'Quả ngọt' trong hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và Lào

Với nền tảng quan hệ hợp tác chính trị tốt đẹp, quan hệ hợp tác kinh tế-đầu tư luôn là điểm sáng trong quan hệ hợp tác đặc biệt Việt Nam-Lào.
'Quả ngọt' trong hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và Lào ảnh 1Ra mắt mạng di động Unitel tại Lào. (Ảnh: Viettel)

Theo đánh giá của Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng, thời gian qua, mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào không ngừng phát triển và đạt được nhiều kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực.

Trong đó, quan hệ hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại văn hóa, khoa học kỹ thuật giữa hai nước cũng không ngừng được mở rộng, đi vào chiều sâu.

Đồng hành với sự phát triển bền vững của nước bạn

Đại sứ Nguyễn Bá Hùng nhận định, Việt Nam là 1 trong 3 nhà đầu tư lớn nhất tại Lào với 415 dự án được cấp phép, tổng vốn đầu tư khoảng 4,4 tỷ USD, tập trung vào các lĩnh vực quan trọng như tài chính-ngân hàng, năng lượng điện, viễn thông, nông-lâm, khai khoáng... Nhiều dự án đang được triển khai tốt, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của Lào và cải thiện đời sống của người dân ở địa phương. 

Hiện các dự án đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam tại Lào đã và đang góp phần thúc đẩy nền kinh tế Lào phát triển bền vững, góp phần giữ vững an ninh quốc phòng và tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người dân.

Ví dụ như, các dự án của Hoàng Anh Gia lai đã giải quyết việc làm cho khoảng 20 ngàn người dân lao động tại Lào, Unitel (thương hiệu Viettel tại Lào) tạo công ăn việc làm cho hơn 25 ngàn lao động Lào... tổng số vốn đầu tư cho an sinh xã hội mà các doanh nghiệp Việt Nam triển khai tại Lào đến nay đạt xấp xỉ 71 triệu USD, tập trung chủ yếu cho lĩnh vực y tế, giáo dục, xây dựng nhà cho bà con nghèo vùng sâu vùng xa.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp công nghệ của Việt Nam như Viettel đang không chỉ là các nhà đầu tư mà còn là các đầu tàu hỗ trợ chính phủ Lào trong trong chuyển đổi số và xây dựng  chính phủ điện tử. 

Điển hình như Unitel (đơn vị của Viettel tại Lào) đã đồng hành, sát cánh cùng Chính phủ, người dân Lào trong nhiều hoạt động như: Hỗ trợ cho chính phủ Lào trong chuyển đổi số và xây dựng hạ tầng chính phủ điện tử với tổng giá trị trên 3,3 triệu USD; tài trợ hơn 27 triệu USD internet miễn phí cho gần 1 ngàn trường học, đào tạo hàng trăm nhân sự chất lượng cao công nghệ thông tin-viễn thông cho Lào, hỗ trợ xây dựng trường học, trạm y tế, hỗ trợ người dân chịu ảnh hưởng lũ lụt thiên tai..

Đặc biệt, trong dịch bệnh COVID-19 bùng phát các doanh nghiệp Việt Nam đã đồng lòng, chung sức hỗ trợ chính phủ và nhân dân Lào phòng chống dịch bệnh như: Star Telecom (Unitel) hỗ trợ hơn 12 tỉ đồng, Hoàng Anh Gia Lai (100 ngàn USD), LaoVietBank (hơn 10 ngàn USD), Khai thác mỏ Sakai (hơn 22 ngàn USD), Điện Việt-Lào (30 ngàn USD),...

"Nhiều dự án đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào đã phát huy hiệu quả, sản xuất-kinh doanh có lãi, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của hai nước, tạo việc làm và làm tốt công tác an sinh xã hội tại hai quốc gia láng giềng," đại diện Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết.

Điểm sáng trong hợp tác Việt Nam-Lào

Lào đang là thị trường đầu tư ra nước ngoài lớn nhất của Việt Nam với tổng vốn chiếm gần 31% vốn đầu tư ra nước ngoài. Còn tại Lào, Việt Nam là nhà đầu tư lớn thứ 3 với tổng vốn đầu tư hơn 4,4 tỷ USD.

Các lĩnh vực nổi bật là viễn thông, nông nghiệp và năng lượng. Điển hình là các dự án như Unitel của Viettel; siêu dự án 500 triệu USD của Vinamilk; loạt dự án trồng cao su, cọ dầu, sân bay của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai; hay Dự án Thủy điện Xekamản 1; Dự án đường dây tải điện từ Xekamản về Pleiku… Đây là minh chứng cho mối quan hệ hợp tác toàn diện, thiết thực, hiệu quả, mang lại lợi ích to lớn cho nhân dân 2 nước.

'Quả ngọt' trong hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và Lào ảnh 2Ảnh minh hoạ. (Ảnh: Viettel)

Trong đó, dự án viễn thông Unitel, Liên doanh giữa Viettel và chính phủ Lào sau 12 năm đã là nhà mạng số 1 tại thị trường Lào với 57% thị phần.

Nếu như trước đây Lào được biết đến là một trong những "vùng trắng viễn thông" thì kể từ khi Unitel có mặt, số lượng người dân tiếp cận với di động đã tăng 6 lần, từ 18% lên 100%.

Viễn thông đã phủ sóng khắp đất nước, trong đó Unitel đã đóng góp hạ tầng mạng lưới lớn nhất, phủ sóng tới 100% các mường của Lào, trong đó 4G phủ sóng tới 70% (các thủ phủ là hơn 96%).

Unitel đã đưa Lào trở thành một trong những nước có hạ tầng viễn thông lớn và sâu rộng nhất trong khu vực ASEAN với vùng phủ và tốc độ 4G tốt nhất Đông Nam Á.

[Unitel - Thương hiệu Viettel tại Lào tiếp tục đứng đầu thị trường]

Hiện tại, Unitel có tổng doanh thu lũy kế đạt hơn 2 tỷ USD, lợi nhuận trước thuế lũy kế đạt khoảng 777 triệu USD. Dự án Unitel đã đóng góp cho ngân sách nhà nước khoảng 553 triệu USD và mang lại lợi nhuận cho Lào 306 triệu USD.

"Đến nay, các doanh nghiệp Việt Nam đã đóng góp hàng trăm triệu USD cho ngân sách nhà nước Lào. Điển hình là Liên doanh Unitel Lào đóng góp lũy kế đến nay khoảng hơn 700 triệu USD...; Ngân hàng liên doanh Lào-Việt đóng góp lũy kế đến nay khoảng 40 triệu USD; riêng Dự án Xekamản 1 đã nộp ngân sách cho Chính phủ Lào dự kiến năm 2020 là 8,56 triệu USD; lũy kế từ 28/8/2016 đến 31/12/2020 ước đạt 30,856 triệu USD...," Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Có thể thấy rằng, lĩnh vực đầu tư đang trở thành một "đại sứ kinh tế" quan trọng trong mối mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào.

Hy vọng rằng, thời gian tới sẽ tiếp tục có thêm  những dự án đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam  tiếp tục mang đến nhiều lợi ích thiết thực, bền vững cho nhân dân Lào, để cho mối quan hệ Việt-Lào ngày càng thêm nhiều "hoa thơm, trái ngọt" hơn nữa./.

Giai đoạn 2016-2020, kim ngạch thương mại Việt-Lào có sự tăng trưởng ổn định, đến nay đã đạt mục tiêu trên 1 tỷ USD/năm.

Tính đến hết 5 tháng đầu năm 2021, kim ngạch thương mại Việt Nam – Lào đạt 570,7 triệu USD, tăng 39,3% so với cùng kỳ năm 2020, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2019 (trước khi có đại dịch COVID-19).

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Lào đạt 280,3 triệu USD, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm 2020. Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Lào đạt 290,4 triệu USD, tăng 58,9% so với cùng kỳ năm 2020.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.