“Quả ngọt” từ những quyết sách và điều hành quyết liệt, linh hoạt

Năm 2022, trong khi nền kinh tế thế giới chật vật ứng phó khủng hoảng năng lượng và lạm phát thì Việt Nam nổi lên như một điểm sáng với việc điều hành giá hiệu quả, kinh tế phục hồi và phát triển.
“Quả ngọt” từ những quyết sách và điều hành quyết liệt, linh hoạt ảnh 1Các container hàng hóa tại Tân Cảng Sài Gòn. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Bài 1 và bài 2 trong loạt bài “Hóa giải thách thức, chung sức đồng lòng vì một Việt Nam phát triển” đã nhấn mạnh đến Nghị quyết 30 vài 4 kỳ họp bất thường của Quốc hội khóa XV. Từ những quyết sách đúng của Quốc hội, sự lãnh đạo, điều hành của Đảng, Chính phủ, kinh tế-xã hội đất nước đã có “quả ngọt’ sau thời gian dài vun xới.

Bài 3: “Quả ngọt” từ những quyết sách và điều hành quyết liệt, linh hoạt

“Dịch COVID-19 đã cơ bản được kiểm soát trên cả nước, đưa đất nước trở lại trạng thái ‘bình thường mới,’ góp phần vào tăng trưởng kinh tế, ổn định xã hội. Các chính sách phòng, chống dịch tại Nghị quyết 30/2021/QH15 đã được triển khai đồng bộ, toàn diện, thống nhất trong cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương," như báo cáo của Chính phủ tại Kỳ họp bất thường lần thứ hai, Quốc hội khóa XV, đã chỉ rõ.

Khi nền kinh tế thế giới tiếp tục đứng trước những biến động khó lường sau hàng loạt thách thức về khủng hoảng năng lượng, lạm phát và lãi suất leo thang năm 2022, cuộc khủng hoảng ngân hàng ở Mỹ và Thụy Sĩ đầu năm nay đặt ra mối lo về một cuộc khủng hoảng tài chính mới tương tự như hồi năm 2008, thì Việt Nam nổi lên là một điểm sáng về tăng trưởng trên thế giới.

Những trái ngọt đã được thu về sau thời gian dài vun xới! Khó có thể nêu hết được những thành tựu chỉ trong một bài viết, nhưng những điểm sáng có thể thấy rõ là năm 2022, kinh tế phát triển, lạm phát được kiểm soát, một năm điều hành giá hiệu quả.

Trong phát biểu bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ hai, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh, năm 2022, trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động nhanh, phức tạp, khó lường; trong nước, khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi, nền kinh tế chịu tác động tiêu cực kép cả từ bên trong và bên ngoài; dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đoàn kết, đồng lòng, nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị và hỗ trợ của bạn bè quốc tế, chúng ta đã đạt được những thành tựu rất quan trọng và khá toàn diện.

Kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm chỉ tăng 3,15% trong mức chỉ tiêu của Quốc hội; tăng trưởng GDP đạt 8,02%, là mức cao nhất trong 10 năm qua; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm.

Thu ngân sách nhà nước đạt 1,804 triệu tỷ đồng, vượt 27,76% so với dự toán và tăng 14,12% so với năm 2021; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 732,5 tỷ USD, xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp, đạt 11,2 tỷ USD…

Tờ Insider Monkey của Mỹ nhận định Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia đang phát triển có tiềm lực mạnh. Năm 2022, Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

[Infographics] Việt Nam được ca ngợi về chỉ số tự do kinh tế

Theo Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, ông Andrew Jeffries, nhờ sự thay đổi linh hoạt của Chính phủ trong việc phòng, chống đại dịch COVID-19, nền kinh tế đã có sự bứt phá mạnh mẽ, phục hồi nhanh hơn dự kiến trong nửa đầu năm 2022 và tiếp tục tăng trưởng trong những tháng còn lại.

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam được duy trì nhờ các cân đối kinh tế vĩ mô vững mạnh, được hỗ trợ bởi sự phục hồi nhanh hơn dự kiến của ngành công nghiệp chế biến chế tạo, dịch vụ và tăng trưởng mạnh mẽ của ngành nông nghiệp.

“Quả ngọt” từ những quyết sách và điều hành quyết liệt, linh hoạt ảnh 2Chế biến cá da trơn xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Gò Đàng, Tiền Giang. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)

Nhìn lại bối cảnh hơn 1,5 năm trước, ở đầu nhiệm kỳ Chính phủ và Quốc hội khóa XV, COVID-19 hoành hành dữ dội, có thể thấy những nỗ lực là vượt bậc và kết quả đạt được là ngoài mong đợi.

