Qatar là thị trường có chi phí xây dựng đắt nhất Trung Đông

Theo báo cáo mới của EC Harris, có trụ sở chính tại London, chi phí xây dựng ở Qatar vẫn ở mức cao nhất ở Trung Đông, xếp hạng 16 thế giới.
Ảnh minh họa. (Nguồn: arabianbusiness.com)

Theo báo cáo mới nhất của Hãng tư vấn xây dựng toàn cầu EC Harris, có trụ sở chính tại London, Anh, chi phí xây dựng ở Qatar vẫn ở mức cao nhất tại khu vực Trung Đông, xếp hạng 16 thế giới.

Tiếp theo là Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) ở hạng 19 và Saudi Arabia, hạng 20.

Được thực hiện tại 43 quốc gia trên khắp các châu lục, bản báo cáo thường niên của EC Harris cho thấy chi phí xây dựng quốc tế đã bị ảnh hưởng bởi biến động tiền tệ, giá cả hàng hóa và nhu cầu phát triển tại nhiều nền kinh tế trên đà phục hồi trong suốt cả năm 2014.

Tuy nhiên, tác động của những biến động trên đối với các nước vùng Vịnh hạn chế do các đồng nội tệ của các quốc gia này được neo chặt với đồng USD.

Tại khu vực vùng Vịnh, chi phí xây dựng vẫn tương đối khiêm tốn, bất chấp mức độ đầu tư lớn cho các cơ sở hạ tầng giao thông, trong đó có 200 tỷ USD vào mạng lưới đường sắt của các nước thành viên Tổ chức Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) và hàng loạt công trình xây dựng đang được triển khai tại Qatar phục vụ cho Giải vô địch bóng đá Thế giới (World Cup) năm 2022 và sự kiện World Expo Dubai năm 2020.

Cũng theo báo cáo trên, đầu tư vào các cơ sở hạ tầng xã hội, đầu tư nhằm đa dạng hóa nền kinh tế và lĩnh vực xây dựng phục vụ các sự kiện là ba xu hướng chính ảnh hưởng tích cực đến chi tiêu xây dựng tại khu vực Trung Đông.

Trong số các thành viên của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), UAE, Qatar và Saudi Arabia nằm trong số các quốc gia có tiềm lực nhất để tiếp tục giải ngân cho các cam kết ngân sách. Tuy nhiên, với việc giá dầu liên tục giảm, có khả năng xu hướng này và các khoản chi ưu tiên đang được xem xét lại.

Trên toàn cầu, Thụy Sĩ là quốc gia có chi phí xây dựng đắt đỏ nhất, trong khi chi phí tại Nhật Bản và Singapore đã giảm đáng kể so với năm trước. Trong khi đó, các nước châu Âu hiện thống trị Top 10 thế giới. Điều này một phần là do sự phục hồi kinh tế đang diễn ra tại các nước như Anh, Đức và Pháp.

Trong khi đó, việc đồng tiền mất giá tại nhiều thị trường mới nổi khiến chi phí xây dựng giảm đáng kể tại các quốc gia này.

Theo báo cáo của EC Harris, chi phí xây dựng tại các nước như Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam hiện thấp hơn khoảng 35% so với Vương quốc Anh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục