Liên tiếp trong các ngày 28-29/7 đã diễn ra hai sự kiện quan trọng, có ý nghĩa thiết thực chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam lần thứ III, nhiệm kỳ 2020-2025 là Lễ gắn biển công trình đốt lửa lần đầu Lò hơi tổ máy số 1, sân phân phối 500kv Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 và dự án sản xuất phân bón phức hợp từ urea nóng chảy của Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC).
Để đạt được những dấu mốc quan trọng cho các dự án trên, không chỉ bằng nỗ lực của từng đơn vị, từng nhà thầu, mà còn là nỗ lực của cả hệ thống chính trị Tập đoàn với quyết tâm vượt qua khủng hoảng “kép” chưa từng có trong lịch sử.
[Điểm sáng trong hoạt động tìm kiếm thăm dò ngoài khơi thềm lục địa]
Ông Hồ Xuân Hiền, Trưởng Ban quản lý dự án Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 cho biết, sự kiện đốt lửa lần đầu Lò hơi thành công mang ý nghĩa rất lớn đối với quá trình thực hiện dự án.
Đây là mốc để Chủ đầu tư PVN, Tổng thầu LILAMA kiểm tra chất lượng thiết bị Lò hơi và toàn bộ hệ thống phụ trợ kèm theo, bảo đảm các điều kiện kỹ thuật để triển khai, hoàn thiện công tác chạy thử và các mốc quan trọng tiếp theo của dự án.
Sau khi đốt lửa lần đầu Lò hơi thành công, quá trình đốt lửa bằng dầu sẽ kéo dài trong vòng 3 tháng, sẵn sàng để hướng đến các mốc đốt lửa Lò hơi bằng than vào tháng 11/2020, phát điện và hòa đồng bộ vào lưới điện quốc gia vào cuối năm 2020 đầu năm 2021 và kế hoạch đưa Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 đi vào vận hành tổ máy số 1 vào quý 2/2021 và tổ máy số 2 vào quý 3/2021 theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 69/NQ-CP.
Nhân dịp này, Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã tổ chức Lễ gắn biển hoàn thành 2 công trình của dự án, đó là: Đốt lửa lần đầu Lò hơi Tổ máy số 1 Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 thành công và Hoàn thành sân phân phối 500kV Trung tâm Điện lực Sông Hậu.
Dấu ấn thứ hai là dự án sản xuất phân bón phức hợp từ urea nóng chảy của PVCFC đã được tổ chức Lễ gắn biển công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ Tập đoàn lần thứ III, nhiệm kỳ 2020-2025 vào ngày 29/7.
Tổng Giám đốc PVCFC Văn Tiến Thanh cho biết, dự án là một trong những công trình mang tính quyết định trong việc xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển của PVCFC trong 5 năm tới.
Ngay khi đưa vào hoạt động, dự án sẽ trở thành nhà máy sản xuất phân bón phức hợp một hạt có chất lượng dẫn đầu thị trường, với công suất 300.000 tấn/năm, tổng mức đầu tư trên 800 tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường trong nước, hướng đến xuất khẩu, góp phần phát triển kinh tế của cả khu vực.
“Dự án cũng đánh dấu lần đầu tiên tại Việt Nam có một nhà máy phân bón phức hợp được đầu tư thiết bị chính của EU/G7, sở hữu dây chuyền sản xuất theo công nghệ tiên tiến bậc nhất từ ESPINDESA - Tây Ban Nha, trở thành công trình sản xuất phân bón phức hợp hiện đại bậc nhất,” ông Thanh cho hay./.