Quốc hội, Chính phủ đã tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế phát triển, rà soát, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, khơi thông các nguồn lực và tạo động lực mới cho phát triển kinh tế-xã hội.

Thể chế hóa chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về việc huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, trong ba năm (1/2020-1/2023), trên 130 văn bản đã được các cơ quan ban hành theo thẩm quyền, trong đó Quốc hội đã ban hành 6 nghị quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 12 nghị quyết; Chính phủ ban hành 14 nghị định, 23 nghị quyết, Thủ tướng Chính phủ ban hành 35 quyết định, 4 chỉ thị…

Theo báo cáo của Đoàn giám sát chuyên đề "Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng," đến ngày 31/12/2022, tổng nguồn lực đã được huy động để trực tiếp phục vụ công tác phòng, chống dịch là trên 236.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước là trên 189.000 tỷ đồng, huy động từ các nguồn viện trợ (chủ yếu là vaccine), tài trợ trên 47.000 tỷ đồng.

Quỹ vaccine phòng, chống dịch COVID-19 đã huy động được trên 15.100 tỷ đồng. Tổng số vaccine nhận từ các nguồn viện trợ, tài trợ là gần 160 triệu liều; trong đó riêng viện trợ của Chính phủ các nước là gần 150 triệu liều, trị giá khoảng 24.000 tỷ đồng.

Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Trần Kim Chung cho rằng năm 2022, Việt Nam đạt được mức tăng trưởng cao do rất nhiều yếu tố đan xen, cộng hưởng, trong đó có sự quyết liệt trong phản ứng chính sách từ Đảng, Quốc hội, Chính phủ - một năm dày đặc các chính sách về kinh tế.

Làn sóng chuyển dịch của các “đại bàng” như Apple, Foxconn... là những chỉ dấu tích cực cho thấy các nhà đầu tư đang đặt niềm tin rất lớn vào môi trường đầu tư, vị thế kinh tế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

“Quả ngọt” từ những quyết sách và điều hành quyết liệt, linh hoạt ảnh 3Công nhân làm việc trong nhà máy sản xuất thảm cỏ nhân tạo, Công ty TNHH CCGrass Việt Nam, Khu công nghiệp Phước Đông, huyện Gò Dầu, Tây Ninh. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Trong bối cảnh đầu tư thương mại quốc tế suy giảm, vốn FDI vào Việt Nam vẫn đạt con số giải ngân 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm 2021. Đây chính là yếu tố quan trọng tạo sức bật tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Ba tháng đầu năm nay, dù mức tăng trưởng thấp hơn chỉ tiêu được Quốc hội giao, chỉ tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước. Song trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới với nhiều khó khăn, biến động khó lường, tác động rất lớn đến nền kinh tế Việt Nam do có độ mở lớn, thì kết quả tăng trưởng này vẫn ở mức khá so với bình quân chung trên thế giới và khu vực, khi mà các nền kinh tế khác được dự báo là tăng trưởng ở mức rất thấp.

Điểm nổi bật nhất trong bức tranh quý 1 là lượng khách quốc tế tới Việt Nam đạt 2,7 triệu lượt, gấp gần 30 lần cùng kỳ và đã tương đương 1/3 mục tiêu cả năm nay. Những chuyến bay charter đón du khách tới Đà Nẵng, Nha Trang những tháng đầu năm đã thể hiện Việt Nam là một đất nước bình yên, du khách muốn tìm đến.

Dự báo, lượng du khách sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới khi "thị trường tỷ dân" Trung Quốc đã mở cửa cho khách du lịch đi theo đoàn sang Việt Nam từ ngày 15/3.

Khi các cánh cửa cho phát triển công nghiệp đang bị khép lại thì nông nghiệp vẫn là điểm tựa vững chắc cho đất nước trong những ngày gian khó, và nối tiếp đà đó, quý I/2023, khu vực nông nghiệp vẫn bảo đảm vai trò là trụ đỡ với mức tăng trưởng 2,52%.

Dẫu còn nhiều khó khăn, thách thức phía trước, khi nền kinh tế thế giới còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, khi dịch COVID-19 tiếp tục có những diễn biến mới với số ca mắc đang tăng nhanh, nhưng những nỗ lực không ngừng nghỉ từ lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo Quốc hội, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền cùng sự chung sức, đồng lòng của mỗi người dân, Việt Nam vẫn tự tin trên con đường chinh phục chỉ số tăng trưởng GDP 6,5% của năm 2023./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục