Qatar - quốc gia thành viên trong Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) - nhận định OPEC và các nước đồng minh cần duy trì nỗ lực kiềm chế nguồn cung nhằm đảm bảo giá dầu ở mức "lành mạnh."
Điều này sẽ giúp đẩy mạnh đầu tư vào ngành dầu khí, đồng thời tránh gây ra tình trạng nguồn cung dồi dào và giá dầu thấp trong thời gian dài.
Bộ trưởng Năng lượng Qatar Mohammed al-Sada cho biết ông ủng hộ việc thiết lập một nền tảng hợp tác lâu dài giữa OPEC và Nga sau khi thỏa thuận cắt giảm sản lượng hiện hành chấm dứt.
Ông Sada nhấn mạnh nhu cầu dầu mỏ toàn cầu có thể tăng thêm ít nhất 1,5 triệu thùng/ngày mỗi năm, trong khi hoạt động đầu tư vào ngành dầu mỏ trên toàn thế giới chỉ ở mức thấp khoảng 400 tỷ USD/năm.
[OPEC muốn hợp tác dài hạn với nhà xuất khẩu để giám sát nguồn cung]
Nga, nước có sản lượng dầu lớn nhất thế giới, đã chung tay với OPEC để vực dậy giá dầu thông qua thỏa thuận cắt giảm sản lượng dự kiến kéo dài tới hết năm 2018. Nguồn cung quá dôi dư đã khiến giá dầu giảm sâu, xuống dưới 30 USD/thùng trong năm 2016, từ mức trên 100 USD/thùng trong năm 2014, đồng thời khiến lượng vốn đầu tư rót vào lĩnh vực này giảm hơn 1.000 tỷ USD trong ba năm qua. Hiện giá dầu đã phục hồi lên khoảng 70 USD/thùng, song đà tăng sản lượng nhanh chóng của Mỹ đã kiềm chế sức bật của giá dầu.
Trong một phát biểu mới đây, Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman cho biết Saudi Arabia và Nga đang xem xét kéo dài thời hạn của thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu hiện tại.
Cụ thể, theo Thái tử Mohammed bin Salman, thay vì một thỏa thuận có thời hạn từ năm này qua năm khác như hiện tại, các bên có thể điều chỉnh thời gian có hiệu lực của thỏa thuận này lên 10-20 năm. Tuy nhiên, chi tiết của thỏa thuận này vẫn chưa được thống nhất./.