tục giảm lãi suất và triển khai các giải pháp hữu hiệu để thúc đẩy tăng trưởng./.