Qatar không "hạ nhiệt" khí đốt: Quan ngại về năng lượng toàn cầu

Trong khi Qatar cho biết nước này không có khả năng "hạ nhiệt" giá năng lượng, nhiều quốc gia đang quay lại sử dụng than đá và dầu, các nhiên liệu vốn gây ô nhiễm nhiều nhất.
Qatar không "hạ nhiệt" khí đốt: Quan ngại về năng lượng toàn cầu ảnh 1Các bể chứa khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) tại một khu cảng ở Grain, miền Đông Nam nước Anh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Qatar, nước xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất thế giới, cho biết nước này không có khả năng “hạ nhiệt” giá năng lượng, giữa lúc các nhà sản xuất thép của Vương quốc Anh cho biết họ có thể buộc phải ngừng sản xuất trước chi phí tăng cao.

Sự phục hồi trong hoạt động kinh tế sau khi các lệnh hạn chế liên quan đến dịch COVID-19 được nới lỏng đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt lượng khí tự nhiên dự trữ và các nguồn cung nhiên liệu khác, gây ra tình trạng mất điện ở nhiều nước.

Để duy trì hoạt động của các nhà máy và đáp ứng nhu cầu sưởi ấm của các hộ gia đình, các lãnh đạo ngành và chính phủ các nước đang phải chi nhiều hơn cho năng lượng và quay trở lại sử dụng than đá và dầu, vốn là các loại nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm nhiều nhất.

Do nhiều nhà máy điện chuyển sang sử dụng dầu, giá dầu thô kỳ hạn đã tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm qua trong phiên 11/10.

[Chính phủ Anh tìm cách hỗ trợ các ngành phụ thuộc vào năng lượng]

Bên cạnh đó, sau khi giảm xuống các mức thấp kỷ lục trong thời ký cao điểm của tình trạng phong tỏa do dịch COVID-19, giá LNG đã tăng mạnh trong năm nay và chạm các mức cao lịch sử. Nhưng Qatar cho biết nước này không có sẵn nguồn cung để kiềm chế thị trường.

Trên toàn thế giới, giá năng lượng ở mức cao đang gây áp lực cho chính phủ các nước và ngành công nghiệp. Nhiều công ty đã cảnh báo nguy cơ cắt giảm việc làm và khả năng chuyển gánh nặng chi phí sang cho khách hàng và người tiêu dùng.

Các nhà sản xuất thép ở Anh cho biết họ có thể phải ngừng hoạt động sản xuất và đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng nếu chính phủ không hỗ trợ.

Người phát ngôn của Thủ tướng Boris Johnson ngày 11/10 cho biết chính phủ đang lắng nghe những lo ngại của các ngành và thảo luận xem liệu có cần hành động thêm hay không.

Tại Tây Ban Nha, công ty sản xuất thép Sidenor cho biết đã ngừng sản xuất tại một nhà máy ở gần thành phố Bilbao ở miền Bắc nước này, sau khi chi phí năng lượng gia tăng đã khiến tổng chi phí sản xuất tăng 25%.

Tại Trung Quốc, chính phủ đã tìm cách thúc đẩy nguồn cung than đá, nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện. Tình trạng thiếu hụt nguồn cung đã khiến giá năng lượng và các sản phẩm hóa dầu kỳ hạn tại Trung Quốc tăng lên các mức cao kỷ lục trong nhiều năm qua trong phiên 11/10./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.