PMI của Singapore giảm xuống mức thấp nhất hơn 3 năm qua

Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Singapore trong tháng 2/2016 đã giảm xuống 48,5 và là mức thấp nhất kể từ tháng 12/2012.
PMI của Singapore giảm xuống mức thấp nhất hơn 3 năm qua ảnh 1Công nhân làm việc trong một nhà máy sản xuất linh kiện điện tử ở Singapore. (Nguồn: businesstimes.com.sg)

Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Singapore trong tháng 2/2016 đã giảm xuống 48,5 và là mức thấp nhất kể từ tháng 12/2012.

Đây là tháng thứ 8 liên tiếp, PMI của Singapore giảm dưới 50, cho thấy hoạt động sản xuất tại Singapore đã xuống mức thấp nhất trong hơn 3 năm.

Các nhà máy đều ít đơn đặt hàng mới, trong khi sản lượng, việc làm cùng các điều kiện kinh doanh bị giảm sút đáng kể và không có dấu hiệu cải thiện.

Theo Viện Thu mua và Quản lý nguyên vật liệu Singapore (SIPMM), nguyên nhân là do đơn đặt hàng mới, hợp đồng xuất khẩu, sản lượng sản xuất liên tục giảm và lượng hàng tồn kho tiếp tục tăng.

Trong khi đó, chỉ số PMI ngành điện tử cũng giảm 0,3 điểm so với tháng Giêng và xuống mức 48,2.

Các chuyên gia cho rằng Singapore đang phải đối mặt với khó khăn gấp đôi do nhu cầu bên ngoài giảm mạnh đi kèm những thách thức nội tại như chi phí gia tăng, nguồn cung nhân lực bị thắt chặt, khả năng cạnh tranh của lĩnh vực sản xuất giảm sút.

Theo ông Francis Tan, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng UOB, Trung Quốc đại lục và cả Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) hiện đều là đối tác xuất khẩu lớn nhất của Singapore, chiếm khoảng từ 11-12% tổng sản lượng xuất khẩu của đảo quốc Sư tử. Do đó, việc chỉ số PMI của Trung Quốc cũng giảm sút sẽ có thể gây tác động mạnh đến nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của Singapore trong thời gian tới.

UOB nhận định sản xuất trong nước sẽ vẫn còn yếu trong những tháng trước mắt, mặc dù sự phục hồi có thể diễn ra trong nửa cuối năm nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.