Phục hồi sau 6 ngày giảm, giá vàng vẫn mất hơn 2% trong tháng Một

Với mức phục hồi nhẹ trong phiên 29/1, giá vàng giảm 0,5% trong tuần qua và để mất 2,4% trong cả tháng 1/2021.
Vàng miếng được trưng bày tại Singapore, ngày 15/9/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Vàng miếng được trưng bày tại Singapore, ngày 15/9/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giá vàng thế giới phiên 29/1 đã lần đầu tiên phục hồi sau 6 phiên giảm liên tiếp, nhưng kim loại quý này vẫn suy giảm hơn 2% trong cả tháng Một giữa lúc giới đầu tư lo lắng về những biến động trên thị trường tài chính Phố Wall và hiệu quả của việc triển khai vắcxin ngừa COVID-19.

Phiên này, giá vàng giao ngay tăng 0,6% lên 1.851,01 USD/ounce, trong khi giá vàng Mỹ giao kỳ hạn tăng 0,5% lên 1.850,30 USD/ounce.

Giới quan sát và tham gia thị trường đang ngày càng lo ngại về việc “đội quân” các nhà đầu tư cá nhân tập trung trên các diễn đàn chat trực tuyến như Reddit và các nhà đầu tư lướt sóng chuyên nghiệp có thể tạo ra những chấn động trong hệ thống tài chính.

Những lo ngại về “bong bóng” trên thị trường chứng khoán Mỹ là có cơ sở, khi tính tới việc cổ phiếu của công ty chuyên về bán lẻ đĩa game đang gặp khó khăn GameStop Corp. đã tăng hơn 45% trong phiên 29/1, sau khi giảm 44% vào phiên trước đó.

Trong khi đó, thị trường vẫn còn nhiều tâm lý không mấy lạc quan rằng sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu sẽ kéo dài hơn kỳ vọng, ngay cả khi có vắcxin ngừa COVID-19.

Theo các nhà quan sát, chính tâm lý này đã phá vỡ xu hướng tăng giá đối với chứng khoán và vàng trong những phiên gần đây.

Nhìn chung, giá vàng đã có một tuần giao dịch không mấy lạc quan khi giảm bốn phiên liên tiếp và chỉ tăng nhẹ trong phiên cuối cùng.

Trong phiên đầu tuần 25/1, giá vàng đã giảm nhẹ 0,05% xuống 1.855,2 USD/ounce do đồng USD mạnh lên.

Đà giảm của giá vàng được hạn chế khi nhu cầu với trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ giảm vì lãi suất thấp hơn.

Các nhà phân tích thị trường cho rằng nhu cầu vàng có thể vẫn mạnh trong ngắn và trung hạn nhờ khả năng có thêm các biện pháp kích thích kinh tế và từ đó khiến lạm phát có thể vẫn cao.

Đà giảm của giá vàng tiếp tục trong phiên 26/1, do những lo ngại về gói cứu trợ COVID-19 mới và đồng USD yếu đi, trong khi các nhà đầu tư đang theo dõi sát sao cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

[Giá vàng thế giới xuống mức thấp nhất một tuần sau cuộc họp của Fed]

Giá vàng thế giới giảm xuống mức thấp nhất tính từ ngày 18/1 trong phiên 27/1 bởi lo ngại của giới đầu tư về gói kích thích kinh tế của Mỹ, trong bối cảnh thị trường chờ đợi quyết định chính sách mới nhất của Fed.

Các nhà phân tích nhận định rằng gói cứu trợ 1.900 tỷ USD là khá tham vọng và Tổng thống Mỹ Joe Biden khó có thể nhận được đủ sự ủng hộ để thông qua khoản cứu trợ lớn này.

Trong phiên 28/1, giá vàng thế giới tiếp tục đi xuống trước đà tăng của trái phiếu Chính phủ Mỹ.

Kim loại quý này cũng chịu sức ép khi Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo cho biết trong tuần kết thúc vào ngày 23/1, có 847.000 người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu, mức thấp nhất trong ba tuần.

Với mức phục hồi nhẹ trong phiên 29/1, giá vàng giảm 0,5% trong tuần qua và để mất 2,4% trong cả tháng 1/2021.

Ông Fawad Razaqzada, nhà phân tích thị trường tại ThinkMarkets viết trong một ghi chú rằng yếu tố chính tác động tới tâm lý nhà đầu tư là nhận định rằng kinh tế thế giới sẽ không sớm phục hồi như mong đợi.

Sự chậm trễ trong việc triển khai vắcxin và xuất hiện các biến thể mới của virus đồng nghĩa là giai đoạn nền kinh tế phải tạm ngừng hoạt động để chống dịch sẽ lâu hơn dự kiến, qua đó đẩy giai đoạn phục hồi kéo dài hơn.

Nhà phân tích của ThinkMarkets cũng cho hay thị trường đã có một số lo ngại về việc định giá quá cao đối với chứng khoán Mỹ, đặc biệt khi cổ phiếu của nhiều công ty công nghệ lớn đang khá chật vật để có thể “tỏa sáng” dù hầu hết đều có kết quả kinh doanh tốt hơn mong đợi.

Ông Lukman Otunuga, nhà phân tích cấp cao tại sàn giao dịch trực tuyến FXTM cho hay kể từ đầu tuần, giá vàng vẫn ở quanh ngưỡng 1.850 USD/ounce do thiếu những yếu tố tác động giúp xác định hướng dịch chuyển mới.

Song với những diễn biến bất thường trên Phố Wall trong tuần này, kim loại quý có thể vẫn được ưa chuộng khi các nhà đầu tư muốn dõi theo thị trường từ một vị trí an toàn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.